Ngành Đóng tàu có nhu cầu lớn về nhân lực nhưng ít người theo học

13/07/2023 06:32
LÃ TIẾN
GDVN- Nhóm ngành kỹ thuật truyền thống tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam như ngành đóng tàu hiện có nhiều đơn đặt hàng nhưng rất ít người theo học.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Vũ Minh Ngọc – Phó trưởng phòng Đào tạo – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2023, nhà trường tuyển sinh 3.600 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy với 47 chuyên ngành đào tạo theo 04 phương thức xét tuyển độc lập:

Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023. Áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành.

Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành đối với những thí sinh có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trong tổ hợp môn xét tuyển đạt ngưỡng chất lượng đầu vào theo Quy định của Nhà trường và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Tiêu chí 1: Có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế IELTS 5.0 hoặc TOEFL 494 ITP hoặc TOEFL 58 iBT hoặc Toeic (L&R) 595 trở lên trong thời hạn (tính đến ngày 30/08/2023).

Tiêu chí 2: Đạt các giải Nhất, Nhì, Ba các môn thi Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học và Ngoại ngữ trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố trở lên.

Tiêu chí 3: Học 03 năm THPT tại các lớp Chuyên: Toán học, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học, Khoa học tự nhiên thuộc các trường Chuyên cấp Tỉnh/Thành phố. Có học lực Khá trở lên và hạnh kiểm Tốt các năm lớp 10, 11, 12.

Ngành đóng tàu hiện đang có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn nhưng ít người theo học tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: TK)

Ngành đóng tàu hiện đang có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn nhưng ít người theo học tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: TK)

Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập và rèn luyện trung học phổ thông (xét Học bạ) từ 20% - 30% tổng chỉ tiêu của các chuyên ngành. Áp dụng 28 chuyên ngành thuộc nhóm Kỹ thuật & Công nghệ, 02 chuyên ngành thuộc nhóm Chất lượng cao (Công nghệ thông tin và Điện tự động công nghiệp), và 02 chuyên ngành thuộc nhóm Chọn (Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển).

Phương thức 4: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Điều 8 Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ban hành ngày 06 tháng 6 năm 2022.

Theo Thạc sĩ Vũ Minh Ngọc, mấy năm trở lại đây, một số ngành thuộc nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ như: điện tự động công nghiệp, tự động hoá hệ thống điện, kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin… tuyển sinh rất thuận lợi.

Nguyên do nhu cầu thực tế tại các khu, cụm công nghiệp đang cần tuyển nhiều lao động liên quan đến các ngành này. Vì vậy, 3 năm trở lại đây, mỗi ngành này đều tuyển từ 100-150 chỉ tiêu.

Đặc biệt, một số ngành học như: Logistics và chuỗi cung ứng, Kinh tế ngoại thương, Kinh tế vận tải biển rất “hot” trong 3-4 năm gần đây, mỗi ngành tuyển khoảng 150 học sinh/năm học.

Ví như ngành Logistics và chuỗi cung ứng có điểm xét tuyển đầu vào cao nhất (năm 2021, 2022) là 26,25 điểm.

Bên cạnh những nhóm ngành dễ tuyển sinh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh những ngành mà trước đây đã trở thành thế mạnh, làm nên thương hiệu nhà trường như: ngành thuộc khối đi biển và những ngành kỹ thuật truyền thống.

“Khó khăn nhất phải kể đến ngành đóng tàu và công trình ngoài khơi, những năm gần đây ngành này chỉ tuyển được khoảng 45 sinh viên.

Trong khi đó, nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành đóng tàu hiện nay đang rất lớn. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng về ngành này song rất ít người theo học”, Thạc sĩ Vũ Minh Ngọc nói.

Phó trưởng phòng Đào tạo – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết thêm, thời gian qua, các công ty đóng tàu Phà Rừng, đóng tàu Nam Triệu, Thái Bình Dương… có liên hệ với nhà trường để tuyển kỹ sư, công nhân.

Công ty Noteco là đối tác của nhà trường nhiều năm, có đơn đặt hàng và hàng năm tổ chức trao học bổng cho sinh viên theo học ngành đóng tàu nhưng rất ít người theo học ngành này.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản… chuyên về đóng tàu cũng đã liên hệ nhà trường để tuyển dụng nhưng không có nguồn nhân lực.

Sinh viên Khoa Đóng tàu - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực tập (Ảnh: TK)

Sinh viên Khoa Đóng tàu - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực tập (Ảnh: TK)

Theo khảo sát của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trong năm 2020, tính riêng thống kê số liệu tuyển dụng theo đường công văn về Khoa Đóng tàu là 47 kỹ sư Đóng tàu từ các công ty có trụ sở miền Bắc.

Nhu cầu về tuyển dụng kỹ sư đóng tàu trong năm 2021 tiếp tục tốt hơn so với năm 2020, trong đó khối các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thủy có sự gia tăng rõ nhất.

Thống kê cả các nguồn tuyển không qua công văn, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu trong các năm gần đây đạt mức trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm.

Trong năm 2022, Khoa Đóng tàu tiếp tục ghi nhận các công ty đối tác nước ngoài gia tăng tuyển dụng nhân sự ngành đóng tàu so với năm 2021 nhằm phục vụ cho nhiệm vụ thiết kế, thiết kế công nghệ.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng kỹ sư đóng tàu trong năm và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục có sự phát triển, cơ hội việc làm cho sinh viên của Khoa Đóng tàu là rất tốt.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Tú – Phó trưởng Khoa Đóng tàu- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, công tác tuyển sinh ngành Đóng tàu trong hai năm trở lại đây có khởi sắc. Tuy nhiên, số lượng sinh viên và điểm đầu vào vẫn không được cải thiện.

Nguyên nhân xuất phát do xu hướng của xã hội, phụ huynh học sinh và học sinh đang hướng đến học các ngành kinh tế, các ngành công nghệ, còn các ngành kỹ thuật truyền thống thì không mấy quan tâm; do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngành Đóng tàu trong giai đoạn vừa qua gặp không ít khó khăn.

Thông tin truyền thông tích cực về ngành Đóng tàu trong nước cũng ít xuất hiện trên các kênh truyền thông uy tín.

Bên cạnh đó, mức lương khởi điểm của kỹ sư tốt nghiệp ngành Đóng tàu chưa thực hấp dẫn và chưa có được tính cạnh tranh so với các ngành khác dẫn đến làm giảm sức hút sinh viên đăng ký theo học.

Nhu cầu nhân lực cao từ các khu công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động từ bậc Trung học phổ thông, với yêu cầu không cao, chỉ cần qua đào tạo ngắn hạn là có thể đi làm ngay với mức lương cũng tương đương kỹ sư mới ra trường.

Đặc biệt, khâu quảng bá các thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực Đóng tàu, cơ hội việc làm và thu nhập của ngành Đóng tàu chưa tốt.

Chưa có các chính sách hỗ trợ người học từ phía nhà nước đối với các ngành học trọng điểm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.

LÃ TIẾN