Hải Phòng là địa phương hội tụ đầy đủ năm loại hình giao thông: cảng biển cửa ngõ quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam-Trung Quốc, cùng hệ thống giao thông đường bộ kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn của vùng và khu vực, Hải Phòng đã và đang phát huy hiệu quả thế mạnh hiện có này.
Với hạ tầng cảng biển được đầu tư hiện đại, hiệu quả, đặc biệt sự ra đời của bến cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện cho phép tiếp nhận các tàu thuyền trọng tải lớn đi thẳng đến các châu lục Âu, Mỹ đã tạo động lực cho Hải Phòng thúc đẩy hình thành, mở rộng các cụm công nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI lớn.
Hải Phòng sắp có loạt đô thị cảng biển (Ảnh: CTV) |
Điển hình là các Khu công nghiệp: Khu công nghiệp Nomura hoạt động từ năm 1994, quy mô 153 ha; Tổ hợp khu công nghiệp Deep C - Hải Phòng quy mô hiện nay lên đến 3,400 ha, trở thành khu công nghiệp mũi nhọn, thu hút gần 100 nhà đầu tư đến từ các nước Mỹ, thuộc Châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,…; KCN Đồ Sơn quy mô 150ha; Khu Công nghiệp Tràng Duệ với quy mô 687ha, đã thu hút trên 60 dự án trong và ngoài nước, tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 5 tỷ USD, trong đó thu hút nhà đầu tư lớn là Tập đoàn LG (Hàn Quốc).
Ngoài ra Hải Phòng còn có các Khu công nghiệp khác như An Dương, Cầu Kiền, Nam Cầu Kiền, Nam Đình Vũ, VSIP, Tràng Cát; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu...
Vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định số 323/QĐ - TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước đây, khi chưa có Quyết định 323, mọi hoạt động kinh doanh bất động sản, cho thuê đất làm khu công nghiệp, khu chế xuất và các vấn đề liên quan đều nằm chờ. Trong vòng 2- 3 năm khi TP chờ Quyết định 323, không ít nhà đầu tư sinh ra tâm lý e ngại và nản lòng vì thực sự họ muốn đầu tư nhưng không làm được vì phải chờ quy hoạch. Đến nay đã có quy hoạch nên các nhà đầu tư yên tâm hơn rất nhiều.
Ví dụ, Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải được Chính phủ chủ trương mở rộng sang phía huyện An Lão khoảng 600ha. Trước đây, mặc dù có chủ trương nhưng chưa có quy hoạch, nên các nhà đầu tư dù rất muốn thuê đất để đầu tư nhưng lại không dám. Đến nay khi có quy hoạch thì các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã lập tức chuẩn bị các thủ tục để đầu tư.
Khi có quy hoạch, sẽ có nhiều dự án được đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời Hải Phòng đã đề nghị với Chính phủ xây dựng Cảng Nam Đồ Sơn để đón được nhiều tàu, thuyền đến thành phố hơn mặc dù hiện tại cảng Đình Vũ, Lạch Huyện chưa quá tải, nhưng thành phố sẽ chuẩn bị trước để có thể đón được lượng hàng hóa và du khách về Hải Phòng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, từ Quyết định 323, Hải Phòng sẽ khẩn trương đề nghị với Quốc hội thành lập thành phố Thủy Nguyên trong thành phố Hải Phòng, đến năm 2025 huyện An Dương lên quận. Hoặc điều chỉnh địa giới hành chính, ví dụ một số xã của huyện An Dương sẽ sang quận Hồng Bàng nhằm mở rộng địa giới hành chính của quận Hồng Bàng lên phía Bắc thành phố Hải Phòng.
Đặc biệt, trong quy hoạch này, Chính phủ đưa vào Sân bay Quốc tế của thành phố Hải Phòng, thậm chí có thể dự bị cho sân bay Nội Bài là Cảng Hàng không Quốc tế Tiên Lãng vì đây là một vùng đất phù sa bồi đắp rất rộng lớn với diện tích lên tới 600 héc ta. Đưa vào tuyến đường bộ cao tốc ven biển giữa Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Thanh Hóa, từ đó hình thành các cụm công nghiệp, cụm chế xuất cộng với cảng Nam Đồ Sơn.
Các cụm công nghiệp nêu trên đã đang và hứa hẹn thu hút lượng lớn các Nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hạ tầng cảng biển đồng bộ với giao thông tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng (Ảnh: LT) |
Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, cảng biển Hải Phòng đến năm 2030 cho phép tiếp nhận các tàu thuyền trọng tải lớn hơn tại khu bến cảng Lạch Huyện (tàu container 6.000 ÷ 18.000 TEU, tàu tổng hợp, hàng rời đến 100.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT), di dời khu sông Cấm mở rộng về khu vực Nam Đồ Sơn – Văn Úc.
"Các nội dung phát triển cảng biển Hải Phòng trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển đang được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam triển khai cụ thể hóa bằng các quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng.
Quy hoạch trên được triển khai trong thực tế sẽ tạo ra những dư địa, những lợi thế mới cho Hải Phòng và các địa phương lân cận thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội", ông Tuấn cho hay.
Để cảng biển phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế, ông Tuấn cho rằng, Hải Phòng cần giải quyết thấu đáo, kịp thời việc khai thác đồng bộ cảng biển với hạ tầng giao thông kết nối.
Đảm bảo ổn định cho người lao động và hài hòa lợi ích doanh nghiệp khi di dời các bến cảng trên Sông Cấm.
Chú trọng công tác lựa chọn các nhà đầu tư, khai thác cảng để vừa đảm bảo năng lực đầu tư, khai thác cảng biển vừa kết nối hiệu quả với chuỗi cung ứng, logistics vùng.
Theo đó, ông Tuấn đề nghị Uỷ ban nhân thành phố Hải Phòng sớm chỉ đạo có giải pháp đầu tư cụ thể đối để khai thác tuyến đường sau các bến cảng đồng bộ với các bến cảng ở Lạch Huyện;
Có đề án đánh giá các tác động và đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp đảm bảo đời sống cho người lao động cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cảng ổn định sản xuất.
Thành phố và Bộ Giao thông vận tải xem xét bố trí nguồn vốn để triển khai nghiên cứu khả năng phát triển cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn – Văn Úc.