Xếp loại hạnh kiểm học sinh, đâu phải GV chủ nhiệm muốn xếp sao cũng được?

29/05/2023 06:34
Phan Tuyết
GDVN- Không phải giáo viên chủ nhiệm muốn xếp hạnh kiểm học sinh mức nào thì xếp. Đó là ý kiến biểu quyết của cả tập thể sau khi đã cân nhắc rất nhiều lần.

Sự việc cô giáo Trường trung học phổ thông Lê Duẩn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị một người đàn ông xông vào tận nhà riêng để chửi bới và tấn công vào tối 25/5 đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Cô giáo Q. cho biết, nguyên nhân cô bị phụ huynh hành hung cũng có thể xuất phát từ việc con trai của người này nhận xếp loại hạnh kiểm trung bình.

Thông tư 58 về đánh giá, xếp loại học sinh (Ảnh minh họa: NOP)Thông tư 58 về đánh giá, xếp loại học sinh (Ảnh minh họa: NOP)

Khoảng một tháng trước, em L.M.Q. có hành vi lăng mạ, xúc phạm cô nên bị phê vào sổ đầu bài. Sau đó, nhà trường đã lập biên bản, xử lý hành vi đối với em Q.

Hội đồng nhà trường đã họp 2 lần và thống nhất xếp loại hạnh kiểm trung bình học kỳ 2 và trung bình cả năm học đối với em Q.[1]

Học sinh bậc trung học đang được xếp hạnh kiểm theo hướng dẫn nào?

Hiện các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đang áp dụng 2 thông tư để đánh giá, xếp loại học sinh. Đó là, Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, học sinh được đánh giá hạnh kiểm theo các mức: tốt, khá, trung bình, yếu. Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, là đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh với 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt và chưa đạt.

Em L.M.Q. đang là học sinh lớp 12, sẽ được đánh giá hạnh kiểm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Quy định trong đánh giá hạnh kiểm học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT tài Điều 4. Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm nêu:

1. Loại tốt:

a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội;

b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu;

c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình;

d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập;

đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân.

2. Loại khá:

Thực hiện được những quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đạt đến mức độ của loại tốt; còn có thiếu sót nhưng kịp thời sửa chữa sau khi thầy giáo, cô giáo và các bạn góp ý.

3. Loại trung bình:

Có một số khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm.

4. Loại yếu:

Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây:

a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;

b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác;

c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi;

d) Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác.

Em học sinh tên L.M.Q. bị xếp loại hạnh kiểm trung bình khi có hành vi lăng mạ, xúc phạm cô nên bị phê vào sổ đầu bài. Và nhà trường đã họp 2 lần thống nhất xếp loại hạnh kiểm trung bình học kỳ 2 và trung bình cả năm học đối với em Q.

Rõ ràng, với trường hợp em Q. giáo viên chủ nhiệm đã không còn quyền tự quyết định muốn xếp loại hạnh kiểm học sinh mức nào cũng được.

Xếp loại hạnh kiểm học sinh trung học, đâu phải giáo viên chủ nhiệm muốn xếp sao thì xếp?

Phần lớn dư luận đều bất bình trước hành động côn đồ của vị phụ huynh xông vào đánh giáo viên, đáng tiếc hơn vị này cũng là một thầy giáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng cô giáo xếp loại hạnh kiểm học sinh lớp 12 trung bình có phần quá khắt khe, như thế là chặn đứng cơ hội vào các trường đại học, ảnh hưởng đến tương lai của em.

Có ý kiến bày tỏ: “Giá như cô giáo độ lượng hơn, thông cảm hơn với tính cách của lứa tuổi còn bồng bột, chỉ gọi phụ huynh và học sinh gặp riêng để trao đổi, cảnh cáo, cho em 1 cơ hội ...?".

Trong thực tế, để xếp loại hạnh kiểm học sinh phải trải qua khá nhiều bước, giáo viên chủ nhiệm là người quyết định việc xếp loại ở lớp nhưng đây chưa phải là kết quả chính thức, còn cả một hội đồng họp xét và cuối cùng là ban giám hiệu nhà trường.

Trước khi xếp loại hạnh kiểm học sinh, mỗi em sẽ viết bản kiểm điểm cá nhân, tự nhận mức hạnh kiểm của mình. Tiếp đến, cả lớp sẽ cùng xếp loại dựa trên sự ghi nhận và sổ theo dõi của ban cán sự lớp. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người xem xét từng trường hợp (có thể nâng lên hoặc hạ xuống).

Sau khi xếp hạnh kiểm trước lớp, danh sách xếp loại học sinh sẽ được chuyển về nhà trường. Giáo viên tổng phụ trách Đội, tổ giám thị sẽ họp lại và tiếp tục xem xét từng học sinh. Trên này, có cả một cuốn sổ theo dõi mà nhiều người gọi vui là “sổ thiên tào” ghi những học sinh đã vi phạm nội quy hằng ngày.

Kết quả xếp loại của tổ giám thị được chuyển lên ban giám hiệu nhà trường. Thường thì những kết quả xếp loại tốt hay loại khá dễ dàng được thông qua.

Riêng những trường hợp học sinh xếp hạnh kiểm từ trung bình trở xuống sẽ được xem xét khá kỹ lưỡng. Giống như em học sinh ở Trường trung học phổ thông Lê Duẩn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nhà trường đã phải họp hội đồng xét duyệt đến 2 lần để xem xét.

Một hiệu trưởng ở Bình Thuận cho biết, khi xếp loại hạnh kiểm cho học sinh, giáo viên và nhà trường thường rất nhẹ tay, luôn cân nhắc theo chiều có lợi cho các em để tạo điều kiện cho các em cố gắng tu sửa.

Đặc biệt là những trường hợp học sinh bị xếp loại từ trung bình trở xuống thì nhà trường càng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, có khi phải họp đi họp lại nhiều lần. Có thể nâng được hạnh kiểm, các thầy cô đã nâng rồi. Những trường hợp không thể nâng chính là đã vi phạm kỷ luật và liên tục tái phạm ở mức cao hơn, không có sự sửa đổi.

Nói thế để thấy rằng, đâu phải giáo viên chủ nhiệm muốn xếp loại hạnh kiểm học sinh mức nào thì xếp. Phía sau mức hạnh kiểm học sinh là ý kiến biểu quyết của cả một tập thể giáo viên nhà trường sau khi đã cân nhắc rất nhiều lần.

Nếu một thầy cô giáo nào đó xếp loại thì còn lấy lý do tư thù cá nhân nên cố tình gây khó hoặc do tình thân nên có chuyện du di nnhưng khi cả tập thể xếp loại và sau khi đã cân nhắc rất nhiều nhưng không thể nâng lên được thì phải hiểu con cháu mình đã vi phạm lỗi rất nặng mà nhà trường không thể bỏ qua.

Hiểu để có hướng giúp con cố gắng rèn luyện giúp bản thân tự sửa đổi mình chứ không phải tìm giáo viên để cảnh cáo và trút cơn giận. Nếu cha mẹ làm vậy, con cái sẽ càng ỉ thế, coi thường và không bao giờ muốn sửa đổi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/xa-hoi/phu-huynh-hanh-hung-co-giao-vi-con-bi-hanh-kiem-trung-binh-20230526095921741.htm

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx

Phan Tuyết