Cân đối phát triển giáo dục tư nhân vừa chất lượng vừa có mức thu phù hợp
Những ngày qua, câu chuyện xung quanh việc phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để có một suất học lớp 10 tại Hà Nội, không chỉ ở trường công lập mà còn có ở cả một số trường tư thục “có tiếng”.
Với việc tăng dân số cơ học chóng mặt như hiện nay, áp lực học hành không chỉ dừng lại ở trường trung học phổ thông công lập.
Không chỉ riêng với bậc trung học phổ thông, những năm qua, câu chuyện tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, từ bậc mầm non, tiểu học, đến trung học cơ sở cũng luôn là vấn đề “nóng”.
Hình ảnh phụ huynh bốc thăm cho con vào học mầm non, hay xếp hàng, chen nhau giành suất học cho con vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 đã cho thấy một sức ép lớn về trường lớp, về “chỗ học” cho học sinh tại các đô thị lớn.
Khi hệ thống giáo dục công lập quá tải sĩ số, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập là cách hữu hiệu có thể san sẻ gánh nặng, tuy nhiên, phải làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa chi phí mà phụ huynh phải bỏ ra tại trường công và tư, để nhiều người học có thể tiếp cận?
Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Thông tin phụ huynh xếp hàng để giành suất học cho con vào các trường trung học phổ thông tại Hà Nội trong thời gian qua đã được báo chí phản ánh. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các khu công nghiệp tại một số tỉnh thành, có dân số cơ học tăng rất nhanh, vì vậy, áp lực vào trường công lập cũng ngày càng tăng lên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NVCC. |
Mặc dù, một số địa phương cũng có khá nhiều trường tư thục, song, không phải gia đình nào cũng tiếp cận với trường tư, thường với hai băn khoăn chủ yếu: một là vấn đề học phí, và hai là chất lượng của các trường tư thục. Bởi thế, mới có tình trạng phụ huynh cố hết sức cho con vào trường công lập. Tất nhiên cũng có số ít trường tư thục đã được đánh giá là có chất lượng tốt và vừa phải với mức thu học phí, có thể thu hút được người học”.
Nữ đại biểu cũng phân tích: “Nếu các trường tư được đầu tư tốt hơn, có thể hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù như ưu tiên bố trí quỹ đất hoặc giảm trừ thuế, sẽ có cơ sở để giảm học phí cũng như đầu tư nhiều hơn vào chất lượng đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng đào tạo.
Khi đó, phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi quyết định cho con em học trường tư, như vậy, hệ thống giáo dục tư thục sẽ “chia lửa” được với hệ thống giáo dục công lập”.
“Và dù là phát triển giáo dục công lập hay ngoài công lập, vấn đề cần chú trọng nhất vẫn là chất lượng. Khi giải quyết được cho trẻ có nơi học, chất lượng giáo viên, phương pháp đào tạo hay môi trường học tập thân thiện, tích cực, lành mạnh giúp trẻ phát triển... đều là những điều mà các nhà trường dù công hay tư phải quan tâm, chú trọng” - Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Trước vấn đề quá tải trường công cho học sinh tại nội đô, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bày tỏ quan điểm về chính sách đất đai cho giáo dục hiện nay.
Giáo sư Đặng Hùng Võ thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, các khu dân cư tập trung ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất mạnh. Điều này không chỉ gây ra tắc nghẽn giao thông mà còn ảnh hưởng lớn đến hệ thống giáo dục trên địa bàn. Năm nay, số lượng thí sinh thi vào lớp 10 trúng tuyển còn có phần hạn chế so với tổng số lượng học sinh. Đây là một vấn đề “nóng” nhất hiện nay.
Có thể nói, chỉ có một số khu đô thị tập trung lo lắng và giải quyết được chuyện trường lớp cho con em của dân cư. Còn lại, rất nhiều nơi, các chủ đầu tư lẻ không quan tâm đến chuyện tạo ra cơ sở giáo dục cho chính cư dân của tòa nhà. Từ đó, tạo ra gánh nặng rất lớn cho các trường công lập trong khu vực, không tải nổi khi số lượng học sinh tăng lên quá nhanh.
Đã đến lúc, phải thực hiện quy hoạch chung đối với giáo dục cho cư dân ở các khu đô thị tập trung mới không có cơ sở giáo dục tại chỗ. Có thực tế là khu đô thị đã được quy hoạch xong nhưng khi các nhà đầu tư vào những khu đô thị lại đề nghị điều chỉnh quy hoạch, “cắt xén”, thậm chí chiếm cả quỹ đất giáo dục, có nhiều nơi cũng không tư duy về giải quyết vấn đề giáo dục cho trẻ...”.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bày tỏ quan điểm về chính sách đất đai cho giáo dục. Ảnh: NVCC. |
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những cách để giải quyết bài toán thiếu trường lớp như hiện nay, chính là phát triển giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, theo ông, các trường tư ở Việt Nam hiện nay thường xác định mức thu quá lớn, cao hơn rất nhiều so với cơ sở giáo dục công lập, không phù hợp với hiện trạng thu nhập của người lao động.
“Hầu hết các gia đình không chịu nổi mức thu của các trường tư thục, do thu nhập của mỗi người dân còn khiêm tốn.
Chính vì vậy, đây là lúc, chúng ta phải cân đối cách phát triển giáo dục tư nhân để vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo sức chịu tải về mặt tài chính của của người lao động. Nếu không, chuyện quá tải của hệ thống giáo dục công sẽ ngày càng nghiêm trọng, trong khi giáo dục tư cũng phát triển nhưng lại theo hướng chi phí cao hơn rất nhiều so với giáo dục công, không nhiều gia đình tiếp cận được” - ông Võ phân tích.
Miễn giảm thuế, giao đất là cần thiết và hoàn toàn có thể làm được
“Việc đổi mới để phát triển giáo dục tư thục là rất đúng, vấn đề là phải nghiên cứu kỹ để đổi mới như thế nào?” - Giáo sư Đặng Hùng Võ đề cập.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, giai đoạn 2005-2010, Nhà nước đã từng có chính sách cho thuê đất không thu tiền đối với đất đầu tư cho giáo dục tư thục, nhưng đến nay đang bị thu hẹp dần, lại phải chọn lọc theo một số tiêu chí. “Tôi cho rằng, phải xem xét kỹ lại một lần nữa, vì sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam” - ông bày tỏ.
“Ở một số nước trên thế giới, coi phát triển giáo dục tư thục là chủ yếu, nhưng giá lại rất mềm mỏng nên thu hút được sự quan tâm và đóng góp của nhiều phụ huynh một cách nhanh chóng; không giống như ở Việt Nam, giáo dục tư thục, đa số có giá cao, không phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Chúng ta đang cần những hệ thống giáo dục tư thục đảm bảo chất lượng mà không phải song song với việc phụ huynh phải đóng góp những chi phí phụ quá lớn, chỉ cần đủ chi phí để truyền tải được giáo dục đến học sinh.
Vì thế, phải có nhiều chính sách để làm được điều này. Trong đó, tôi cho rằng, miễn giảm thuế, giao đất là cần thiết và hoàn toàn có thể làm được. Làm như vậy, các cơ sở giáo dục tư thục của chúng ta mới có chỗ đứng và có khả năng phát triển tốt” - Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để tạo điều kiện phát triển giáo dục, cần có quy định riêng chính sách đặc thù về đất đai cho lĩnh vực giáo dục.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga chỉ ra: “Hiện nay, quy hoạch đất cho giáo dục tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn, chính sách xã hội hóa giáo dục còn rất nhiều khó khăn, vướng nhất là do chính sách đất đai, đất giáo dục cao, nhà đầu tư thuần giáo dục cũng khó đạt được. Quy định về đất giáo dục trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thể hiện được các vấn đề đặc thù, chính sách riêng, cụ thể, rõ ràng, đủ mạnh cho xã hội hóa giáo dục...”.
Để tháo gỡ những vướng mắc về đất đai đối với giáo dục, đặc biệt là ưu tiên cho hệ thống giáo dục ngoài công lập, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh, cần quy định các điều riêng về đất cho giáo dục trong Luật Đất đai (sửa đổi) để thể hiện rõ các đặc thù trong chính sách và quản lý đất cho giáo dục; đồng thời cần quy định riêng hoặc bổ sung quy định về chính sách khuyến khích ưu tiên sử dụng đất cho phát triển giáo dục.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC. |
Theo đó, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đưa ra một số kiến nghị về chính sách đất cho xã hội hóa giáo dục: Thứ nhất, cần rà soát, phân định rõ ràng, không đánh đồng các cơ sở tư thục phi lợi nhuận với các tổ chức kinh tế.
Thứ hai, cần luật hóa các chính sách về đất đai đã được quy định tại các nghị quyết và văn bản pháp luật về xã hội hóa giáo dục thời gian qua.
Cụ thể, một số chính sách quan trọng như: Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…
Thứ ba, để tạo chính sách khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cần bổ sung quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Mặc dù dự thảo Luật đã quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện với 10 trường hợp, tuy nhiên, chưa có quy định cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận.
Đây là điểm bất cập chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về chính sách khuyến khích xã hội hoá nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội.
Thứ tư, hiện chính sách xã hội hóa đã có bước phát triển mới với việc phát triển các dự án theo quan hệ đối tác công-tư (PPP). Cần xem xét bổ sung các quy định về đất đai trong xây dựng và triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục”.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga trong một buổi thăm và làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập. Ảnh: NVCC. |
“Những chính sách ưu đãi tương tự là rất cần thiết đối với hệ thống giáo dục ngoài công lập, tạo bình đẳng công - tư, góp phần tạo “sức hút”, thu hút nhà đầu tư quan tâm đầu tư cho giáo dục, tránh thương mại hóa giáo dục.
Đồng thời, đó cũng là cơ sở để các trường tư thục, dân lập có thể giảm học phí, giảm các khoản thu, để giảm “gánh nặng” cho phụ huynh, người học cũng sẽ dễ dàng tiếp cận với khối tư thục hơn” - Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga bày tỏ.
Bên cạnh những chính sách ưu đãi nhằm phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng: “Không chỉ các trường tư thục, các trường nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các trường công. Chính vì vậy, phải phát huy được sức mạnh của các trường, các trung tâm này để san sẻ gánh nặng sĩ số cho trường công.
Hiện nay, công tác tuyên truyền về phân luồng sau trung học cơ sở đến cộng đồng, xã hội đang dần tích cực hơn, song, để phụ huynh, học sinh hiểu rõ môi trường phù hợp thì cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích, tư vấn.
Không phải chỉ đến khi học sinh bước vào lớp 9 mới bắt đầu tuyên truyền, mà ngay từ những năm ở lớp dưới, nhà trường cũng cần lồng ghép các chương trình hướng nghiệp để giới thiệu, tư vấn cho học sinh. Như vậy, các em mới hiểu rõ môi trường phù hợp với mình nhất, để không lãng phí thời gian học tập, phát huy được đúng sở trường và đóng góp tích cực cho xã hội.
Mặt khác, về chất lượng của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cũng phải “siết” chặt quản lý, có những tiêu chí kiểm tra, đánh giá rõ ràng, minh bạch, cũng như cơ quan có thẩm quyền phải thanh tra, kiểm tra chất lượng để phụ huynh và người học yên tâm hơn”.