Đúng 15 giờ 30 phút chiều nay, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã chính thức kết thúc bài thi Ngoại ngữ - bài thi cuối cùng trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Thí sinh tham gia làm bài thi Ngoại ngữ, gồm 7 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn; Trong đó, số lượng thí sinh thi Tiếng Anh chiếm đa số.
Đánh giá về đề thi môn tiếng Anh, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc trung tâm ngoại ngữ English Right Now nhận định, "đề thi năm nay có tính phân loại cao, nhưng không quá “khó chịu”.
Theo đó, học sinh khá có thể đạt mức điểm 6-7 điểm một cách đơn giản. Với học sinh yếu, nỗi sợ “điểm liệt” có thể không còn. Tuy nhiên, thầy Nguyên cho rằng việc đạt điểm 9-10 với đề thi này không hề dễ dàng.
Thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc trung tâm ngoại ngữ English Right Now. Ảnh: NVCC |
Cụ thể, thầy Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, đề thi môn tiếng Anh năm nay văn minh, cập nhật và gần gũi với học sinh. Đề thi có cấu trúc, nội dung kiến thức và các dạng bài tương tự với đề thi minh hoạ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó. Điểm khác biệt đó chính là độ khó của đề thi chính thức cao hơn đôi chút so với đề thi tham khảo.
Phân tích chi tiết, thầy Nguyên cho hay, đề thi vẫn là 50 câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra toàn diện về nền tảng tiếng Anh (bao gồm ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm) và kỹ năng tiếng Anh (giao tiếp và đọc hiểu), được chia thành các dạng bài quen thuộc như: phát âm, trọng âm, hoàn thành câu theo ngữ pháp và từ vựng, tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa, câu hỏi chức năng giao tiếp, tìm lỗi sai, điền khuyết đoạn văn, đọc hiểu và viết lại câu.
Điểm “nâng cấp” trong đề thi năm nay là việc loại bỏ những câu hỏi “cho điểm” ở nội dung ngữ âm (không còn âm “ed” “es” hay “s”, thay vào đó là các phụ âm và nguyên âm có nhiều trường hợp phát âm – cụ thể là tổ hợp vần của âm “o” và phụ âm “ch). Các câu trọng âm cũng không còn quy tắc “đánh” trọng âm). Điều này loại bỏ được việc “học để thi” của học sinh khi học ngữ âm.
Các câu hỏi kiểm tra về ngữ pháp và từ vựng trong đề thi rất văn minh. Không hề có những câu “đánh đố” hay “bẫy” học sinh. Thay vào đó là những câu hỏi có mức độ từ nhận biết tới hiểu và vận dụng. Học sinh sẽ không lo bị “điểm liệt” vì chỉ cần nhớ được kiến thức rất cơ bản (như là về câu hỏi đuôi, so sánh tính từ) là đã có thể làm đúng. Tuy vậy, các câu hỏi về thành ngữ hay cụm động từ vẫn giữ vững “phong độ” luôn làm khó thí sinh.
Bốn câu tìm từ đồng nghĩa-trái nghĩa thì có 2 câu đơn giản – học sinh sẽ không mất điểm, nhưng 2 câu còn lại không hề “dễ ăn”.
Nội dung câu hỏi về chức năng giao tiếp rất hay và thiết thực (về hồi đáp một ý kiến cho trước và trả lời câu hỏi “how long”), nhưng không khó để học sinh có thể lấy điểm của cả hai câu.
Dạng bài tìm lỗi sai và điền khuyết đoạn văn là hai dạng ở mức độ vận dụng đến vận dụng cao, cũng là dạng bài nhằm phân loại học sinh. Tuy nhiên, nếu học sinh đã thử sức với đề thi của hai năm 2021 và 2022 thì hoàn toàn có thể làm đúng 2/3 câu tìm lỗi sai và 3/5 câu điền khuyết.
Chủ đề của hai bài đọc hiểu mang tính cập nhật (một bài đọc liên quan tới chủ đề thiết bị điện tử, một bài liên quan tới hoạt động trong thời gian rảnh) điều này làm học sinh cảm thấy gần gũi và không bị quá căng thẳng trong quá trình làm bài. Các câu hỏi trong bài đọc hiểu có một vài câu học sinh chỉ cần đối chiếu với thông tin trong bài, nhưng đa phần là những câu yêu cầu học sinh phải suy luận. Đặc biệt, những câu hỏi “từ có nghĩa gần nhất” đã gây ra khó khăn cho học sinh – các câu hỏi này mang tính phân loại khá cao.
Các dạng bài viết lại câu vẫn là những cấu trúc và dạng kiến thức quen thuộc (như dạng viết lại câu dựa theo thì hoàn thành, câu trần thuật hay sử dụng động từ khuyết thiếu). Ngoài việc nắm vững cấu trúc, học sinh còn phải thật cẩn thận khi đưa ra đáp án cuối cùng để tránh mất điểm đáng tiếc.
Đồng quan điểm với thầy Nguyên, cô Nguyễn Quỳnh Trang - nguyên Phó Trưởng bộ môn chất lượng cao Khoa Sư Phạm Tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, đề thi năm nay vẫn có cấu trúc quen thuộc với 50 câu trắc nghiệm. Kiến thức 80% nằm trong chương trình sách giáo khoa và tương đối dễ thở so với đề tham khảo. Độ khó của đề thi cũng tương đương với đề thi của năm 2022.
Cô Nguyễn Quỳnh Trang (ngồi ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC |
Cụ thể, phần ngữ pháp tương đối dễ, chỉ có duy nhất 1 câu idiom là khó, tuy nhiên, học sinh khá giỏi nếu tinh ý sẽ có thể dùng phương pháp loại trừ và dựa vào ngữ cảnh để đoán được đáp án. Các nội dung mạo từ, động từ nguyên thể, so sánh, bị động của đề đều ở mức cơ bản.
Đối với phần từ vựng của đề thi, có một số từ mới so với chương trình học trong sách giáo khoa, nhưng do có những tiền tố hậu tố và ngữ cảnh giúp thí sinh dễ dàng suy đoán để dần loại trừ ra được đáp án.
Ngoài ra, phần chức năng giao tiếp cũng khá cơ bản, có tính ứng dụng cao, thực tiễn hàng ngày; phần đồng nghĩa, trái nghĩa gần như không có từ mới, khá dễ cho học sinh khoanh được đáp án đúng;
Phần ngữ âm, trọng âm của đề thi năm nay chủ yếu tập trung vào danh từ, tính từ và động từ có 2 đến 3 âm tiết, học sinh hoàn toàn có thể dựa vào qui tắc chung để suy luận ra đáp án đúng; Còn đối với phần đọc hiểu, đề thi đưa vào những chủ đề gần gũi, không có từ vựng và ngữ cảnh lạ, câu hỏi tương đối dễ, không có nhiều từ mới.
Theo cô Trang, đối với đề thi môn tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, chỉ cần thí sinh nắm chắc chương trình học trong sách giáo khoa đã có thể nắm chắc điểm 8 -9, những bạn có nhanh nhậy tinh tế sẽ dễ dàng để được điểm 10.
Thí sinh xem gợi ý đáp môn tiếng Anh của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, thí sinh có thể tham khảo:
Đáp án môn tiếng Anh, mã đề 409 |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 18/7. Thí sinh bắt đầu nhập, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 10 đến 17h ngày 30/7.