Trong năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Nông được giao bổ sung 115 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Tuy nhiên, đối chiếu với định mức giáo viên ở từng cấp học và quy mô học sinh tăng theo từng năm, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn đang thiếu giáo viên ở bậc mầm non, phổ thông.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã có những chia sẻ về tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp khắc phục.
Ông Phan Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông). |
Theo ông Hải, hiện nay, trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang thiếu giáo viên so với định mức quy định tại Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Tổng số giáo viên, nhân viên còn thiếu trong toàn ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông là 1.027 người. Trong đó, thiếu 606 giáo viên và 421 nhân viên.
Cụ thể, bậc mầm non thiếu 213 giáo viên, 38 nhân viên.
Bậc tiểu học thiếu 194 giáo viên, 155 nhân viên.
Bậc trung học cơ sở thiếu 77 giáo viên, 155 nhân viên.
Bậc trung học phổ thông thiếu 122 giáo viên, 73 nhân viên.
Về nguyên nhân của việc thiếu giáo viên, ông Hải cho rằng xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất, việc giao chỉ tiêu biên chế hiện còn thiếu so với định mức. Thứ hai, không có nguồn để tuyển dụng, nhất là ở một số môn học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học và tiếng Anh.
Từ thực trạng thiếu giáo viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông chia sẻ gặp nhiều khó khăn: "Thiếu giáo viên so với định mức không chỉ ảnh hưởng đến việc bố trí, phân công giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, nhất là môn tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học mà còn ảnh hưởng đến lựa chọn môn học của học sinh, trong đó có môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Do thiếu biên chế giáo viên nên một số địa phương của tỉnh thực hiện việc dạy kiêm nhiệm làm phát sinh nhiều kinh phí để chi trả giờ dạy thêm cho giáo viên.
Thiếu giáo viên cũng làm ảnh hưởng đến việc sắp xếp giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng và cử giáo viên đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định. Đồng thời, ảnh hưởng đến việc duy trì, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện".
Số giáo viên trúng tuyển thấp hơn số chỉ tiêu tuyển dụng
Về công tác tuyển dụng giáo viên của tỉnh, theo ông Hải, việc này được thực hiện theo phân cấp quản lý quy định tại Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 04/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên, nhân viên đối với cấp trung học phổ thông; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tuyển dụng giáo viên, nhân viên đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: sau khi phòng giáo dục và đào tạo rà soát thực trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng cấp học, môn học sẽ đề xuất chỉ tiêu tuyển dụng. Trên cơ sở đó, phòng nội vụ tổng hợp tham mưu Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác thực hiện tuyển dụng giáo viên.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, sau khi rà soát thực trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng đơn vị trực thuộc sẽ xây dựng chỉ tiêu tuyển dụng ở đơn vị theo môn học.
“Việc phân cấp trong công tác tuyển dụng tạo thuận lợi cho các địa phương chủ động về thời gian, nguồn lực và các điều kiện khác, đảm bảo tính kịp thời, đúng vị trí việc làm cần tuyển dụng ở từng cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, qua công tác tuyển dụng giáo viên thấy, số giáo viên trúng tuyển thấp hơn so với số chỉ tiêu tuyển dụng. Một số môn học không tuyển dụng được hoặc rất ít người tham gia dự tuyển như: môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Thực tế, qua 2 năm đẩy mạnh tuyển dụng, ngành giáo dục tỉnh chỉ tuyển được 3 giáo viên Âm nhạc”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông Phan Thanh Hải chia sẻ
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông rà soát số lượng giáo viên ở từng cơ sở giáo dục, cấp học, môn học để xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên từ trường thừa, sang trường thiếu giáo viên.
Trong đó, thực hiện sử dụng, bố trí, quản lý số biên chế hành chính, sự nghiệp và số hợp đồng được giao của các cơ quan có thẩm quyền.
Tăng cường công tác phân công giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm ở các trường thiếu biên chế so với định mức.
Tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên trường học được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để chuyển đổi vị trí việc làm thành giáo viên.
Bố trí một giáo viên có thể dạy 02 trường trên cùng địa bàn; biệt phái giáo viên từ trường thừa, sang trường thiếu giáo viên.
Trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên so với số lượng người làm việc được cấp thẩm quyền giao, ngành giáo dục tỉnh tiến hành ký hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập và theo Công văn số 446/SNV-TCBM ngày 29/3/2023 của Sở Nội vụ về việc triển khai thực hiện Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh cũng tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên học văn bằng 2 sư phạm về chuyên ngành tiếng Anh, Tin học để bố trí dạy các môn này ở cấp tiểu học. Thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm đảm bảo tổ chức dạy học môn tiếng Anh, Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023.
Chi tiết, ông Hải cho hay: “Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh đã điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp trung học cơ sở tham gia dạy cấp tiểu học.
Xây dựng phương án di chuyển học sinh ở điểm trường lẻ đến điểm trường chính để học tiết thực hành môn Tin học (2 tháng tổ chức cho học sinh ở điểm lẻ học 1 buổi thực hành Tin học ở điểm trường chính).
Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng học bộ môn (phòng máy tính) theo hình thức liên trường, liên cấp học đối với các tiết học thực hành đảm bảo thuận lợi, khả thi, an toàn trong tổ chức hoạt động dạy học.
Thực hiện dạy học cuốn chiếu chương trình theo từng trường; dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền,…”.
Kiến nghị giao bổ sung chỉ tiêu biên chế
Với mục đích nhằm tháo gỡ khó khăn trong tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, để đảm bảo nhu cầu về đội ngũ giáo viên cho tới khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ổn định ở cả 3 cấp học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 04/6/2021 về việc ban hành Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Đắk Nông đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm học 2025-2026, số lượng người làm việc đề xuất giao cho cấp tiểu học là 4.840 người, cấp trung học cơ sở là 3.201 người, cấp trung học phổ thông là 1756 người.
Thứ hai, căn cứ Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ, các phòng giáo dục và đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch của giáo viên dạy môn văn hóa cơ bản (môn chung) có trình độ cơ bản về môn Tin học tham gia đào tạo, bồi dưỡng để bố trí dạy môn văn hóa cơ bản và môn Tin học.
Thứ ba, đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét không cắt giảm cơ học 10% số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh Đắk Nông.
Thứ tư, giao bổ sung số lượng chỉ tiêu cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để tỉnh tuyển dụng thêm giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập còn thiếu giáo viên.