Phát huy điểm mạnh, khắc phục yếu kém, tạo chuyển biến tốt
Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian qua, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương.
Các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng và gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) nhìn nhận: “Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là rất đúng, rất trúng. Nếu làm tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực từ địa phương sẽ có tác dụng hạn chế được nhiều tham nhũng, đặc biệt từ cấp cơ sở.
Đồng thời, giúp cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương có được tầm với tới tận cơ sở, tạo sự đồng bộ từ Trung ương xuống cơ sở, giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Ngân Chi. |
Qua báo cáo tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, cũng có thể thấy, Ban Chỉ đạo đã giúp cho việc chỉ đạo phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến cơ sở đã có những chuyển biến nhất định. Các địa phương cũng đã phát hiện, xử lý những vụ án, vụ việc tham nhũng, trong đó có cả một số lãnh đạo tỉnh.
Thứ hai, khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như trước đây, chuyển sang “trên nóng, dưới ấm dần lên”, đó cũng là một chuyển biến tốt.
Đánh giá tại hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là rất khách quan, đúng đắn và cần thiết, để tới đây, có thể khắc phục một số tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh ở những nơi đã đạt kết quả tốt, chắc chắn sẽ có thêm những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quan trọng nhất trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, là sau một thời gian ngắn, khi phát hiện ra những trục trặc trong bố trí nhân sự thì phải kịp thời thay thế, để làm cho chất lượng Ban Chỉ đạo của tỉnh, thành phố đó tốt hơn, cao hơn, thì mới có kết quả. Còn nếu chỉ thành lập cho có, không thực chất thì hoạt động sẽ không có kết quả...
Sau 1 năm hoạt động, chắc chắn đã có những bài học kinh nghiệm, chắc chắn, thời gian tới, Trung ương cũng sẽ có những biện pháp cần thiết, tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh”.
Đồng tình với những đánh giá trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: “Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Trung ương đã rất sáng suốt khi thành lập Ban Chỉ đạo này.
Tôi cho rằng, thời gian qua, nếu không có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, mà chỉ có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì công tác giám sát, thanh tra, xử lý ở khắp cả 63 tỉnh thành trên cả nước có thể sẽ khó có sự gắn kết, khó phát hiện thêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là những vụ tham nhũng nhỏ, Trung ương đâu thể bao quát được hết, mà chủ yếu chỉ đạo những vụ đại án hoặc cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...
Vì vậy, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, để trước hết, Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm chính về công việc nội bộ của mình đối với Trung ương, theo sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh”.
Cần xử lý khẩn trương, dứt điểm, triệt để các vụ án, vụ việc
Cũng tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Một là, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phải hoạt động nền nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao.
Hai là, phải tiếp tục chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp uỷ đảng, tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hoá liêm chính của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ba là, tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, tiếp tục tham mưu, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực và các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, ông Ngô Văn Sửu đặc biệt quan tâm đến việc tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), muốn không để “tiền lệ xấu”, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục hoạt động mạnh hơn: “Qua 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đã cho thấy những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt, có một số vụ việc trước đây còn chưa được xử lý dứt điểm, thời gian qua, đã được xử lý.
Trước đây, có tình trạng làm qua loa, xử lý cho có, xuê xoa cho xong, nhưng đó chính là làm hại cho công tác cán bộ; vậy nên, việc xử lý nghiêm, không để xảy ra chuyện luồn lách, chạy chọt như thời gian qua là rất tích cực.
Thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt, với các đại án, các vụ án gây bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, càng phải được quan tâm hơn nữa, xử lý khẩn trương, dứt điểm, triệt để”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cũng đã làm được rất nhiều việc trong kế hoạch, đặc biệt công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động để ngăn ngừa tiêu cực, ngăn ngừa hiện tượng tham nhũng trong nội bộ. Tôi cho rằng đây là một điều hết sức căn cơ, cốt lõi.
Theo tôi, đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì cốt lõi nhất phải là phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những hành vi tham nhũng, để cán bộ thuộc quyền không dám, không muốn, không thể thực hiện hành vi tham nhũng. Đó là mục đích cao nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng; còn khi những sự vụ, sự việc xảy ra rồi, mới thực hiện xử lý thì chỉ là bước sau, coi như “chuyện đã rồi”...
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn. |
Tôi đánh giá rất cao vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt với công tác phòng ngừa, răn đe, xử lý những hành vi tham nhũng trong thời gian qua rất thiết thực, hữu hiệu đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh xử lý, giải quyết.
Vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo, nêu những nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo tôi, cốt lõi nhất chính là cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phải hoạt động nền nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao”.
“Tham nhũng, tiêu cực vốn không trừ một ai, cũng không phải chỉ có ở trong doanh nghiệp, hay chỉ có ở trong những chỗ nhạy cảm nhất, tất nhiên, những cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, với dân có thể sẽ xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhiều hơn nơi khác, tuy nhiên, không có loại trừ với bất kỳ đối tượng, cá nhân nào.
Vì vậy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện toàn diện, không loại trừ bất cứ ai, nhưng cũng phải chú ý đến những nơi “nhạy cảm” nhất, những cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân “nhạy cảm” nhất thì phải phòng ngừa nhất.
Ví dụ, trong thời gian qua, ngay trong các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có tham nhũng, cho nên việc phòng ngừa, ngăn chặn những cơ quan, cá nhân này là “đầu tàu”, gương mẫu... Trong công tác phòng, chống tham nhũng thì phải có công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục đạo đức, lối sống, phẩm chất của cá nhân, gia đình những cán bộ làm công tác tư pháp, làm công tác phòng, chống tham nhũng hết sức cần thiết.
Nếu chính bản thân mình không trong sạch, không chống được tham nhũng thì làm sao chống được người bên ngoài? Vậy nên, việc ngăn chặn kịp thời những người này không thực hiện hành vi tham nhũng là hết sức cần thiết và quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta từ nay về sau.
Phải “đầu tàu”, gương mẫu, phải liêm khiết, phải tốt thì mới làm được, còn nếu bản thân “nhúng chàm” thì không thể phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách có hiệu quả, dễ dẫn đến sự bao che, lợi ích nhóm, móc nối nhau trong tham nhũng thì hết sức nguy hại...” - Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.