Khi sĩ diện của bố mẹ to hơn tính mạng con

25/11/2011 14:22
Trước sự lầm lỡ của con cái, nhiều ông bố bà mẹ chỉ vì chữ “sĩ”, khư khư bảo vệ thể diện của mình mà để cho con mình sa ngã thêm hoặc gặp nạn.
Nghe tin con gái vì phá thai mà băng huyết, ông Dương dứt khoát không cho vợ thăm nuôi “đứa bôi tro trát trấu vào mặt gia đình”.

“Nhà này không chứa đứa không chồng mà chửa”

Đó là câu nói lạnh lùng của ông Dương (Quảng Xương, Thanh Hóa) khi biết tin đồn cô con gái 20 tuổi có bầu là thật. Vì dạy con rất nghiêm nên khi nghe cô em dâu hớt hải báo, bà nghe lỏm mấy đứa con gái nói với nhau cháu bà có bầu và bị người tình bỏ rơi, ông Dương tin rằng không thể có chuyện đó. Thế nên khi tra hỏi con gái và cô cúi gằm mặt thừa nhận, ông sốc đến mức huyết áp tăng vọt, suýt nữa phải đi cấp cứu.

Cảm thấy nhục nhã với họ hàng, làng nước vì chuyện đã lan ra ngoài, ông Dương công khai tuyên bố từ con. “Nhà này không chứa đứa không chồng mà chửa. Mày không phải con tao nữa. Sống chết gì cũng đừng có về nhà này nữa”, ông lạnh lùng nói với Hoài dù cô khóc quỳ xuống van xin.

Hoài ra ở nhờ phòng trọ của bạn. Ít hôm sau, cô bạn đó gọi điện báo tin Hoài phá thai ở một phòng khám tư, bị băng huyết, tình hình nguy cấp lắm. Bà Dương rụng rời, cuống cuồng hỏi địa chỉ để đến, nhưng ông Dương tuyên bố, ai đến thăm Hoài thì đi luôn, không được về nữa, rồi ông canh chừng vợ con cẩn thận.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lần đó Hoài suýt chết. Sau khi hồi phục, cô bỏ học, đi làm thuê linh tinh để có tiền trọ và sống qua ngày. Thỉnh thoảng, mẹ cô nhờ con út lén đến dúi cho ít tiền, riêng ông bố đến nay vẫn kiên quyết coi như chưa từng có cô trên đời.

Thu, quê Thái Bình, cũng lỡ mang thai khi rời quê lên Hà Nội học. Quá dại dột, cô để đến lúc cái thai lớn không thể phá được nữa mới dám cầu cứu mẹ. Mẹ Thu là một giáo viên dạy giỏi có tiếng, rất được kính trọng trong vùng, vì thế bà dứt khoát không để lầm lỡ của con gái làm ảnh hưởng đến thanh danh. Bà chỉ đưa tiền cho con gái, cấm cô về quê. Thu phải tự xoay xở trong suốt thời gian mang thai. Thi thoảng vào dịp cuối tuần, em cô xuống thăm, đưa tiền rồi về ngay để đi học. Còn mẹ Thu không hề thăm con một lần nào vì “ai nhìn thấy biết tao là mẹ mày thì muối mặt lắm”.

Ngày chuyển dạ, Thu một mình vào bệnh viện, rồi gọi em gái xuống gấp. Cô em mới học cấp ba, lơ ngơ, sợ hãi, khi bác sĩ thông báo chị đẻ khó, phải mổ và chấp nhận rủi ro, cô bé chỉ khóc mà chẳng biết làm gì. May là ca mổ diễn ra trót lọt. Đẻ xong, mẹ Thu dứt khoát bắt phải cho con.

Van xin vô ích, Thu đành đứt ruột cho đi đứa con gái nặng 3,6 kg đẹp như thiên thần. Mẹ cô thở phào vì sự cố được giải quyết trơn tru, nhưng con gái bà từ đó như cái xác không hồn. Ra trường rồi đi làm đã mấy năm, Thu vẫn đi về một mình, từ chối mọi chàng trai mà mẹ giới thiệu, chỉ đau đáu về đứa con giờ không biết ở đâu.

Để con nghiện vì… danh dự gia đình

Đang học đại học năm thứ hai thì Thiện, con út ông Kiên (Kim Sơn, Ninh Bình), nghiện ma túy. Anh con cả đề nghị cho Thiện tạm nghỉ học về cho nhà quản lý, nhưng ông gạt đi: “Bỏ học về giữa chừng, thiên hạ biết ngay là có chuyện. Không được”. Và để cậu quý tử không gây họa ở Hà Nội, ông bà suốt ngày phải xoay tiền gửi cho Thiện, chỉ sợ không có tiền hút hít, cậu phải trộm cắp, gây tai tiếng.

Lần lữa rồi Thiện cũng tốt nghiệp về quê, nghiện ngày càng nặng, trong khi nhà cửa ngày càng khánh kiệt. Anh con cả đề xuất cho đi trại để cai, nhưng ông Kiên gầm lên: “Anh điên à? Cho nó đi cai thì bố anh còn mặt mũi nào nhìn ai nữa?”. Thế là Thiện vẫn ngày ngày đi chơi, đòi tiền bố mẹ để mua ma túy. Ông Kiên chấp nhận tất cả để giữ thể diện, mà không biết rằng, chuyện con ông nghiện, họ hàng, làng xóm đều biết hết từ lâu.

Ông Minh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng có con trai bị nghiện. Ông bắt cậu bỏ học để cai, nhưng vì không muốn hàng xóm biết nên gửi con vào tận TP. HCM cho anh trai quản lý hộ. Ông bác cũng cố gắng để cai nghiện cho cháu, nhưng cậu cháu quá ranh ma, lại có “kinh nghiệm” nghiện hai năm rồi nên qua mặt ông bác dễ như bỡn.

Những khi phát hiện cháu lừa mình, ông cũng cố gắng đe nẹt nhưng quyền làm bác không thể tuyệt đối như quyền làm cha. Rốt cục chàng trai nghiện vẫn hoàn nghiện. Biết vậy nhưng ông Minh vẫn không chịu để con về nhà, chỉ nài nỉ anh mình cố gắng và vừa quát nạt vừa dỗ dành con trai, tất cả đều qua điện thoại. Hai tháng trước, trong một lần ốm phải đi khám bệnh, con trai ông Minh bị phát hiện nhiễm HIV.

"Bố ơi, cứu con!"

Bao nhiêu niềm tự hào của ông Vinh bấy lâu nay về một gia đình trí thức, nề nếp đã tan thành mây khói khi hàng xóm chứng kiến cảnh mấy gã đầu gấu vào tận nhà đập phá đồ đạc, dọa “làm thịt” Tú, con trai thứ của ông nếu gia đình không trả tiền. Vốn vẫn tin ở cậu con trai hiền lành, ngoan ngoãn, ông không tin nổi cậu sa đà vào trò cá độ bóng đá và đến nay số nợ đã là 145 triệu đồng.

Trước mặt mấy người hàng xóm chạy sang xem, ông bảo đám đầu gấu: “Đây là nhà tôi, tôi không nợ gì các cậu, các cậu còn gây rối là tôi gọi công an. Thằng Tú là người trưởng thành rồi, ai nợ người đấy trả, tôi không có trách nhiệm”.

Đám đầu gấu đã về sau khi buông lời đe dọa, Tú hoảng sợ quỳ sụp dưới chân bố: "Bố ơi, cứu con bố ơi. Bọn nó làm thật đấy. Nó giết con đấy". Mẹ và các chị Tú cũng cố xin ông tìm cách giúp cậu. Ông Vinh mặt đỏ phừng phừng, quát: “Các người không thấy nó làm tôi lại nhục mặt thế nào à? Mà cái bọn cá độ, cờ bạc này, trả cho nó một lần, nó lại chơi tiếp, nợ tiếp, có bán nhà cho nó chơi được không? Giờ cứ kệ cho nó tự lo, có thế nó mới chừa được”.

Trong thâm tâm, ông Vinh vẫn nghĩ rằng Tú có thể tự xoay xở vay mượn, rồi sau đó sẽ trả nợ dần, không biết rằng chỗ nào có thể vay, cậu đã vay hết để “trám” vào những lần thua trước đây rồi. Ba ngày sau, Tú bị mấy gã kia đánh trọng thương “để mày và ông già mày biết bọn tao không đùa”. Đến lúc này, ông Vinh mới ân hận vì đã làm ngơ trước lời kêu cứu của con trai. Ông nhận ra rằng, khi con cái sa ngã và gặp họa, bố mẹ là chỗ trông cậy cuối cùng và nếu bố mẹ quay lưng, bọn trẻ sẽ có thể hỏng cả cuộc đời.

Theo Đất Việt