Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Đề xuất này được nhiều người trong cuộc ủng hộ.
Được xếp vào nhóm ngành nghề là sự ghi nhận của xã hội
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thanh Nga - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nêu quan điểm:
“Giáo viên mầm non là công việc có tính đặc thù. Nếu giáo viên các cấp từ tiểu học trở lên tiếp xúc với học sinh thông qua phấn, bảng, bài giảng trên lớp là chủ yếu thì giáo viên mầm non lại giao tiếp nhiều hơn với học sinh của mình qua lời nói, tổ chức lớp… Bên cạnh đó, giáo viên mầm non không chỉ dạy mà còn đảm trách vai trò nuôi dưỡng khi phải chăm cả giấc ngủ, bữa ăn cho các con.
Cùng với đó, thời gian làm việc của các cô giáo mầm non cũng dài hơn so với giáo viên bậc học khác khi phải đến sớm hơn đón trẻ và về muộn hơn khi trả trẻ về với phụ huynh.
Với các giáo viên vùng cao, vùng sâu vùng xa còn vất vả hơn với điều kiện đi lại, cơ sở vật chất làm việc còn khó khăn…
Hơn nữa, giáo viên mầm non hiện nay cũng thiệt thòi hơn giáo viên các cấp học khác khi mức lương khởi điểm thấp (vì chuẩn trình độ đào tạo tối thiểu là cao đẳng – PV) nên cuộc sống có phần vất vả.
Cùng với đó, nếu theo quy định hiện nay, giáo viên mầm non sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, thậm chí 62 (với giáo viên nam) trong khi thầy cô phải múa hát, dạy cả mấy chục cháu là rất khó khăn và không thể đạt được chất lượng giáo dục đề ra.
Việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại giúp các cô có thể nghỉ hưu sớm cũng là một cách đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục xuyên suốt.
Với điều kiện đặc thù như vậy, nếu giáo viên mầm non được xếp vào nhóm ngành nghề độc hại, nặng nhọc cũng là một sự ghi nhận của xã hội đối với nghề này".
Giáo viên mầm non rất vất vả Ảnh minh họa: Lại Cường |
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cũng bày tỏ, cùng với việc xếp giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại mong các bộ, ban ngành có những quan tâm điều chỉnh để giáo viên mầm non cải thiện đời sống. Ngoài ra, điều kiện dạy học, nhà công vụ... tại các trường, điểm trường ở vùng cao đang thiếu rất nhiều.
Tháo gỡ khó khăn cho giáo viên mầm non cần nhiều chính sách
Cũng nêu quan điểm về việc xem xét giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ông Phạm Văn Phôi – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho rằng:
“Trước hết cần nhìn nhận cụ thể về công việc của giáo viên mầm non.
Đầu tiên, về thời lượng công việc, giáo viên mầm non thường phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày. Sáng sớm thầy cô đến trường trước trẻ em cả tiếng để dọn dẹp, trang bị phòng học, không nghỉ trưa (vì phải trông các cháu ngủ). Khi kết thúc giờ học, giáo viên mầm non lại phải chờ bao giờ phụ huynh đến đón trẻ hết thì mới được nghỉ. Với trẻ mầm non vùng cao vào ngày mùa, bố mẹ đi thu mùa thường đón trẻ muộn hơn, các cô giáo cũng phải đợi trò đến khi trò cuối cùng về, lúc đó mới kết thúc giờ làm việc.
Bên cạnh đó, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên mầm non thường làm đủ các công việc ngoài khác như trang trí phòng học, kiến thiết không gian học tập, sáng tạo đồ chơi cho các con…Số lượng giáo viên mầm non theo định mức còn cao khi có tối thiểu 2 cô/lớp học sinh với tối đa 35 cháu. Thường chỉ có thể bố trí được 2 cô/lớp. Các cháu hiếu động, các cô sẽ vô cùng vất vả.
Giáo viên mầm non phải làm việc nhiều tiếng 1 ngày, lương thấp. Ảnh minh họa: Lại Cường |
Về áp lực công việc, giáo viên mầm non cũng rất nặng nề khi phải chăm sóc các cháu đầy đủ chẳng hạn thời gian cho các cháu ăn phải đúng bữa; về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hoặc chỉ cần trẻ bị trầy xước cô giáo đã bị phụ huynh phàn nàn. Đã có nhiều trường hợp giáo viên bị trầm cảm vì họ phải chịu áp lực quá nặng nề.
Cuối cùng, giáo viên mầm non hiện nay đang phải hưởng mức lương thấp và thiệt thòi hơn các cấp học khác”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ phân tích.
“Bên cạnh việc ghi nhận giáo viên mầm non là nhóm ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại việc nâng cao đời sống giáo viên là việc cần làm mà các giáo viên mầm non vùng cao mong mỏi.
Việc di chuyển đến điểm trường xa các cô giáo không được phụ cấp đi lại, xe hỏng... gây tốn kém.
Cùng với đó, nhà ở công vụ cho giáo viên mầm non ở điểm trường lẻ cũng thiếu…
Khó khăn của giáo viên mầm non hiện nay còn rất nhiều. Rất mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện xây dựng chính sách giúp cải thiện đời sống giáo viên”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ đề xuất.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng các quyền lợi khác so với nghề thông thường về nghỉ hàng năm; thời gian hưởng chế độ ốm đau; được hưởng phụ cấp hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.Ngoài ra, nếu được coi là nghề nặng nhọc, nguy hiểm, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.