Có chứng chỉ CDNN cấp 30/6/2022 đến 11/7/2023 phải học bổ sung, GV vẫn mất tiền?

15/07/2023 06:40
Cao Nguyên
GDVN- Giáo viên đã được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp từ ngày 30/6/2022 đến ngày 11/7/2023 phải bồi dưỡng bổ sung thêm 2 chuyên đề của Chương trình.

Thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021), ngày 11/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông thay thế cho các Chương trình bồi dưỡng theo từng hạng chức danh nghề nghiệp. [1]

Một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III được cấp sau 30/6/2022. Ảnh: giaoduc.net.vnMột chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III được cấp sau 30/6/2022. Ảnh: giaoduc.net.vn

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tại các Quyết định sau:

- Quyết định 2000/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.

- Quyết định 2001/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.

- Quyết định 2002/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở.

- Quyết định 2003/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.

Các Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, mỗi cấp học có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung cho các hạng giáo viên (trước đây mỗi cấp có 3 chương trình bồi dưỡng).

Thứ hai, thời lượng bồi dưỡng điều chỉnh từ 240 tiết (tương đương 6 tuần) xuống còn 120 tiết (tương đương 3 tuần) để phù hợp với nội dung bồi dưỡng chi tiết.

Thứ ba, Chương trình đã được rà soát để đảm bảo không trùng lặp với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên khác; cung cấp các kiến thức trọng tâm, thiết thực đối với đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Thứ tư, không yêu cầu giáo viên phải làm bài kiểm tra kết thúc từng phần, chỉ yêu cầu hoàn thành 1 bài kiểm tra hoặc bài thu hoạch hoặc bài tiểu luận cuối khóa theo quy chế của cơ sở bồi dưỡng.

Thứ năm, bổ sung quy định điều kiện đối với các cơ sở bồi dưỡng. Khi đáp ứng các điều kiện, các cơ sở được phép bồi dưỡng mà không cần phải làm thủ tục để Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng bồi dưỡng.

Thứ sáu, quy định đối với các trường hợp đã tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức khác và các trường hợp đã tham gia bồi dưỡng, được cấp chứng chỉ từ ngày 30/6/2022 đến thời điểm các Chương trình mới được ban hành (ngày 11/7/2023) như sau:

Đối với các trường hợp đã được cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hạng từ ngày 30/6/2022 đến ngày 11/7/2023 thì cơ sở bồi dưỡng (nơi cấp chứng chỉ) có trách nhiệm tổ chức cho học viên bồi dưỡng bổ sung nội dung Chuyên đề 7, Chuyên đề 8 Phần II Chương trình bồi dưỡng bằng hình thức phù hợp và cấp chứng chỉ bồi dưỡng thay thế.

Nội dung Chuyên đề 7: Chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và giáo dục; Chuyên đề 8: Năng lực thích ứng với sự thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.

Việc yêu cầu giáo viên các cấp đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng được cấp từ ngày 30/6/2022 đến ngày 11/7/2023 phải bồi dưỡng bổ sung Chương trình mới và cấp chứng chỉ thay thế khiến người viết (giáo viên trung học phổ thông) có những băn khoăn sau đây.

Quyết định số 2003/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông có 2 chuyên đề: Chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và giáo dục học sinh trung học phổ thông; Năng lực thích ứng với sự thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông. [2]

Theo tôi, giáo viên có thể tự học, tự bồi dưỡng 2 chuyên đề này chứ không nhất thiết phải học tập trung để được cấp chứng chỉ thay thế.

Cơ quan quản lí giáo dục (Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo) cũng có thể tổ chức bồi dưỡng nội dung này lồng ghép cùng với các chuyên đề khác qua các kì bồi dưỡng hàng năm là xem như giáo viên đã đạt yêu cầu.

Một vấn đề nhiều giáo viên được cấp chứng chỉ chức danh theo hạng được cấp trong thời gian trên cũng băn khoăn là giáo viên học Chuyên đề 7, Chuyên đề 8 Phần II Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì họ có phải đóng thêm học phí và lệ phí cấp chứng chỉ thay thế hay không?

Bởi vì, các Quyết định ban hành Chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên không có nội dung nào đề cập đến kinh phí khi giáo viên học 2 chuyên đề bổ sung cả.

Thực tế, ngày 18 tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 1 quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được sửa đổi như sau:

“2. Sửa đổi Điều 15 như sau:

“Điều 15. Hình thức bồi dưỡng

Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức…”

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

Có nghĩa là quy định tại Nghị định của Chính phủ, từ năm 2022, đối với giáo viên là viên chức chỉ còn chứng chỉ duy nhất là Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, không còn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng như trước đây.

Như vậy, cơ sở nào mở lớp, đào tạo, cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III là chưa phù hợp các văn bản quy định pháp luật hiện hành.

Các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên đi học trong thời gian trên đã có đóng kinh phí đầy đủ. Đặc biệt, khi các chứng chỉ theo hạng chức danh nghiệp của giáo viên được cấp trong thời gian trên đã không được xem xét là đủ điều kiện trong việc bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư 08 đã là thiệt thòi cho đối tượng này.

Hiện nay, để được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải đóng học phí từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng (tùy từng địa phương), là một số tiền khá lớn so với đồng lương của họ.

Nếu phải đóng thêm học phí cho 2 chương trình bồi dưỡng thì giáo viên càng thêm gánh nặng về kinh tế trên đồng lương vốn đã hạn hẹp.

Nên chăng, các cơ sở đào tạo đã cấp các chứng chỉ chức danh theo hạng trong thời gian trên xem xét vấn đề kinh phí để chia sẻ gánh nặng cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-gd-ban-hanh-chuong-trinh-boi-duong-theo-tieu-chuan-cdnn-giao-vien-cac-bac-hoc-post236641.gd

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-2003-QD-BGDDT-2023-chuong-trinh-boi-duong-theo-tieu-chuan-giao-vien-trung-hoc-pho-thong-572309.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên