TPHCM hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023-2024, giáo viên, nhà trường cần lưu ý gì?

15/08/2023 09:35
Ánh Dương
GDVN- Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để dạy Chương trình mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Công văn 4284/SGDĐT-GDTrH gửi các đơn vị trực thuộc về việc hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023 - 2024.

Theo đó, Công văn này có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Lã Tiến/giaoduc.net.vn)

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Lã Tiến/giaoduc.net.vn)

Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học

Thứ nhất, cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và kế hoạch giáo dục nhà trường theo sự phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Lãnh đạo cơ sở giáo dục giao quyền tự chủ tổ/bộ môn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình môn học theo chương trình phổ thông hiện hành với các nội dung đã tinh giảm theo định hướng đổi mới dạy học và trên cơ sở hướng dẫn, phê duyệt, theo dõi, giám sát bằng công nghệ thông tin.

Thứ hai, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày, thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 2848/GDĐT-TrH ngày 06/9/2019 về hướng dẫn thực hiện chương trình dạy học và hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2019 - 2020.

Thứ ba, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hoạt động dạy học kết hợp trực tiếp với dạy học hệ thống quản lý học tập LMS và học liệu số e-learning tương tác;

Xây dựng các khóa học trực tuyến làm nền tảng để hoàn thiện kho học liệu số góp phần xây dựng xã hội học tập, khuyến khích người dân học tập suốt đời một cách thông minh, trên nền tảng của công nghệ truyền thông, mạng Internet.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động, tích cực, và sáng tạo của học sinh; đẩy mạnh hoạt động chuyên đề, tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh;

Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp cụm, cấp quận và cấp thành phố để bồi dưỡng, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện hỗ trợ giữa nội thành với ngoại thành và các vùng còn khó khăn.

Thứ năm, tổ chức các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, lồng ghép định hướng nghề nghiệp. Khuyến khích học sinh nghiên cứu các ứng dụng trong đời sống thực tiễn thông qua các dự án nhỏ và vừa, phù hợp lứa tuổi.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm học thuật trong nhà trường làm nền tảng cho hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học;

Đẩy mạnh giáo dục STEM, STEAM (theo Văn bản số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020) và từng bước thí điểm hoạt động giáo dục “Trí tuệ nhân tạo – AI” trong trường phổ thông.

Thứ sáu, triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030” theo Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ bảy, thực hiện đổi mới đánh giá học sinh, nâng cao chất lượng kiểm tra định kỳ (quy chế tổ chức; đề kiểm tra xây dựng ma trận đề đảm bảo các mức độ theo quy định; áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá).

Tiếp tục tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 11 làm cơ sở để đánh giá tình hình học tập và điều chỉnh kịp thời việc giảng dạy và đánh giá học sinh.

Thứ tám, tham mưu triển khai đề án, kế hoạch chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định; tổ chức dạy tin học theo các chuẩn quốc tế.

Thứ chín, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ, an toàn, chất lượng và bình đẳng; tăng cường các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, kĩ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kĩ năng tự bảo vệ bản thân, ý thức giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân cho học sinh.

Thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua của của ngành, của Thành phố phù hợp điều kiện từng đơn vị, cơ sở giáo dục.

Thứ mười, thực hiện Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tốt theo đúng qui định của Chương trình giáo dục phổ thông; phân công giáo viên phù hợp với chuyên môn; trong tổ chức hoạt động có quy mô theo khối lớp hoặc toàn trường cần phân công rõ người chủ trì, người phối hợp từ đó xác định nhiệm vụ của từng giáo viên được phân công.

Các nhà trường cần lưu ý điều gì từ Công văn 4284/SGDĐT-GDTrH?

Người viết - là giáo viên trung học phổ thông, nhận thấy Công văn số 4284/SGDĐT-GDTrH không quy định giáo viên phải soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu nào.

Thay vào đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường phổ thông tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp cụm, cấp quận và cấp Thành phố.

Nếu các nhà trường phổ thông tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học một cách bài bản, theo người viết, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc dạy và học.

Bởi vì, mục đích của nghiên cứu bài học là tìm hiểu những gì học sinh nghĩ, những gì học sinh tư duy để có những phương pháp dạy cho phù hợp chứ không phải là một bài học biểu diễn.

Tất cả giáo viên viên trong nhóm đều phải có những đóng góp và các ý tưởng đó cần phải được tôn trọng. Do vậy, bài học là thuộc về cả nhóm chứ không phải của riêng người dạy.

Cùng với đó, nghiên cứu bài học là để cải tiến nội dung dạy học cụ thể nên thông qua quá trình hợp tác với các giáo viên trong nhóm, họ hiểu sâu hơn về nội dung kiến thức của bài học vì chính họ phải đào sâu suy nghĩ hơn và được bổ sung từ ý kiến của những người khác, qua đó năng lực sư phạm của họ được cải thiện.

Giáo viên phải cùng nhau thảo luận về những biểu hiện có thể có ở học sinh trong quá trình học để có những phương pháp dạy học cho phù hợp.

Bên cạnh đó, nghiên cứu bài học đặt trọng tâm vào học tập của học sinh. Thông qua quan sát và thảo luận về những gì đang xảy ra trong lớp học, cách học sinh biểu hiện với các tác động, giáo viên tham gia có nhận thức đầy đủ hơn về cách học sinh học và suy nghĩ cũng như cách học sinh hiểu bài, đáp lại những cái giáo viên dạy.

Ngoài ra, tham gia nghiên cứu bài học giúp giáo viên nâng cao kĩ năng thiết kế công cụ dạy học để làm cho học tập và tư duy của học sinh trở nên dễ hiểu đối với giáo viên và có thể nhìn thấy được.

Nghiên cứu bài học thúc đẩy, duy trì sự hợp tác giữa các giáo viên, giúp họ phát triển kĩ năng làm việc nhóm, góp phần phát triển không khí hợp tác, đoàn kết trong nhà trường.

Có thể khẳng định, nghiên cứu bài học có tính ưu việt hơn so với các hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ khác.

Đó là, nghiên cứu bài học xuất phát từ thực tiễn cần giải quyết những khó khăn thực tiễn trong lớp học của giáo viên. Thông qua nghiên cứu bài học giáo viên được hợp tác cùng nhau, làm việc cùng nhau để xây dựng một kế hoạch bài học hoàn chỉnh.

Tài liệu tham khảo:

https://hcm.edu.vn/thong-bao/huong-dan-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024/ctfull/41000/72165

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương