Với tâm lý chung hiện nay, học nghề không phải là lựa chọn số một của nhiều phụ huynh và học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, thường là học sinh có học lực tốp dưới, không có khả năng thi đậu vào trung học phổ thông mới lựa chọn học nghề.
Do vậy, không những việc tuyển sinh khó khăn mà việc “giữ chân” người học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là ở trường trung cấp lại càng khó hơn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Vũ Thị Tuyết, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa nêu ý kiến, hiện nay, vấn đề học sinh nghỉ học giữa chừng đang xảy ra tại nhiều trường trung cấp.
Theo đó, tỉ lệ học sinh của trường bỏ học khi vào học năm nhất rơi vào khoảng 15%, và khoảng dưới 10% vào năm học thứ hai.
Học sinh Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh trong kỳ thi tốt nghiệp (Ảnh: Website nhà trường). |
Về nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng này, cô Tuyết cho rằng, một số học sinh của trường do nhà có hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học đi làm sớm để phụ giúp gia đình; một số khác do các em chưa chuyên tâm vào chuyện học hành, không tích cực trong quá trình học tập.
“Khi xảy ra trường hợp học sinh nghỉ học, nhà trường đã gọi điện trao đổi với phụ huynh và có những buổi tư vấn trực tiếp để giúp các em hiểu được việc học nghề chuyên nghiệp, bài bản giúp cho bản thân mình thế nào.
Sau đó, có một số em tiếp tục quay lại học, tuy nhiên, một số khác do còn quá mải chơi nên dù gia đình có nỗ lực động viên, thuyết phục cũng không được”, cô Tuyết bày tỏ.
Được biết, để tránh sự nhàm chán trong quá trình học, Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa đã xây dựng chương trình học không bị mang tính hàn lâm nhiều mà chủ yếu là gắn sát với yêu cầu thực tế.
Theo đó, học sinh của trường sẽ được đi học thực hành trực tiếp tại các nhà xưởng, nhà hàng, khách sạn,… tùy theo đặc tính của từng ngành nghề. Không những vậy, trường cũng đẩy mạnh công tác quản lý học sinh, có những buổi trao đổi, hướng dẫn về các kỹ năng mềm cho các em,…
Cũng chia sẻ về công tác tuyển sinh những năm gần đây với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh cho hay, nguyên nhân chính của việc những học sinh học được một thời gian rồi bỏ giữa chừng này là do việc lựa chọn ngành nghề học của các em còn rất thụ động.
Khi chọn ngành học, nhiều em chỉ xuất phát từ sở thích, theo số đông bạn bè gần nhà, bạn bè cùng lớp hoặc theo ý của bố mẹ. Tuy nhiên, khi vào trực tiếp học chuyên môn của các nghề mới nhận ra mình không thích hợp với nghề đó.
Hơn nữa, một phần do nhiều bạn vừa học nghề vừa học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, do chương trình, lịch học dày. Việc phải học cả hai chương trình dẫn tới lượng kiến thức phải học quá nặng nên một số em phải bỏ giữa chừng.
Để khắc phục tình trạng này, thầy Ngọc chia sẻ, những năm gần đây, nhà trường đã phối hợp với các trường trung học cơ sở trên địa bàn làm công tác tuyên truyền định hướng cho học sinh lớp 9 về học nghề.
Đồng thời, khi thí sinh đến nộp hồ sơ, bộ phận tuyển sinh của nhà trường đã trao đổi, định hướng cho các em về tính chất của các nghề, quá trình học, thực tập và vị trí công việc của các nghề sau khi ra trường như thế nào để các em hiểu rõ hơn và từ đó lựa chọn được ngành học phù hợp với bản thân.
Nhờ vậy, căn cứ vào số liệu của nhà trường, 2 năm học gần đây, tỉ lệ học sinh bỏ học của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đã có chiều hướng giảm dần.
Mặt khác, về công tác tuyển sinh năm nay, thầy Ngọc cho biết, việc thực hiện tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn khá thuận lợi bởi có chính sách phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông của tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, trên địa bàn, tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào các trường trung học phổ thông công lập trung bình những năm gần đây là 70%, còn lại 30% vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Không những vậy, nhờ việc ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục và sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của Ban giám hiệu cũng như tập thể Nhà trường, và sự quan tâm ngày càng lớn của các bậc phụ huynh, học sinh, công tác tuyển sinh của trường đang được thực hiện tương đối thuận lợi. Đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển đạt khoảng 70% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc học nghề không phải là lựa chọn số một của nhiều phụ huynh và học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Bên cạnh đó có một bộ phận học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông lại lựa chọn đi xuất khẩu lao động, du học và đi làm lao động phổ thông luôn không tham gia học nghề và đa số muốn tìm một trường xa để học.
Thầy Ngọc mong rằng, để công tác tuyển sinh được thuận lợi hơn, nên đưa chương trình hướng nghiệp vào chương trình học từ khi học sinh đang học cấp trung học cơ sở.
Đồng thời, các phương tiện thông tin truyền thông, các ban ngành từ trung ương đến địa phương tăng cường tuyên truyền những lợi ích, hiệu quả của việc học nghề, loại bỏ những mặc cảm, tự ti của học sinh khi tham gia chương trình học nghề (so với học trường trung học phổ thông chính quy hoặc học đại học)