Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới khiến nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Khó khăn “chồng chất” khó khăn khi địa phương dù thiếu giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên nghỉ việc, tức là bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Trong đó, tỉnh Bình Dương có 527 người, Bình Phước có 169 người…
Để hiểu thêm về thực trạng giáo viên nghỉ việc, cùng những phân tích, đề xuất giải quyết tình trạng trên, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình và ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước.
Vì sao nhiều giáo viên xin nghỉ việc?
Chia sẻ về thực trạng giáo viên nghỉ việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết, hiện nay, thực trạng giáo viên nghỉ việc trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, so với toàn quốc thì Hoà Bình chiếm tỉ lệ rất thấp.
Cụ thể, tại Hoà Bình, năm 2020, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên nghỉ việc là 40 người. Trong đó, bậc mầm non 16 người; cấp tiểu học 14 người; trung học cơ sở 5 người; trung học phổ thông 5 người.
Năm 2021, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên nghỉ việc là 44 người. Trong đó, bậc mầm non 15 người; cấp tiểu học 11 người; trung học cơ sở 11 người; trung học phổ thông 7 người. Năm 2022, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên nghỉ việc là 55 người. Trong đó, bậc mầm non 30 người; cấp tiểu học 9 người; trung học cơ sở 10 người; trung học phổ thông 6 người.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở cấp tiểu học. Cụ thể, toàn tỉnh thiếu 872 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu 61; cấp tiểu học thiếu 527; cấp trung học cơ sở thiếu 181; cấp trung học phổ thông thiếu 103.
Một số môn học chuyên biệt đang thiếu giáo viên như tiếng Anh thiếu 126; Tin học thiếu 117; Giáo dục Quốc phòng - An ninh thiếu 45; Nghệ thuật thiếu 91.
Ở Hoà Bình, có chỉ tiêu nhưng không có nguồn để tuyển dụng bổ sung”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình thông tin.
Ảnh minh hoạ: Thuỷ Tiên |
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước - ông Lý Thanh Tâm cho biết, trong năm 2022 số lượng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông của địa phương nghỉ việc là 169 người.
Trong đó, nhiều nhất là bậc mầm non (105 giáo viên nghỉ việc), tiếp đến là cấp tiểu học và trung học cơ sở (mỗi cấp nghỉ việc 27 giáo viên), còn cấp trung học phổ thông thì không đáng kể (10 giáo viên).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do thu nhập hiện tại của giáo viên chưa bảo đảm cho mức sống tối thiểu, đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề, vì mấy năm gần đây mức lương cơ sở không tăng nên giáo viên chưa thực sự an tâm, cống hiến với nghề.
Tinh giản 10% biên chế ngành giáo dục khiến địa phương gặp khó
Việc tinh giản 10% biên chế ngành giáo dục khiến các địa phương phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi không có nguồn tuyển giáo viên hoặc chỉ tiêu biên chế ít.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết, ngày 18/7/2022, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương và các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026, theo đó số chỉ tiêu biên chế giáo viên bổ sung cho ngành giáo dục để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cơ bản được bảo đảm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn thiếu giáo viên và địa phương gặp khó khi tinh giản biên chế 10% theo quy định. Bởi vì, việc thiếu giáo viên là do không có nguồn để tuyển dụng đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học. Còn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, những môn học mới, môn tích hợp cũng không có nguồn để tuyển dụng.
Đối tượng áp dụng tinh giản biên chế là cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực chuyên môn yếu, không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy hoặc không bảo đảm về bằng cấp theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019; những cán bộ quản lý, giáo viên có sức khỏe không bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ, … được nghỉ theo nguyện vọng.
Hiện nay, mặc dù nhu cầu nghỉ theo diện tinh giản biên chế của cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tương đối nhiều. Tuy nhiên, các huyện, thành phố cũng phải cân nhắc kỹ, xem xét từng trường hợp mới giải quyết tinh giản biên chế, vì nếu cho nghỉ hết sẽ dẫn tới không có đủ người làm việc, nhất là trong bối cảnh thiếu nguồn tuyển giáo viên như hiện nay.
Còn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước cho hay, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Bình Phước cần thực hiện lộ trình tinh giản 10% biên chế, trong đó có các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Thực trạng năm 2022, trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ giáo viên/lớp như sau: Bậc tiểu học tỷ lệ 1.33 giáo viên/lớp; Trung học cơ sở tỷ lệ 1.84 giáo viên/lớp; Trung học phổ thông 2.15 giáo viên/lớp. Như vậy là chưa đáp ứng theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước. (Ảnh: Báo Bình Phước) |
Nếu từ nay đến năm 2026 tỉnh không được bổ sung thêm biên chế và phải tiếp tục thực hiện cắt giảm thêm 10% (tương đương 1.959 biên chế) thì đến năm 2026 tỉnh cần bổ sung 3.448 biên chế. Con số này Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã báo cáo cấp có thẩm quyền tại báo cáo số 292/BC-UBND ngày 19/9/2022.
Đề xuất, giải pháp tháo gỡ
Để tháo gỡ tình trạng giáo viên bỏ việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết: “Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm được cuộc sống cho đội ngũ giáo viên từ nguồn thu nhập bằng lương. Nhất là hiện nay, mức lương của giáo viên mới ra trường rất thấp so với một số ngành nghề không qua đào tạo, do vậy sức hút của ngành sư phạm không cao.
Để đội ngũ giáo viên chuyên tâm với nghề, yêu nghề, tôi kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tiền lương phù hợp, để ngành sư phạm có sức hút như một số ngành nghề khác trên thị trường lao động hiện nay”.
Ảnh minh họa: Thủy Tiên |
Còn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lý Thanh Tâm kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… đối với giáo viên.
Đề xuất Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách về tiền lương mới cho phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cần có thêm các chính sách thu hút, hỗ trợ riêng nhằm để thu hút, giữ chân giáo viên nhằm ổn định, công tác lâu dài tại địa phương.