Nhật ký Lớp học Hy vọng:

Những “biệt danh có một không hai” ở Lớp học Hy vọng

26/11/2011 06:00
Thu Hoe
(GDVN)  - “Ai trong Lớp học Hy vọng thấy mình kém may mắn? Ai thấy mình còn may mắn? Ai trong Lớp học Hy vọng muốn trở thành anh Nick thứ hai?...”

Hôm nay, Lớp học Hy vọng đông đúc hơn mọi ngày và tiếng cười cũng nhiều hơn bởi tiết học kỹ năng sống thực sự thú vị và cuốn hút từng em học sinh.

Bước vào Lớp học Hy vọng thật khó để hình dung ra đây là lớp học của những bệnh nhân đang mang trong người những căn bệnh mãn tính, hiểm nghèo khó điều trị.

Cười tươi như hoa trong tiết học Kỹ năng sống. (Ảnh Thu Hòe)
Cười tươi như hoa trong tiết học Kỹ năng sống. (Ảnh Thu Hòe)

Trên từng khuôn mặt, nét u tối, khó chịu, sầu khổ bởi sự giày vò, nỗi đau bệnh tật đã không còn nữa mà thay bằng những nụ cưới, những tiếng cười nói hóm hỉnh, dễ thương… Không còn cảnh sợ sệt, e dè mà các em đã biết chủ động làm quen với nhau, nói chuyện với nhau và dám đứng trước lớp giới thiệu về bản thân và nói lên mơ ước của mình trong tương lai.

Sự hồn nhiên của trẻ thơ nhanh chóng bắt nhịp vào với các trò chơi trong tiết học kỹ năng sống và sự thân thiện, cởi mở của giáo viên, tình nguyện viên tham gia lớp học đặc biệt này.

“Con muốn trở thành anh “Nick” thứ hai…”

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Trường đến từ Hệ thống đào tạo Bách khoa – Aptech đã mở đầu buổi học dạy kỹ năng sống bằng câu chuyện vô cùng cảm động về sự vượt khó vươn lên với nghị lực sống phi thường của diễn giả, tỷ phú, nhà từ thiện, tác giả của cuốn sách “Không chân, không tay đỡ phiền phức” tên Nick.

Thầy, trò cùng say sưa với những câu chuyện cảm động về nghị lức sống và niềm tin với cuộc đời. (Ảnh Thu Hòe)
Thầy, trò cùng say sưa với những câu chuyện cảm động về nghị lức sống và niềm tin với cuộc đời. (Ảnh Thu Hòe)

Xem đoạn phim nói về cuộc đời Nick các em ồ lên những tiếng cười vui vẻ khi thấy hình ảnh một con người không bình thường, không có chân, không có tay cùng những hành động hài hước của nhân vật nhưng cũng rưng rưng, xúc động, có em còn òa lên khóc khi nghe và xem xong đoạn phim này.

Giáo viên bắt đầu câu chuyện chia sẻ cùng các em bằng câu hỏi: “Ai trong Lớp học Hy vọng thấy mình kém may mắn, giơ tay lên! Ai trong Lớp học Hy vọng thấy mình còn may mắn, giơ tay lên!” Như một phản xạ, cả thảy 30 em học sinh trong lớp đồng loạt giơ tay cho cả hai câu hỏi.

“Con thấy mình kém may mắn vì con phải ở trong bệnh viện rất lâu rồi. Con bị bệnh, con không được sống khỏe mạnh như các bạn để được đi chơi, đi học hằng ngày. Nhưng con cũng thấy mình còn may mắn vì con có đủ cả chân, cả tay, không bị câm, bị điếc, có bố, có mẹ và các em… không như anh Nick và nhiều bạn con vẫn thấy trên ti vi cô ạ!”, bé Phan Thị Duyên giải thích về hai lần giơ tay cho hai câu hỏi của thầy giáo.

“Ai muốn trở thành anh Nick thứ hai?” Đáp lại câu hỏi của thầy giáo, cả lớp giơ tay và nói: “Con, con muốn trở thành anh Nick thứ hai” khiến cho những người có mặt trong Lớp học Hy vọng không sao kìm được nước mắt.

Em Vũ Văn Hưởng, 12 tuổi: "Anh Nick thật giỏi và phi thường" (Ảnh Thu Hòe)
Em Vũ Văn Hưởng, 12 tuổi: "Anh Nick thật giỏi và phi thường" (Ảnh Thu Hòe)

“Thầy giáo kể anh Nick lúc sinh ra đã không có tay, không có chân. Mẹ anh ấy khi nhìn thấy anh trên tay cô y tá đã ngất xỉu, bố anh ấy thì hoảng hốt chạy vào nhà vệ sinh và không ngừng nôn. Anh Nick không có chân tay, bị bố bỏ rơi lại và bị mọi người hắt hủi xa lánh, nhưng anh ấy vẫn tốt nghiệp được 2 trường Đại học, trở thành diễn giả nổi tiếng thế giới, trở thành tỷ phú khi mới 25 tuổi, viết được nhiều sách và làm từ thiện rất nhiều…

Cháu thấy thích lắm! Anh Nick thật giỏi và phi thường! Anh ấy không có tay mà vẫn làm được bao nhiêu việc. Anh ấy không có chân nhưng vẫn tự đi lại được không phiền đến người khác.

Cháu chỉ bị bệnh phải nằm viện thôi, cháu vẫn có chân, có tay bình thường như mọi người và bố mẹ lúc nào cũng ở bên cháu, chăm sóc cho cháu. Cháu sẽ khỏi bệnh và cũng sẽ vào Đại học, trở thành người thành đạt và giàu có như anh Nick cô nhỉ!...”, em Vũ Văn Hưởng, 12 tuổi, đang điều trị ở khoa Tiêu hóa tâm sự.

Buổi học kỹ năng sống kéo dài vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ nhưng cả thầy và trò của Lớp học Hy vọng đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu cung bậc của cảm xúc.

"Cháu sẽ khỏi bệnh và khi lớn lên cháu sẽ đi học Đại học như anh Nick". (Ảnh Thu Hòe)
"Cháu sẽ khỏi bệnh và khi lớn lên cháu sẽ đi học Đại học như anh Nick". (Ảnh Thu Hòe)

Câu chuyện “Tái ông mất ngựa”, câu chuyện về cuộc đời thầy giáo “Nguyễn Ngọc Ký” rồi đến câu chuyện về cậu bé Hàn Quốc bị mất hai tay tưởng chừng không còn có thể tiếp tục sống nhưng cậu bé vẫn lạc quan, vươn lên bằng nỗ lực phi thường để sống và học rất giỏi… đã lấy đi nhiều nước mắt và mang lại niềm tin mãnh liệt cho các em.

Ước mơ khỏi bệnh, được sống khỏe mạnh, đi học như bạn bè, sau này lớn lên vào được Đại học, trở thành người có ích… luôn là những mong ước khắc khoải trong lòng những em nhỏ ở Lớp học Hy vọng.

Những “biệt danh có một không hai” ở Lớp học Hy vọng

Trò chơi “đặt tên cho nhau” có lẽ là hoạt động sôi nổi và thú vị nhất trong buổi học kỹ năng sống mà thầy giáo Nguyễn Mạnh Trường mang đến Lớp học Hy vọng ngày hôm nay.

Lâu lắm rồi các em mới thấy tự tin như hôm nay để đứng lên trước lớp để các bạn nghĩ cho những cái tên mới, những cái biệt danh đặc biệt.

Trò chơi đặt tên cho nhau được các em hào hứng tham gia. (Ảnh Thu Hòe)
Trò chơi đặt tên cho nhau được các em hào hứng tham gia. (Ảnh Thu Hòe)

“Giờ ở lớp học, con đã có rất nhiều tên và biệt anh mẹ ạ. Các bạn đặt tên cho con hay lắm. Có bạn đặt tên con là Phúc hạnh phúc, có bạn lại đặt Phúc phi phàm… và có bạn lại đặt Phúc phì phò… Nhưng thầy giáo bảo con chọn lấy một cái biệt danh con ưng ý nhất. Con đã chọn biệt danh Phúc phi phàm mẹ ạ. Từ nay các bạn sẽ gọi con là Phúc phi phàm…”, bé Hoàng Đức Phúc kể lại với mẹ chuyện được các bạn cùng lớp đặt tên, biệt danh mới cho mình khi tan học.

Rồi những cái biệt danh: “Hậu hân hoan”, “Hưng hiền hòa”, “Hùng hào hoa”; “Giang giòn giòn”, “Giang giỏi giang”, “Thành thần thánh”, “Quân quây quần”; “Minh minh mẫn”, “Linh lung linh”; “Đạt đủng đỉnh”; “Mạnh  mạnh mẽ”; “Cường cứng cỏi”…

Các em đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn với những buổi học kỹ năng sống ở Lớp học Hy vọng. (Ảnh Thu Hòe)
Các em đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn với những buổi học kỹ năng sống ở Lớp học Hy vọng. (Ảnh Thu Hòe)

Dù không ý thức trước được việc đặt cho nhau những cái tên mới có ý nghĩa gì nhưng những cái tên, cái biệt danh các em nghĩ ra cho nhau đề có một điểm chung, đó là biệt danh phải thật hay và ý nghĩa để bạn mình thấy ưng, thấy thích và mang lại tinh thần và tình yêu cuộc sống như chính cái biệt danh ấy.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Trường chia sẻ tâm sự cuối buổi dạy: “Lớp học Hy vọng là một lớp học đặc biệt với những học sinh cũng rất đặc biệt. Các bé ở đây đều là những trường hợp rất đáng thương. Những buổi học kỹ năng sống như thế này là rất cần thiết.

Nó sẽ giúp các bé củng cố lại niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, tự ý thức được sự có mặt của mình trên cuộc đời… và quan trọng hơn là để các bé thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều người cũng và còn bất hạnh hơn cả mình nhưng họ vẫn vươn lên sống thật, có ích cho mọi người và mình không có lý do gì lại không sống được như thế.

Trong thời gian tới, Bachkhoa - Aptech sẽ đồng hành cùng Lớp học Hy vọng, giảng dạy kỹ năng sống cho các em ít nhất 1 buổi/tuần…”


Thu Hoe