Chiều 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục có cuộc gặp gỡ với giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, cao đẳng ngành mầm non.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, ban tổ chức đã nhận được hơn 200 ý kiến liên quan đến các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục đại học. Trong đó, các ý kiến đến từ giảng viên là 144, chiếm tỷ lệ 62,0%; nhân viên trường học là 51, chiếm 22,2%, còn lại là cán bộ quản lý.
Mỗi giảng viên được cấp 10-15 triệu đồng/năm để nghiên cứu khoa học
Trao đổi ý kiến tại chương trình “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục”, đại diện đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Tiến sĩ Đinh Thị Minh Hằng chia sẻ một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học.
Theo Tiến sĩ Hằng, nghiên cứu khoa học và đào tạo là 2 nhiệm vụ quan trọng trong các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, thực tế sự đầu tư cho khoa học công nghệ hiện nay chưa thật sự tạo động lực cho đội ngũ nhà khoa học trong nghiên cứu.
Tiến sĩ Đinh Minh Hằng – Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội |
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đơn vị có 636 giảng viên; trong đó có 424 Tiến sĩ, 128 Giáo sư, Phó giáo sư. Mỗi năm, trường được đầu tư khoảng 6-8 tỷ đồng/năm; tức mỗi giảng viên có từ 10 - 15 triệu đồng/năm để nghiên cứu khoa học. Với sự đầu tư này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị thuộc nhóm 5 trường được đầu tư nghiên cứu khoa học cao nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dù vậy, nhìn nhận thực tế, cô Hằng nhận định đây là con số chưa đủ lớn để tạo động lực, thu hút các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu.
Chia sẻ thêm, đại diện đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở các nhà trường (trường đại học, cao đẳng) hiện còn khá nhỏ lẻ. Do đó, cần có những đề xuất và giải pháp liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học.
Vị giảng viên đề xuất giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đặt hàng để giải quyết các vấn đề của Bộ hay xã hội, tùy thuộc vào thực tế nhà trường và năng lực của mỗi nhà khoa học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học để đạt được hiệu quả nghiên cứu.
"Vì vậy, mong Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các giải pháp, chính sách ra sao để tạo động lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học" - cô Đinh Minh Hằng đề xuất.
Về ý kiến của cô Đinh Thị Minh Hằng, Bộ trưởng chia sẻ sự đồng tình về vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo Bộ trưởng, khoa học và nghiên cứu khoa học là yếu tố mang tính nền tảng, cốt lõi, đặc biệt với trường đại học nghiên cứu.
Trong quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.
Về kinh phí, lãnh đạo Bộ thừa nhận đây là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ, khó khăn hiện nay là kinh phí nhà nước còn hạn chế.
Liên quan đến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt hàng nghiên cứu của cô Hằng, Bộ trưởng nhận định việc đặt hàng là đúng và cần thiết, nhưng nên hướng sang các đối tượng là doanh nghiệp, các địa phương.
“Ngay đến kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng rất có hạn. Hơn nữa, Bộ chỉ đặt hàng các nghiên cứu cơ bản, những nghiên cứu liên quan đến giáo dục, quản lý giáo dục,... Đề xuất việc đặt hàng nghiên cứu khoa học là đúng, nhưng có lẽ nên hướng sang các đối tượng khác như doanh nghiệp - những đơn vị có nhiều nguồn lực về kinh tế hơn. Đây cũng là nhóm sẽ có nhu cầu nghiên cứu sát với thực tiễn đời sống hơn”, Bộ trưởng Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi gặp gỡ |
Theo Bộ trưởng, vấn đề gốc rễ của việc tạo động lực, khuyến khích quan trọng trong nghiên cứu khoa học chính là việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Lãnh đạo Bộ cho biết, trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc nhiều hơn về vấn đề này, nhằm có hướng giúp giải phóng năng lượng sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên, các nhà khoa học.
Xã hội chưa hiểu đúng về tự chủ nên còn nghi ngờ, phàn nàn học phí
Cũng phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thị Huyền, Trưởng Phòng Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh tới việc truyền thông về tự chủ đại học.
Đại diện đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, tự chủ là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên xã hội vẫn chưa hiểu đầy đủ về khái niệm tự chủ. Khi nhắc đến tự chủ, công chúng chủ yếu tập trung tới tài chính, trong khi đó lại ít chú trọng tới các khía cạnh khác như về nhân sự, học thuật,...
Vị giảng viên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chung tay với các trường truyền thông về tự chủ đại học. Cần nhấn mạnh tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường. Trong đó, không nhấn mạnh tự chủ tài chính, mà trước tiên phải nhấn mạnh tới khía cạnh học thuật.
Tự chủ đại học về mặt học thuật giúp tạo điều kiện cho trường đại học phát triển các chương trình đào tạo riêng biệt, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mà các chương trình đào tạo hiện có khó đáp ứng được.
Tự chủ về mặt nhân sự giúp tạo điều kiện để các trường được chủ động mời các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học thành danh ở nước ngoài về làm việc để chúng ta nâng tầm giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
Cuối cùng về mặt tài chính, tự chủ là cơ hội để các trường tự chủ hơn trong đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực từ xã hội để xây dựng không gian học thuật mang tầm quốc tế.
Vị giảng viên nhấn mạnh, với chất lượng cao đó, việc thu đúng thu đủ học phí là cần thiết. Khi đó, người học và xã hội sẽ không còn nghi ngờ, phàn nàn về học phí hay tư duy tự chủ là tự do, tự lo ở các trường đại học như hiện nay.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thị Huyền, Trưởng Phòng Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân |
Ngoài ra, cô Huyền cũng chia sẻ thêm, sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường. Vị giảng viên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới.
Về vấn đề tự chủ đại học, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, Việt Nam đã thực hiện hơn 30 năm với khởi đầu là sự ra đời của 2 đại học quốc gia. Và đến nay, qua nhiều năm phát triển, nhiều trường đại học đã tự chủ rất cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh một trong những điểm vướng, khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học là vấn đề về thể chế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34), Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật đã quy định nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, vẫn còn có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác, khiến cho quyền tự chủ của giáo dục đại học rất khó thực hiện một cách đầy đủ.
Ở góc độ điều chỉnh về mặt thể chế để tiếp tục mở đường tự chủ đại học phát triển, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang điều chỉnh Nghị định 99. Theo kế hoạch, dự kiến năm 2024, Chính phủ sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sửa đổi Luật 34/2018.
Bộ trưởng Sơn chia sẻ, vẫn chưa có sự thống nhất, hiểu đầy đủ về tự chủ; có nơi hiểu chưa hết, nên không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm. Những cách hiểu đó đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện.
Nhấn mạnh thêm, người đứng đầu ngành giáo dục nói: “Đến thời điểm này, các cơ quan, trung ương đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm tự chủ không phải là tự túc, tự lo liệu về kinh phí. Tự chủ đối với giáo dục vẫn cần phải có sự đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào thì đầu tư, đầu tư theo cách gì? Đây vẫn còn là câu chuyện phải tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới”.