Dù công tác tuyển sinh đã được chú trọng và quan tâm hơn trong những năm gần đây, thế nhưng, theo lãnh đạo của một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, việc phải thực hiện hai hệ thống văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, thiếu biên chế giáo viên,... khiến các cơ sở gặp nhiều vướng mắc.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã An Nhơn (Bình Định) bày tỏ, khó khăn của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hiện nay là phải thực hiện cùng lúc hai hệ thống văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.
Việc chưa có văn bản thống nhất đã ảnh hưởng đến các chế độ chính sách cho các trung tâm như cách tính số tiết dạy của giáo viên thế nào, hệ số lương hưởng ra sao... dẫn tới nhiều vướng mắc, bất cập.
Học sinh tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Nam Định trong giờ học (Ảnh: Báo Nam Định). |
Về thực trạng hiện nay tại đơn vị, thầy Khánh cho biết, trung tâm đang gặp phải tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn văn hóa, tuy nhiên, việc thiếu giáo viên này đều được Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn cho phép tuyển dụng giáo viên hợp đồng để đảm bảo công tác giảng dạy.
Mặt khác, mặc dù trung tâm luôn được huyện quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy và học, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trước kia, trung tâm có 2 cơ sở nhưng đến nay chỉ còn 1 (1 cơ sở được dùng làm khu cách li chống dịch, nay đã được Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh xin về làm khu dưỡng lão cho người già). Do đó, hiện trung tâm đang thiếu phòng học tập, phòng chức năng cũng như kí túc xá cho học sinh.
Để khắc phục vấn đề này, vừa qua, Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết trình lên Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định để trung tâm được chuyển đến một cơ sở khác trên địa bàn đảm bảo về diện tích, phòng học. Thầy Khánh mong rằng, việc chuyển cơ sở sẽ sớm được triển khai để không ảnh hưởng đến công tác đào tạo, dạy và học của trung tâm.
Trong khi đó, theo cô Lê Thị Thuyết, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nam Trực (Nam Định) cho biết, công tác tuyển sinh của trung tâm gặp phải một số khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều cơ sở đào tạo trong cùng một địa bàn.
Cô Thuyết cho hay, ở huyện Nam Trực có tới 4 trường trung học phổ thông công lập, 2 trường tư thục nên việc cạnh tranh giữa trung tâm với các trường phổ thông là rất lớn.
Tuy nhiên, nhờ sự gây dựng uy tín những năm gần đây qua việc không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, phân luồng học sinh để có cách dạy học cho phù hợp, đội ngũ giáo viên rất tâm huyết, những năm gần đây, trung tâm luôn tuyển sinh đảm bảo chỉ tiêu được giao. Nhờ đó, trung tâm còn đã có những em thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 25 đến 26 điểm.
Chính vì vậy, công tác tuyển sinh của đơn vị đã thuận lợi nhiều hơn, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị có khoảng 730 học sinh cho cả 3 khối lớp.
Bên cạnh đó, về tình hình đội giáo ngũ giáo viên của trung tâm, cô Thuyết cho biết, với số lượng học sinh tương đối lớn như hiện nay, đơn vị vẫn còn thiếu một số giáo viên cho các môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Theo cô Thuyết, mặc dù tiếng Anh không nằm trong môn học bắt buộc của chương trình học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, với nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh đang ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, số lượng biên chế giáo viên tiếng Anh của trung tâm chỉ có hai người sẽ khó có thể đáp ứng được.
Chính vì vậy, đối với các môn học đang thiếu giáo viên, trung tâm luôn cố gắng sắp xếp một cách hợp lý để đảm bảo đủ giờ học cho các em học sinh, ví như, nếu giáo viên đã dạy đủ 17 tiết vẫn có khả năng dạy thêm có thể dạy thêm hoặc thuê giáo viên tại các trường trung học phổ thông lân cận đến dạy học.
Không những vậy, từ sau khi sáp nhập đến nay, trung tâm có thêm chức năng dạy nghề cho lao động nông thôn, trung bình mỗi năm, đơn vị mở được khoảng 3 – 5 lớp học nghề tùy theo nhu cầu như nghề hàn, công nghệ thông tin,….
Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có giáo viên cơ hữu dạy nghề (sau khi sáp nhập, chỉ còn 2 giáo viên dạy nghề) nên hầu như đơn vị đều phải thuê giáo viên dạy hợp đồng để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Cũng theo cô Thuyết, việc đề xuất xin thêm biên chế cho một số giáo viên đối với Ủy ban nhân dân huyện cũng không phải dễ dàng.
Ngoài ra, về cơ sở vật chất, cô Thuyết bày tỏ, việc thực hiện công tác xã hội hóa để nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khó khăn hơn so với các trường trung học phổ thông. Bởi, có nhiều học sinh của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vốn có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm, các cán bộ, giáo viên trung tâm đều đóng góp để hỗ trợ thêm chi phí học tập cho các em.