Học xong tiến sĩ, GV ngành y xin chuyển công tác, chấp nhận bồi hoàn chi phí

14/07/2023 06:45
Ngân Chi
GDVN-Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến, việc giữ chân GV trình độ cao trong các trường y công lập đang gặp phải sự cạnh tranh lớn từ sức hút của trường tư, bệnh viện.

Cạnh tranh lớn từ các trường tư và bệnh viện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình chia sẻ: “Hiện nay, đối với trường y nói riêng và cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung, việc giữ chân cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao, giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư vẫn đang là một bài toán nan giải.

Trường Đại học Y Dược Thái Bình là trường công lập trực thuộc Bộ Y tế. Với 55 năm xây dựng và phát triển (1968-2023), nhà trường đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín của mình trong đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho Việt Nam và các nước bạn đặc biệt là cho nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ năm 1968 và Vương quốc Campuchia từ năm 1982.

Để đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo mà vẫn tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, việc đào tạo đội ngũ cán bộ là một nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính cấp bách đối với sự phát triển của nhà trường, song lại gặp không ít khó khăn.

Đối với ngành y, ngoài học vị thạc sĩ, tiến sĩ và học hàm phó giáo sư, giáo sư, thì còn có đặc thù bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II. Đối với các trường y, theo quy định về đội ngũ nhà giáo để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chủ yếu căn cứ vào giảng viên có học hàm, học vị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Ngân Chi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Ngân Chi.

Hơn nữa, điểm đặc biệt của đào tạo khối ngành sức khỏe là phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức lý thuyết khoa học và thực hành lâm sàng nên thầy cô vừa phải học thạc sĩ, tiến sĩ vừa phải học chuyên khoa, tích lũy kỹ năng tay nghề thực hành để vừa là người thầy vững vàng về lý thuyết chuyên môn vừa phải là bác sĩ giỏi, chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Trong khi ở bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa I đã có thể làm bác sĩ chính, thì đối với trường đại học, phải là thạc sĩ mới có thể làm giảng viên.

Hiện nay, những trường đại học không nằm trong hệ thống công lập có rất nhiều chính sách thu hút đội ngũ có tay nghề, học hàm, học vị. Mặt khác, cũng có rất nhiều trường đã và đang mở ngành thuộc khối ngành sức khỏe, các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân cũng thu hút cán bộ có tay nghề, có bằng cấp. Do đó, họ đầu tư rất mạnh mẽ trong chính sách, từ nguồn thu đến trả lương nên sẽ rất khó khăn cho khối trường công lập như chúng tôi”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng cho biết thêm, để tăng đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ, hằng năm nhà trường đều tổ chức hội nghị nghiên cứu sinh để gặp, trao đổi, nắm bắt tình hình học tập nhằm tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho giảng viên trong quá trình học tập đồng thời rà soát đội ngũ nhân lực để động viên tiến tới giao chỉ tiêu cho từng đơn vị cử giảng viên đi học nghiên cứu sinh.

Nhà trường có chính sách trong quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ kinh phí, đồng thời, tạo điều kiện về mặt thời gian, sắp xếp lịch làm việc để giảng viên vừa học tập vừa có thể tham gia giảng dạy, tham gia công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, đảm bảo các hoạt động chung của trường, vừa hỗ trợ thu nhập cho giảng viên giảm bớt khó khăn về chi phí trong quá trình học tập.

“Ngoài việc tạo điều kiện đảm bảo đời sống, nhà trường còn đảm bảo điều kiện làm việc, điều kiện nghiên cứu khoa học cho cán bộ, tạo môi trường năng động, sáng tạo để thu hút niềm đam mê cống hiến của họ cho sự phát triển của nhà trường nói riêng, của ngành y tế, cũng như sự phát triển của khoa học nói chung.

Tuy nhiên, một số giảng viên sau khi được cử đi đào tạo sau đại học về, không yên tâm gắn bó lâu dài với nhà trường mà xin chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng làm việc, mặc dù nhà trường đã có quy định thời gian phục vụ sau đào tạo và mức bồi hoàn chi phí khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Hiện nay, chúng tôi đang quy định đối với mỗi tiến sĩ sau khi học xong có nghĩa vụ tiếp tục công tác trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo.

Bởi, điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến cơ cấu, đến quy hoạch đội ngũ cán bộ, gây xáo trộn các hoạt động chung của nhà trường, đến chiến lược phát triển của trường mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, tư tưởng của cán bộ, viên chức.

Vì vậy, khi cán bộ xin chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng, nhà trường phải xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể, cân đối tình hình nhân lực, nếu điều kiện chưa bố trí được cán bộ thay thế, nhà trường kiên quyết chưa đồng ý cho đi” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến giải thích thêm.

Sẽ rất khó đáp ứng theo Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Chia sẻ thêm về khó khăn Trường Đại học Y Dược Thái Bình đang gặp phải, vị Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: “Trong năm học 2021-2022, trường có 02 tiến sĩ xin chuyển công tác, thạc sĩ cũng chuyển đi nhiều nhưng so với tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đại học thì không ảnh hưởng quá nhiều.

Nhưng vấn đề nằm ở đội ngũ tiến sĩ, phó giáo sư, mặc dù không chuyển đi, nhưng đội ngũ phó giáo sư lớn tuổi đến độ tuổi nghỉ hưu nhiều, khiến thời gian tới, nhà trường sẽ rất khó đáp ứng theo Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến (yêu cầu tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tính trên số giảng viên toàn thời gian: a) Đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; b) Đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ). Con số này đối với các ngành khác có thể đáp ứng còn đối với ngành y sẽ rất khó khăn.

Với tình trạng giảng viên xin nghỉ như hiện tại, tới đây, Trường Đại học Y Dược Thái Bình sẽ rất khó đáp ứng theo Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Ảnh minh họa: thaibinhtv.vn.

Với tình trạng giảng viên xin nghỉ như hiện tại, tới đây, Trường Đại học Y Dược Thái Bình sẽ rất khó đáp ứng theo Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Ảnh minh họa: thaibinhtv.vn.

Nhà trường cũng đặt ra mục tiêu và có chỉ đạo rất quyết liệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo tiêu chuẩn các chức danh viên chức, đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên là một nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Nhà trường vừa động viên, vừa khuyến khích, vừa giao nhiệm vụ đến từng đơn vị để cán bộ quyết tâm đăng ký đi học nghiên cứu sinh tăng cao hơn.

Thời gian tới, nhà trường cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn, trong quy chế chi tiêu nội bộ sẽ tăng cường chế độ hỗ trợ, đồng thời cũng tăng thêm thời gian cam kết gắn bó, để vừa đào tạo, vừa giữ chân cán bộ, giảng viên”.

Về chính sách thu hút, giữ chân cán bộ trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến đề cập đến ba giải pháp: “Thứ nhất, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các cán bộ đi học, nâng cao trình độ.

Thứ hai, tạo môi trường học thuật, môi trường nghiên cứu để cán bộ yên tâm làm việc, cống hiến.

Thứ ba, nâng cao đời sống để cán bộ, viên chức yên tâm công tác.

Rất mong Đảng và Nhà nước cũng có những chính sách bền vững nhằm hỗ trợ các trường đại học tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong trường đại học”.

Cuối cùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến cho rằng “Để ứng phó với sự cạnh tranh lớn từ sức hút của trường tư và bệnh viện trong việc giữ chân giảng viên có trình độ cao, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với trường y trong hệ thống công lập là thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm phát triển chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, đồng thời tăng cường chế độ đãi ngộ, hỗ trợ các điều kiện để họ yên tâm công tác và cống hiến lâu dài cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế”.

Ngân Chi