Thầy cô tạo động lực, hứng thú để học sinh yêu thích môn Lịch sử ở CTGDPT mới

29/05/2023 06:37
Kim Ngọc
GDVN- Để giúp học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng, năng lực, thầy cô cần lồng ghép nội dung thực hành, xây dựng các dự án học tập.

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở bậc trung học phổ thông, Lịch sử từ môn học lựa chọn trở thành môn học bắt buộc đã tạo tâm thế mới trong việc dạy và học cho giáo viên, học sinh.

Dạy học Lịch sử như thế nào để học sinh hứng thú, yêu thích và tạo được chất lượng là vấn đề được ngành giáo dục và xã hội quan tâm.

Giáo viên cần thấm nhuần tư tưởng đổi mới

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Mai Khuyên – Giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, với chương trình giáo dục phổ thông mới, dù mỗi bộ sách có thể có cấu trúc bài học khác nhau những vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình đặt ra.

Hành trình đổi mới bao giờ cũng có những khó khăn riêng, giáo viên phải dạy học và rút kinh nghiệm, tiếp tục học hỏi, tự bồi dưỡng để có những phương pháp dạy học hiệu quả.

Cô Lê Mai Khuyên – Giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Marie Curie. Ảnh: NVCC

Cô Lê Mai Khuyên – Giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Marie Curie. Ảnh: NVCC

“Là giáo viên Lịch sử và vinh dự tiên phong trong thực hiện chương trình mới, từng đọc thẩm định và dạy thí điểm sách giáo khoa mới, tôi luôn đặt trọn tâm huyết của mình từ việc chọn sách đến việc soạn bài giảng, tổ chức lớp học.

Khi chọn sách giáo khoa, giáo viên phải xem bộ sách có bám sát mục tiêu chương trình không, bộ sách nào sẽ phù hợp và tạo thuận lợi cho học sinh của trường mình.

Trường Marie Curie lựa chọn bộ sách Kết nối Tri thức và Cuộc sống. Đây là bộ sách có nhiều đổi mới trong cấu trúc bài, từ kênh chữ đến kênh hình, rất thuận lợi cho học sinh học tập, và bám sát yêu cầu đổi mới, hướng tới phát triển năng lực học sinh.

Nhưng dù là bộ sách nào, quan trọng nhất vẫn là người giáo viên, thầy cô phải nhận thức sâu sắc về công cuộc đổi mới giáo dục, luôn tự học, tự rèn luyện, tự đổi mới để có những phương pháp dạy học mới, hiệu quả, phù hợp”, cô Khuyên nêu quan điểm.

Theo cô Lê Mai Khuyên, sách giáo khoa có cấu trúc bài học rất khoa học, phù hợp với 4 bước soạn giảng của giáo viên theo chương trình mới: khởi động (giới thiệu về bài học); cung cấp tri thức mới; luyện tập; vận dụng. Điều này tạo thuận lợi cho quá trình dạy và học, đúng với định hướng phát triển năng lực người học.

Tuy nhiên, điều quan trọng là giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách học, cách đọc, sử dụng, khai thác sách giáo khoa, vì vậy, kỹ năng đầu tiên học sinh cần được hướng dẫn, rèn luyện là kỹ năng tự học.

Với giáo viên, cần biết khai thác điểm hay, điểm mới của sách giáo khoa, của chương trình, kết hợp với kinh nghiệm dạy học của bản thân, phương pháp dạy học hiện đại trong thời đại công nghệ số; cùng xu hướng phát triển của thời đại.

Để giúp học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng, năng lực, khi xây dựng chương trình bài học, thầy cô cần lồng ghép nội dung thực hành, không đơn thuần là dạy kiến thức. Đặc biệt, phải kết hợp những hình thức thực hành khác nhau: từ bài thực hành trên lớp đến xây dựng các dự án học tập.

Khi xây dựng các dự án học tập, các em được tìm hiểu, khám phá tri thức từ cuộc sống, quá trình học tập vừa tiếp thu kiến thức, vừa vận dụng vào thực tiễn, đồng thời hình thành nên những kỹ năng và năng lực nhất định như: kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng xử lý vấn đề; kỹ năng khai thác tài liệu hay kỹ năng sử dụng các phương tiện phục vụ học tập,…

Các em rất hứng thú khi được sử dụng phần mềm công nghệ để xây dựng bài học, ví dụ thiết kế đồ hoạ, làm video, xây dựng đoạn phim, thiết kế tập san, tờ rơi,... Với đa dạng hình thức thể hiện, các em sẽ nhận ra thế mạnh, năng lực, sở trường của mình. Như vậy học sinh được trải nghiệm, được khám phá và phát triển thêm những năng lực bản thân.

Kiểm tra, đánh giá người học trong suốt quá trình học tập

Cô Lê Mai Khuyên cho rằng, để học sinh hứng thú và say mê với môn Lịch sử, phải tăng cường thực hành, trải nghiệm cho học sinh trong quá trình học tập, kết hợp với phương pháp giảng bài hiện đại, hình thức thể hiện bài giảng phong phú, mới lạ.

“Chương trình Lịch sử lớp 10 năm nay, chủ đề đầu tiên là “Lịch sử và Sử học”, trong đó giới thiệu về Lịch sử và khoa học Lịch sử.

Muốn học sinh thấm nhuần được nội dung đó, tôi đưa ra bài thực hành cho các em, để học sinh đóng vai là một nhà khoa học lịch sử, nghiên cứu về một vấn đề lịch sử.

Tất nhiên, thầy cô không yêu cầu học sinh nghiên cứu vấn đề gì quá lớn lao, mà cho các em đóng vai là nhà khoa học lịch sử để nghiên cứu về lịch sử ngôi trường Marie Curie, như vậy các em thực hiện được một dự án học tập, hiểu được thế nào là khoa học lịch sử và có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử ngôi trường mình đang theo học, điều này vô cùng ý nghĩa và thiết thực.

Học sinh trường Marie Curie báo cáo sản phẩm dự án học tập môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Học sinh trường Marie Curie báo cáo sản phẩm dự án học tập môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Có thể thấy, người giáo viên luôn đóng vai trò quan trọng, giáo viên phải thấm nhuần mục tiêu đổi mới giáo dục, sau đó, triển khai một cách sáng tạo, phù hợp với từng môi trường giáo dục, từng đối tượng học sinh của mình”, cô Khuyên phân tích.

Về hoạt động kiểm tra, đánh giá người học theo chương trình mới, cô Mai Lê Khuyên khẳng định, có nhiều đổi mới thú vị và giúp phân loại tốt học sinh.

Hiện không còn kiểm tra bài cũ dưới hình thức gọi học sinh lên bảng, mà sẽ kiểm tra lồng ghép trong bài dạy.

Vì kiến thức Lịch sử có sự tiếp nối, nên khi dạy bài học mới sẽ liên quan đến kiến thức cũ, thầy cô có thể yêu cầu học sinh nhắc lại để kết nối các phần với nhau, cách thức này sẽ đánh giá được học sinh hiểu kiến thức bài học tới đâu.

Bên cạnh đó, hoạt động đánh giá, cho điểm được thực hiện trong suốt cả quá trình học tập. Không phải qua một câu trả lời hay một bài kiểm tra là học sinh có điểm cố định, vì nếu các em tích cực tham gia hoạt động học tập và đạt được những kết quả tiến bộ về sau thì thầy cô sẽ ghi nhận, cộng điểm cho các em.

Như vậy, quá trình học tập, thầy cô sẽ đánh giá thường xuyên và điểm số của học sinh có thể được nâng lên hoặc bị hạ xuống tuỳ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ và thái độ học tập của các em.

Đối với kiểm tra định kỳ ở trường Marie Curie, để các em không bị áp lực, nhà trường luôn thông báo kế hoạch cho học sinh, đồng thời không ra đề thi theo các kiểm tra kiến thức đơn thuần.

Học sinh được kiểm tra bằng hai hình thức là trắc nghiệm và tự luận. Câu hỏi tự luận sẽ giúp các em rèn cách viết, rèn tư duy, học cách giải quyết vấn đề qua những những câu hỏi mở.

Nội dung đề bài có tính phân loại cao, từ những kiến thức cơ bản đến những câu hỏi mở, mang tính vận dụng, cần liên hệ thực tiễn.

Với câu hỏi tự luận, yêu cầu học sinh thực hiện ở hai mức độ: Có kiến thức hiểu biết để so sánh vấn đề và những câu hỏi yêu cầu học sinh phải đưa ra những quyết định của mình. Như vậy, học sinh được rèn luyện khả năng lập luận, phân tích, so sánh và hình thành kỹ năng ra quyết định, kỹ năng chịu trách nhiệm trước các vấn đề, từ học tập đến cuộc sống.

“Không chỉ quá trình dạy học mà kiểm tra đánh giá cũng giúp học sinh tiếp thu kiến thức đến hình thành thái độ, các kỹ năng, năng lực của mình.

Với phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá như vậy, chúng ta có thể đánh giá học sinh toàn diện, phân loại học sinh rõ ràng. Có bạn kỹ năng làm việc nhóm không tốt nhưng lại có khả năng làm việc độc lập, và ngược lại.

Thầy cô sẽ phân loại được học sinh, và các em cũng biết điểm mạnh của mình, từ đó giúp các em định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở trường, khả năng, năng lực của bản thân.

Song, đổi mới giáo dục không nên quá vội vàng, cứng nhắc, mà phải từng bước một, lựa chọn cách thức phù hợp với từng đối tượng học sinh của từng nhà trường”, Cô Khuyên nêu quan điểm.

Ở Trường Marie Curie, những ngày đầu của học kỳ 1, học sinh vẫn còn bỡ ngỡ, còn một số khó khăn khi triển khai chương trình mới. Song, chỉ sau một thời gian ngắn, cả học sinh và giáo viên đều nhanh chóng nhập cuộc, tự tin thể hiện mình, thoả sức sáng tạo trong các hoạt động dạy và học.

Nhà trường luôn có chiến lược đào tạo rõ ràng, thầy cô tạo động lực, hứng thú để học sinh yêu thích môn Lịch sử.

Kim Ngọc