Sáng ngày 21/7/2023, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục tổ chức Hội thảo khoa học “Những khó khăn, bất cập trong tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giải pháp khắc phục”.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Những khó khăn, bất cập trong tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giải pháp khắc phục”. |
Dự hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ - Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam; Nhà giáo Nguyễn Xuân Phương – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà; Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam; Nhà giáo ưu tú Ninh Văn Bình – đại diện nhóm cán bộ Trường Đại học Trà Vinh; Tiến sĩ Đỗ Thanh Tùng – đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lào Cai; Thạc sĩ Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Hoàng Quốc Long – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh;...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Cầu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Điều này được thể hiện khá rõ với việc ban hành các chính sách nhằm định hướng giáo dục nghề nghiệp sát với tình hình thực tiễn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Cầu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục phát biểu khai mạc tại Hội thảo. |
Cùng với những thành tựu quan trọng đạt được của giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều kết quả đáng tin cậy, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh trong phát triển kinh tế xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển từng bước theo hướng mở, lưu thông, cơ bản phù hợp xu thế phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước thách thức, bất cập không nhỏ. Do đó, hội thảo mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giáo dục nghề nghiệp của các nhà khoa học, nhà quản lý, thầy cô giáo.
Phát biểu báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục khẳng định, trước yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra thời cơ, thách thức mới đối với giáo dục nghề nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục phát biểu báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. |
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm tìm kiếm các giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các cơ quan chức năng đã ban hành các văn bản, Luật Giáo dục nghiệp,... nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực của giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, việc ban hành nhiều văn bản, cùng với các yếu tố khách quan, chủ quan khiến nảy sinh vấn đề bất cập gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong thực tiễn, mặc dù các hoạt động giáo dục nghề nghiệp diễn ra rất quyết liệt nhưng không tương xứng, chậm phát triển, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động chia cắt, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp.
Hội thảo được tổ chức nhằm phát hiện khó khăn trong lý luận, thực tiễn giáo dục nghề nghiệp, từ đó đề xuất biện pháp khắc phục, kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và cơ quan chức năng ban hành quyết định điều chỉnh về phương thức quản lý phù hợp với thực tiến, tạo cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Hội thảo tập trung vào những vấn đề chính gồm: Những vấn đề lý luận về giáo dục nghề nghiệp; Thực trạng giáo dục nghề nghiệp; Giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Tham luận tại hội thảo với chủ đề: Những khó khăn, bất cập trong thực hiện nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, Thạc sĩ Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế từ việc sáp nhập một số trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn gặp nhiều bất cập.
Thạc sĩ Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo. |
“Việc đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên gặp nhiều khó khăn do có 2 cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh rất đa dạng. Trong báo cáo khảo sát thực tế cho thấy, sự tâm huyết đầu tư của thầy cô ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất lớn nhưng sự hỗ trợ, chia sẻ của nhà nước để xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp chưa tốt”, Thạc sĩ Đặng Minh Sự chia sẻ.
Cùng chia sẻ tham luận với chủ đề: Những khó khăn, bất cập trong quản lý, sử dụng kết quả đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Viết Vượng – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Các trường dạy nghề đang đổi mới phương pháp đào tạo, sử dụng hình thức đào tạo gắn với doanh nghiệp, khuyến khích học sinh tích cực, sáng tạo học tập.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Viết Vượng – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ góp ý tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, việc chọn nghề của học sinh ở các địa phương còn tự phát, chạy theo phong trào, vì chưa được giáo dục hướng nghiệp đầy đủ ở trường phổ thông, việc chọn nghề của học sinh phụ thuộc vào đặc điểm phát triển kinh tế từng địa phương.
Hiện nay, việc tuyển sinh vào các ngành, nghề cần năng khiếu hay các nghề nặng nhọc, độc hại đang gặp khó khăn vì thiếu ứng viên có đủ tư chất, nghị lực vượt khó”.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Viết Vượng, hiện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu kinh phí mua sắm, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị thực hành, eo hẹp kinh phí mua sách, tài liệu tham khảo và biên soạn chương trình giáo trình.
Việc liên kết giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp chưa chặt chẽ. Chương trình đào tạo chưa bám sát thị trường lao động nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu nghề đào tạo chưa bao quát toàn bộ kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những ngành nghề mới cần kỹ năng mới.
“Hơn 80% học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề tìm được việc làm. Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp sử dụng lao động, chất lượng đào tạo nghề chưa cao, một số học sinh sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tiếp tục đào tạo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Viết Vượng cho biết.