Việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Với những nỗ lực quyết tâm của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ ban ngành, theo thống kê, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; 10 cục; 145 vụ, đồng thời đang rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp của tất cả các bộ. Bên cạnh đó, thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình tự chủ về tài chính.
Cùng với đó, chính Bộ Nội vụ cũng gương mẫu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. Theo Báo cáo kết quả thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Nội vụ đã giảm 3 chức danh Vụ trưởng và tương đương, giảm 9 chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương tại các cơ quan thuộc Bộ; giảm 2 chức danh tương đương Tổng cục trưởng; giảm 8 chức danh tương đương Phó Tổng cục trưởng; giảm 22 chức danh Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; giảm 66 chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng thể hiện quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để vừa giảm gánh nặng với công chức, viên chức, vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng cán bộ. Những nỗ lực trên được các chuyên gia, đại biểu quốc hội, viên chức giáo dục bày tỏ sự ủng hộ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định, ba năm trở lại đây, Bộ Nội vụ đã thể hiện tốt vai trò tham mưu về vấn đề tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, lãnh đạo Bộ cầu thị, lắng nghe nhiều ngành, nhiều đơn vị để tham gia đóng góp ý kiến, và thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ phân công cho Bộ.
"Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao ở Bộ Nội vụ khi đã đề xuất Chính phủ sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính trực thuộc, của các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có sự tiếp thu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tốt, đồng thời Bộ cũng đã làm gương đầu tàu tổ chức lại bộ máy của chính đơn vị mình", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Đại biểu Pham Văn Hòa cho hay, bản thân ông đánh giá cao vai trò của Bộ Nội vụ, khi Bộ này đề xuất Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ảnh: Quốc hội) |
"Việc yêu cầu tất cả công chức, viên chức phải có chứng chỉ Tin học, Tiếng Anh, theo tôi là không hợp lý. Quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để một mặt vừa giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức, một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn", ông Hòa chia sẻ.
Về việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị trực thuộc của Bộ Nội vụ, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho hay, đến nay chúng ta đã sắp xếp tinh gọn bộ máy của các Bộ. Tất cả hướng đến tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn.
Các Bộ và cơ quan ngang Bộ đã chấp hành rất tốt theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
"Tôi rất hoan nghênh sự cầu thị, tinh thần tiến công, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức, sắp xếp bộ máy trong biên chế của Bộ Nội vụ cũng như các Bộ ngành khác", ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Hòa, việc sắp xếp tinh giản bộ máy cũng tùy theo tình hình thực tiễn của các Bộ và cơ quan ngang Bộ và thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 của Ban Chấp hành Trung ương, để làm sao được tinh gọn, hiệu quả, làm việc có chất lượng.
Chia sẻ thêm về việc thi thăng hạng chức danh thời gian qua được nhiều viên chức phản ánh, than phiền vì thế ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng đối với viên chức thời gian qua của Bộ cũng được viên chức đồng thuận rất cao.
Từng là thầy giáo dạy ngoại ngữ, ông Túc nhận thấy đề xuất bỏ chứng chỉ tiếng Anh, Tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức của Bộ Nội vụ là hợp lý. Bởi lẽ, các chứng chỉ thực tế chưa phản ánh được nhiều năng lực thực tế của công chức, viên chức.
Ông Túc cũng chia sẻ một thực tế là việc tinh giản bên chế, tinh gọn bộ máy không phải dễ dàng bởi nó động chạm đến lợi ích rất rõ. Cùng với đó, cần tránh tinh giản cơ học bởi có những ngành như giáo dục đang thiếu giáo viên.
Vì vậy, việc tinh giản phải đúng nơi cần tinh giản, vấn đề con người là cần phải thận trọng, cần phải lấy ý kiến đối tượng được tinh giản, tránh chủ quan duy ý trí.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân giáo viên dạy Tiểu học tại Hà Nội cho biết, vào năm 2022, cô trúng tuyển viên chức vào trường và khi nộp hồ sơ, cô không phải nộp chứng chỉ Tiếng Anh và chứng chỉ Ngoại ngữ.
Trong công tác giảng dạy tiểu học, Tiếng Anh không được sử dụng trong công việc, còn đối với Tin học, chị chỉ thường xuyên sử dụng đến phần mềm như Powerpoint, các ứng dụng phục vụ cho việc giảng dạy. Những nội dung này cần cho công việc, bản thân cô phải tìm hiểu, học hỏi, thậm chí có nhiều ứng dụng mới nên việc này cần sự chủ động của bản thân giáo viên chứ không chứng chỉ nào có thể cập nhật hết được.
Trước đó, vào năm 2019, khi cô Vân ra trường và xin dạy hợp đồng, hồ sơ bắt buộc phải có hai chứng chỉ trên.
"Nếu như vào năm 2019, khi tôi ra trường và xin vào dạy hợp đồng, tôi phải nộp hai chứng chỉ trên", nữ giáo viên chia sẻ.
Chứng chỉ Tin học và chứng chỉ Tiếng Anh của nữ giáo viên được hai trường đại học ở Hà Nội tổ chức thi và cấp phát. (Ảnh: NVCC) |
Nữ giáo viên cũng thành thật chia sẻ, để có được hai chứng chỉ trên, cô phải bỏ ra số tiền khoảng hơn 4 triệu đồng còn thực chất kiến thức học không được là bao. Với những chứng chỉ này, nhiều thầy cô như tôi đi học chỉ đủ buổi và vào thi mà không lo trượt vì đã có sự "hỗ trợ" tối đa. Vì thế, việc yêu cầu có các chứng chỉ này trong tuyển dụng tất cả viên chức là rất lãng phí và làm lợi cho các trung tâm, cơ sở đào tạo.