Nghỉ hè là khoảng thời gian được các giáo viên và học sinh mong chờ nhất. Thời gian này, thầy và trò mỗi người đều có những công việc, dự định riêng.
Trong những ngày nghỉ hè, ngoài thời gian đi học lý luận chính trị, thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) lại trở về trường để tiếp tục công việc quản lý như kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở vật chất, kế hoạch tuyển sinh cho năm học mới.
Các giáo viên trong trường đa số trở về quê nhà, tận dụng khoảng thời gian quý giá bên gia đình, với xóm làng quê hương.
Có thầy cô giáo lại ở lại tiếp tục công tác đoàn đội của mình, đó là hướng dẫn học sinh tham gia Diễn đàn trẻ em do huyện tổ chức. Và cũng nhiều thầy cô giáo lựa chọn bán hàng để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Thầy Nguyễn Khắc Điệp và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: NVCC |
Một năm học mới nữa lại đang cận kề. Dù đang là thời gian nghỉ hè, nhưng những trăn trở về sự nghiệp gieo chữ vẫn luôn “canh cánh” trong nỗi lòng của thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp.
Gắn bó với công tác giáo dục ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) hơn 2 thập kỷ qua, thầy Điệp hiểu rõ những khó khăn của miền quê nghèo.
Xã Trà Mai - nơi đóng chân của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Mai đã thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn từ năm 2021. Bởi vậy, giáo viên công tác tại trường không còn được hưởng các chế độ chính sách, phụ cấp theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong khi đó, mảnh đất miền núi còn nhiều khó khăn, bởi vậy không phải thầy cô giáo nào cũng tình nguyện chọn rời bỏ chốn đồng bằng thuận lợi để lên công tác ở nơi đây.
Chứng kiến nhiều giáo viên lần lượt xin chuyển công tác về đồng bằng, nỗi lòng người làm quản lý lại trăn trở không yên.
“Chỉ mong có các chính sách thiết thực để thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên để thầy cô giáo yên tâm công tác lâu dài, phục vụ cho công tác giảng dạy tại vùng miền núi”, vị Hiệu trưởng trải lòng.
Chứng kiến sự đổi thay chất lượng giáo dục của huyện miền núi Nam Trà My những năm qua, thầy Điệp không giấu được niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, trước công cuộc đổi mới của ngành giáo dục, vẫn còn nhiều ngổn ngang làm bận lòng những người gieo chữ.
Theo thầy Điệp, sắp tới là năm học thứ 3 nhà trường chính thức triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy học vẫn chưa được đảm bảo.
Hai năm qua, khối lớp 6 và 7 của trường vẫn chủ yếu dạy học dựa vào trang thiết bị của chương trình cũ. Với một số môn học mới như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nhà trường cũng chưa có thầy cô giáo đủ năng lực để đảm nhận dạy.
“Cũng như các địa phương khác, hiện nhà trường phân công giáo viên bộ môn nào đảm nhận phân môn đó, tuy nhiên, về lâu về dài, vẫn cần có kế hoạch để kiện toàn đội ngũ”, thầy Điệp chia sẻ.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Pác Nặm (Bắc Kạn). Ảnh: Fanpage nhà trường |
Cũng công tác tại trường học, nhưng là giáo vụ nên 2 tháng hè, cô Nông Diệu Huyền vẫn đều đặn tới trường. 10 năm qua, cô Huyền đã gắn bó với công việc này tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Pác Nặm (Bắc Kạn).
“Giáo viên sẽ được nghỉ 2 tháng hè, trừ những thầy cô có nhiệm vụ ôn thi hay tuyển sinh. Với nhân viên trường học thì sẽ đi làm bình thường theo lịch phân công công việc của nhà trường và chức trách nhiệm vụ”, cô Nông Diệu Huyền nói.
Những ngày này, dù đang thời gian nghỉ hè, học sinh nghỉ hết, nhưng cô giáo trẻ vẫn đang tất bật với công việc trong hội đồng tuyển sinh lớp 6 và các công tác giáo vụ. Thời gian hầu hết đều dành cho các công việc ở trường nên cô Huyền không làm thêm công việc nào khác.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lực và học sinh Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong. Ảnh: NVCC |
Là giáo viên môn Lịch sử, Giáo dục công dân, nên cơ hội dạy thêm không có nhiều, vì vậy, thời gian nghỉ hè, thầy giáo Nguyễn Văn Lực - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) chủ yếu ở nhà phụ việc gia đình.
Tuổi cũng đã gần về hưu, vì vậy thầy Lực chủ yếu ở nhà, ngoài thời gian đi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi và tham gia các lớp tập huấn chuyên môn dịp hè. Thầy kể, nhiều đồng nghiệp của mình, vì cuộc sống mưu sinh còn làm thêm nhiều nghề khác để có thêm thu nhập.
Theo thầy Lực, vào đầu tháng 8, các thầy cô giáo sẽ tập trung về trường học nghiệp vụ, học chính trị, tổ chức biên chế lớp,... chuẩn bị cho năm học mới. Kết thúc thời gian hè, thầy cô giáo sẽ lại tất bật với công việc giảng dạy, soạn bài, các buổi tập huấn, học thêm để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Những tháng ngày nghỉ hè, tuy nhớ trường nhớ lớp, nhưng cũng là thời gian cho thầy và trò được nghỉ ngơi. Mong rằng các thầy cô giáo sẽ nghỉ ngơi thật tốt để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một năm học mới sắp tới”, thầy Lực tâm sự.