Kinh hoàng dã thú giết hại trâu bò ở Sơn La

16/05/2011 00:00
(GDVN) - Mỗi năm, bản Púm mất khoảng 20 đến 30 con trâu bò vì bị dã thú xơi thịt. Toàn huyện Quỳnh Nhai, mỗi năm mất cả trăm trâu bò

(GDVN) - Theo anh Pâng, trung bình, mỗi năm, dân bản mất khoảng 20 đến 30 con trâu bò vì bị sói xơi thịt. Năm nào sói về nhiều có thể mất tới 40 con. Toàn huyện Quỳnh Nhai, mỗi năm mất cả trăm trâu bò vì sói.

Kỳ 1: Mỗi năm cả trăm trâu bò bị dã thú ăn thịt

Thời gian gần đây, nhiều nơi ở Việt Nam nổi lên tin đồn, và cả sự thực về các loại dã thú cắn người, giết chó. Tiêu biểu là loài chó lạ ở Lào Cai, liên tiếp cắn người, rồi dã thú ở Quảng Ngãi cắn đứt đầu chó, xơi sạch bộ lòng. Hiện vẫn chưa tìm ra loài dã thú bí ẩn ở Quảng Ngãi.

Nhưng ít ai biết rằng, nhiều năm nay, có một loài dã thú, liên tiếp giết hại, ăn thịt trâu bò ở Quỳnh Nhai, Sơn La. Đó là loài chó sói lạ. Chúng cắn thủng mông, rút hết lòng phèo trâu bò để ăn. Cách giết hại, ăn lòng phèo của loài chó sói hung dữ này khá giống với chuyện dã thú moi lòng chó để ăn ở Quảng Ngãi.

PV Giáo dục Việt Nam đã có cuộc điền dã ở vùng đất rừng rú tận cùng của Sơn La để tìm hiểu về loài dã thú này.

Từ bản đồ vệ tinh, nhìn xuống vùng Quỳnh Nhai, thấy con sông Đà đỏ lòm uốn lượn dọc dãy núi Huổi Luông cao chót vót. Cư dân chỉ có vài nhóm nhỏ sống dọc ven sông. Phía sau dãy Huổi Luông hùng vĩ, là rừng rậm bạt ngàn, kéo dài đến tận Lào Cai, Lai Châu. Đại ngàn Huổi Luông bị những dãy núi dài tít tắp, cao chót vót vây kín.

Dãy Huổi Luông chạy dọc sông Đà trên địa phận Quỳnh Nhai. Dãy núi hùng vĩ này đã bao bọc, giữ được những cánh rừng nguyên sinh, bảo vệ nhiều loài thú quý hiếm.
Dãy Huổi Luông chạy dọc sông Đà trên địa phận Quỳnh Nhai. Dãy núi hùng vĩ này đã bao bọc, giữ được những cánh rừng nguyên sinh, bảo vệ nhiều loài thú quý hiếm.


Núi cao, rừng bạt ngàn, hoang sơ, nên vùng đất này còn rất nhiều loài dã thú. Ông Vi Văn Lạc, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Sơn La xác nhận với tôi rằng, trong rừng Huổi Luông của đất Quỳnh Nhai vẫn còn khá nhiều thú quý, trong đó có hổ và chó sói.

Trên đường đến Pá Uân, trước đây là bến phà, giờ đã có cây cầu Pá Uân bắc qua sông Đà, tôi thấy thịt trâu bò bày bán khá nhiều dọc đường, cả những tảng lớn. Người dân xiên những miếng thịt lẫn xương nặng vài chục ký vào cây luồng và khiêng lủng liểng ra chợ. Ngoài chợ, những súc thịt trâu bò bày bán vẫn còn nguyên lông.

Thấy kiểu bán thịt trâu bò lạ lùng, tôi hỏi, mới biết sự lạ: Trâu bò bán kiểu cả tảng này do bị sói tấn công. Loài sói nham hiểm, cứ cắn chết trâu bò, ăn hết thịt mông, moi hết lòng phèo, rồi lại tấn công con khác. Người dân Quỳnh Nhai hận đàn dã thú lắm, song không làm gì được, đành phải vào rừng xả phần thịt xương còn lại, gánh ra chợ bán tống bán tháo.

Phần thịt trâu còn lại sau khi bị bọn sói xơi.
Phần thịt trâu còn lại sau khi bị bọn sói xơi.
Đồng bào bản Púm quanh năm được ăn thịt trâu, bò, do bọn sói giết hại.
Đồng bào bản Púm quanh năm được ăn thịt trâu, bò, do bọn sói giết hại.


Người nơi khác đến Quỳnh Nhai, vào quán nhậu, hoặc quán cơm bình dân, gọi món thịt trâu hoặc thịt bò, thấy chủ quán mang ra những đĩa thịt to tướng, mà giá thì rẻ bất ngờ, thì đích thị là được ăn thịt thừa của bọn sói.

Hỏi chuyện về chó sói, người dân Quỳnh Nhai đều kể vanh vách. Thay vì yêu quý, nâng niu loài vật quý hiếm này, thì đồng bào Quỳnh Nhai đều ghét cay ghét đắng, coi chúng là kẻ thù số một.

Theo lời các cán bộ kiểm lâm, nơi bị mất nhiều trâu bò nhất là bản Púm (xã Pha Kinh, Quỳnh Nhai). Bản Púm của người Thái, nằm ngay dưới chân dãy Huổi Luông cao ngất trong mây mù.

Hỏi chuyện sói tấn công trâu bò, anh Điêu Chính Pâng, Trưởng bản Púm tỏ ra rất bức xúc. Theo anh Pâng, trung bình, mỗi năm, dân bản mất khoảng 20 đến 30 con trâu bò vì bị sói xơi thịt. Năm nào sói về nhiều có thể mất tới 40 con. Toàn huyện Quỳnh Nhai, mỗi năm mất cả trăm trâu bò vì sói.

Trưởng bản Púm Điêu Chính Pâng:
Trưởng bản Púm Điêu Chính Pâng: "Năm nào sói cũng xơi mất vài chục con trâu, bò của dân bản".


Đồng bào bản Púm cũng như các bản người Thái ở Quỳnh Nhai đều chăn thả trâu bò theo kiểu thả rông. Họ thường dắt đàn trâu, bò vào rừng sâu rồi thả đó. Thi thoảng, họ mang muối vào cho chúng ăn. Ăn muối rồi, quen vị mặn, chúng chỉ quanh quẩn ở khu rừng đó, mà không đi đâu xa nữa.

Đồng bào bản Púm nuôi nhiều trâu bò đến nỗi, thậm chí, họ cũng chẳng biết nhà mình có bao nhiêu con. Bò cái, bò đực “yêu” nhau, rồi sinh ra bò con ở trong rừng lúc nào có khi họ cũng chẳng biết. Lâu lâu mới lại vào rừng thăm đàn trâu bò, tự dưng thấy mấy tên nghé, bê lạ mặt lẵng nhẵng theo bú mẹ thì mới biết có thêm một con nữa.

Theo anh Pâng, loài sói đã tồn tại trong rừng từ hàng ngàn năm nay và rất đông đúc, song rất ít khi chúng tấn công trâu bò, vì trâu bò là loài to xác hơn chúng cả chục lần, không dễ gì ăn thịt được. Lý do là bởi vì khi ấy thú rừng nhiều, đàn sói chả lúc nào thiếu ăn.

Những năm gần đây, rừng bị tàn phá nhiều, thú rừng cũng bị tận diệt, loài sói kiếm thức ăn không còn dễ dàng nữa, nên chúng quay sang săn trâu bò của đồng bào.

Đồng bào bản Púm phải quây kín như thế này để bảo vệ gia súc, gia cầm trước đàn sói dữ.
Đồng bào bản Púm phải quây kín như thế này để bảo vệ gia súc, gia cầm trước đàn sói dữ.


Theo anh Pâng, không chỉ chó sói, mà cả hổ cũng thường xuyên tìm về bản Púm để quắp trâu bò, lợn gà của đồng bào. Đồng bào bản Púm đã quá quen thuộc với cảnh đang đêm, tự dưng cả bản tỉnh dậy bởi tiếng sói tru, lợn kêu eng éc. Mỗi khi có những âm thanh đó, cả bản liền bật dậy đốt đuốc đuổi bọn sói dữ. Tuy nhiên, khi người dân bước chân khỏi cầu thang, chúng đã tha lợn biến cả vào rừng.

Ở bản Púm có một chuyện lạ thế này: Cuộc sống người dân còn nghèo, nhiều khi thiếu cả gạo để ăn, phải độn khoai sắn, nhưng thịt trâu bò thì ăn quanh năm suốt tháng, nhiều khi ăn thay cả cơm gạo.

Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng sói tru, trâu bò rống trong rừng, dân bản lại chạy thục mạng lên núi. Nhưng chạy mấy tiếng mới vào đến nơi, nên chỉ còn thấy phần còn lại của trâu bò. Hai bên mông, hai đùi sau, bộ lòng đã bị đàn sói moi ra xơi sạch và chuồn mất dạng.

Mỗi năm bản Púm mất vài chục trâu, bò vì bị chó sói sát hại.
Mỗi năm bản Púm mất vài chục trâu, bò vì bị chó sói sát hại.


Thịt bò bán chẳng mấy ai mua, vì dân Quỳnh Nhai xơi bò chết (do sói cắn) nhiều cũng chán, mang ra Sơn La thì đường sá xa xôi. Vậy nên, ai có bò chết, ăn không hết thì chia cho các gia đình trong bản cùng ăn, thành thử, dân bản Púm ăn thịt bò, thịt trâu quanh năm suốt tháng.

Thịt tươi ăn không hết, họ làm đủ các món thịt hun khói hoặc thịt khô. Thịt trâu, bò được tẩm ướp với nhiều loại gia vị, đặc biệt là hạt mắc khén, rồi treo gác bếp cho khói hun. Với cách bảo quản đó, họ có thể giữ thịt được lâu dài và ăn dần.

Cũng vì thịt bò, thịt trâu nhiều quá, ăn không hết mà đồng bào ở Quỳnh Nhai đã nghĩ ra món thịt chua, thịt muối. Thịt được ướp vào chum, vại với vài loại gia vị, lá rừng để ăn dần. Cùng với món cá lăng, cá chiên muối, giờ món thịt trâu, thịt bò muối cũng thành đặc sản ở Quỳnh Nhai.

Còn nữa…

Trần Bình Thủy