Tốt nghiệp học viện quản lý giáo dục, tôi chọn đi dạy cho những đứa trẻ tự kỷ. Tôi thường gọi chúng là "những đứa trẻ đặc biệt" mà tôi yêu mến.
Gắn bó với việc dạy đã 9 năm, trải qua nhiều kỷ niệm vui, buồn cùng biết bao cảm xúc đầy vơi với nghề, mỗi lần đến dịp 1/6 – ngày Quốc tế Thiếu nhi, tôi lại tự tay làm cho các con một món quà nho nhỏ như đan đôi giày, chiếc mũ bằng len hay vẽ một tấm thiệp, như để trao gửi tình yêu thương cũng như gửi lời cảm ơn đến các con đã cho tôi tìm thấy niềm vui với nghề.
Nghề "bắt mạch" cho trẻ
Tôi tâm niệm, các con là “những bạn đặc biệt", có thể các con chưa tự mình khám phá hết nội lực bản thân mà cần sự giúp sức của những người xung quanh để hoàn thiện chính mình, vì vậy việc chăm sóc, gần gũi, sẻ chia của bố mẹ, người thân và thầy cô chính là yếu tố quan trọng quyết định trong việc điều trị cho các con.
Dạy học cho trẻ đặc biệt phải có "giáo trình" riêng cho mỗi em. |
Trong lớp của học viện, chỉ mình tôi theo nghề hỗ trợ cho các con như vậy, nên việc tự hoàn thiện bản thân và mày mò tìm ra "phương thuốc" điều trị riêng cho từng đứa trẻ là vô cùng quan trọng. Bởi không có một cuốn giáo trình nào có thể dạy chung được cho tất cả các con, với mỗi đứa trẻ, cô giáo phải tự "bắt bệnh" riêng và có 1 "giáo trình" riêng thì mới tạo ra thành quả, kỳ tích.
Trong vai trò của một giáo viên, nhưng tôi cũng như vừa làm mẹ, vừa làm bạn, vừa là chuyên gia tâm lý, "bắt mạch" cho từng đứa trẻ.
Thông thường các con không tiếp xúc với ai, hoặc có em hiếu động, quậy phá, hoặc có những em chậm nói, khó nhận biết được những điều xung quanh. Thực tế, vẫn có tình trạng trong xã hội, các bạn đồng trang lứa dùng cái nhìn ái ngại đối với các con, khiến các con luôn tự co mình lại.
Nhiều người khi gặp các con mắc chứng tự kỷ sẽ không khỏi "giật mình" trước những hành động của các con, thậm chí còn thấy e sợ.
Nhớ hồi mới ra trường, tôi được nhận làm giáo viên can thiệp và hỗ trợ tâm lý 1:1 cho một bạn 15 tuổi mắc hội chứng tự kỷ, buổi trưa đầu tiên cô bé ngồi trong góc lớp và tự đập đầu thật mạnh vào tường. Theo bản năng tôi lao tới và can ngăn, cô bé đã thẳng tay đấm 2 cái vào mặt tôi. Đó mãi là kỷ niệm khó quên trong những năm tháng tôi gắn bó với công việc đặc biệt này.
Sau sự việc lần đó, tôi tự "bắt mạch" và cố gắng tìm ra "phương thuốc" giúp em hạn chế tự hành hạ và làm đau bản thân. Và rồi, những lần sau gặp, tôi nhẹ nhàng xoa đầu cô bé, dùng cái nhìn trìu mến hỏi “T. có yêu cô không?” (T. là tên viết tắt của cô bé), T. cười, đôi mắt nhỏ híp lại, dụi đầu vào người cô biểu thị sự thích thú, miệng phát ra những âm thanh ú, ớ, không tròn vành, rõ chữ nhưng người nghe vẫn hiểu được đó là “yêu”.
Tôi quyết tâm hỗ trợ T. hết mình vì thương em quá. Sau 3 năm, nhờ được học hỗ trợ 1:1 và được hỗ trợ thêm cả trị liệu tâm lý, T. từ một đứa trẻ không biết nói, không kiểm soát được hành vi khi rơi vào bế tắc, đã dần hiểu được lời các cô nói, mẫu câu có thể nói ra dài hơn và có thể chủ động kiểm soát được bản thân mình hơn, chủ động trong các cuộc chơi, hoạt động tập thể...
Trao nhiều hơn nữa những yêu thương!
Cho đến bây giờ, tôi vẫn quyết định để mái tóc ngắn thay cho kiểu tóc dài nữ tính thời sinh viên, sau khi trị liệu cho một cô bé có tên thường gọi là Heo. Heo là một cô bé hiếu động, thường giật tóc cô giáo mỗi khi gặp vấn đề.
Có những hôm, cô bé cứ nắm chặt tóc cô giật mà không chịu buông. Hai ba cô phải vừa thuyết phục vừa gắng gỡ tay con mãi mới được.
Trao gửi yêu thương, mang hạnh phúc đến với những đứa trẻ may mắn cũng chính là niềm hạnh phúc với giáo viên. |
Những tình huống đặc biệt đó không phải là hiếm với những cô giáo như chúng tôi. Dẫu vậy, đó cũng chính là những kỷ niệm khó quên, là những trải nghiệm, bài học mới trên hành trình sẻ chia yêu thương của những giáo viên dạy trẻ tự kỷ.
Niềm vui lớn nhất với tôi là thấy các con tiến bộ sau quá trình điều trị. Tôi vẫn nhớ như in trường hợp bé trai quê ở Bắc Ninh được bố mẹ đưa đến điều trị từ lúc 18 tháng tuổi trong tình trạng không giao tiếp, không hiểu được những giao tiếp cơ bản như đứng, ngồi. Việc điều trị gặp nhiều khó khăn khi bé khóc ròng suốt 5 tháng liền.
Đã có lúc ý muốn bỏ cuộc thoáng qua trong suy nghĩ nhưng cuối cùng, tôi vẫn lựa chọn tiếp tục đồng hành cùng con vì sự thấu cảm, vì tình yêu thương, tôi tự động viên chính mình cố gắng, thử áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau.
Sau 1 năm điều trị, nhờ gia đình kiên trì phối hợp với cô giáo nên con đã nói chuyện, chơi đùa với các bạn và dần dần hoàn thiện đủ kỹ năng như các bé đồng trang lứa.
Khi làm việc bằng tất cả tình yêu thương, mang niềm vui đến với các con, mang hạnh phúc đến với các gia đình thì chính chúng tôi cũng nhận về niềm hạnh phúc lớn lao.
Một thực tế hiện nay đó là không phải những người làm cha, mẹ nào cũng hiểu đúng về chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều phụ huynh khi cho con đến học đã bỏ qua “giai đoạn vàng” để can thiệp tốt nhất, có gia đình khi con mới đến nhờ can thiệp được một thời gian ngắn đã đòi hỏi phải có kết quả và tỏ thái độ không bằng lòng.
Khi đó, các cô phải kiên trì để phụ huynh hiểu và kết hợp giáo dục các em hiệu quả. Một trong những cái khó của nghề là nhiều bố mẹ không chấp nhận việc con mình bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn khác, dẫn đến việc trốn tránh đưa con đi điều trị hoặc không kiên nhẫn theo đuổi các biện pháp can thiệp.
Hiện, chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm ở lớp học. Vì thế, điều chúng tôi mong mỏi nhất là nhận được sự phối hợp, đồng hành từ phía gia đình; cái nhìn đồng cảm, yêu thương với trẻ tự kỷ từ những người xung quanh.
Chúng tôi - những thầy cô giáo trong ngành, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, có một ước mong rằng, xã hội sẽ cùng chung tay, yêu thương, sẻ chia với những đứa trẻ bị chứng rối loạn phổ tự kỷ. Tình yêu thương chính là nhịp cầu đưa các em đến với một tương lai tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn.