Ngày 19/8, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là lần đầu tiên hội nghị được triển khai quy mô lớn với đầy đủ các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở và cán bộ quản lý giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông.
Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực
Nhìn lại năm học 2022-2023 dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trong toàn tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa với tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 89,19%.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học so với các năm học trước. Đặc biệt, số học sinh của tỉnh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia chiếm 65,56% số thí sinh dự thi, cao nhất trong 5 năm qua. Tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 13/69 đơn vị dự thi với tổng số 59 giải, tăng 11 giải so với năm học 2021 – 2022.
Năm học 2022 - 2023, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh Quảng Ninh đã triển khai tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng (Ảnh: PL) |
Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao. Hiện nay, Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Bên cạnh đó, các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2023 được tổ chức tốt. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đạt tỷ lệ 97,7%.
Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng có chuyển biến mạnh mẽ. Công tác xây dựng xã hội học tập đã lan tỏa và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục – Đào tạo cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn như: tình trạng thiếu giáo viên; sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền; sự chênh lệch về điều kiện học tập và chất lượng giáo dục giữa hệ thống các trường công lập và hệ thống các trường tư thục; kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn khoảng cách không nhỏ giữa các loại hình trường, các vùng miền, các môn học.
Nhiều địa phương, đơn vị có tỷ lệ điểm thi dưới trung bình ở mức cao cho thấy sự đáp ứng yêu cầu của chương trình còn ở mức độ thấp; kết quả học bạ và kết quả thi của một số cơ sở giáo dục nhất là nhóm giáo dục thường xuyên, tư thục và các địa phương ở vùng không thuận lợi còn có độ lệch lớn cho thấy việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ chưa thật sát với trình độ, năng lực học sinh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh biểu dương, ghi nhận những thành tích vượt khó và kết quả đạt được trong đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 và năm học vừa qua.
Đồng thời, bày tỏ trân trọng, sự tri ân sâu sắc những cố gắng, nỗ lực và cống hiến của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục của tỉnh; chúc mừng các điển hình tập thể nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, các học sinh, sinh viên có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước “dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt” theo lời Bác Hồ dạy năm học vừa qua.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: CTV) |
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhấn mạnh, bên cạnh thành quả rất đáng trân trọng nêu trên, phải thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế liên quan đến chất lượng giáo dục phổ thông dù đạt kết quả tích cực nhưng chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đầy đủ toàn diện chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh đối với giáo dục đào tạo, trong đó có đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; việc tồn tại bệnh thành tích, bệnh hình thức; việc quản lý chất lượng giáo dục còn là khâu yếu;…
Để giải quyết các mâu thuẫn, thách thức và thực hiện mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, toàn tỉnh phải kiên trì thực hiện các quan điểm phát triển giáo dục đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.
Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, lao động, khu công nghiệp và các đối tượng chính sách.
Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, cần xác định rõ hơn trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp xã, cấp huyện và hệ thống chính trị trong việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, quản trị nhà trường; siết chặt quản lý chất lượng giáo dục - đào tạo là khâu đột phá. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Phát huy đúng mức vai trò chủ đạo của Nhà nước kết hợp với cơ chế thị trường, cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục - đào tạo và vai trò của xã hội, bảo đảm cho giáo dục - đào tạo phát triển theo định hướng của Trung ương, ngày càng có hiệu quả và chất lượng cao hơn. Đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, bảo đảm tốt hơn công bằng và bình đẳng xã hội trong giáo dục - đào tạo.
Chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức hằng năm phải có chương trình, kế hoạch cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Định kỳ vào đầu năm học mới, kết thúc học kỳ I và kết thúc năm học, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và cấp xã làm việc với ngành giáo dục để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong công tác quản lý, dạy và học ở mỗi cơ sở giáo dục.
Từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ 5 yếu tố cơ bản để đổi mới giáo dục, đào tạo. Đó là nội dung, chương trình giáo dục; phương pháp, công nghệ giáo dục; tài liệu, tư liệu, học liệu giáo dục; cơ sở vật chất, công cụ, thiết bị giáo dục tối thiểu để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018; đào tạo, bồi dưỡng phát triển, thu hút, sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Đẩy mạnh tự chủ giáo dục theo lộ trình, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục - đào tạo, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, phát triển hệ thống trường trung học cơ sở trọng điểm cấp huyện.
Nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn 2023 – 2025 như thế nào?
Cũng tại hội nghị, để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong năm học tới và cho cả giai đoạn 2023-2025, đại điện các sở, ngành, các phòng giáo dục và đào tạo đã thảo luận, phân tích toàn diện, sâu sắc, thực chất về tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển giáo dục.
Bà Vi Thị Bích Hạnh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long đóng góp ý kiến tham luận tại hội nghị (Ảnh: CTV) |
Đặc biệt là phân tích chuyên sâu kết quả các Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông những năm gần đây để thấy được chất lượng giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh hiện nay.
Nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cần tháo gỡ như nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục và sự cần thiết của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế.
Toàn tỉnh thiếu hơn 1.600 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học so với định mức và đội ngũ cán bộ quản lý ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, yếu, nhất là trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
Ngoài ra, thu nhập của giáo viên thấp, một bộ phận giáo viên còn dành thời gian làm nhiều việc khác để đảm bảo thu nhập.
Công tác quản trị trường học ở một số cơ sở giáo dục chưa hiệu quả; việc kiểm tra, đánh giá học sinh nhiều nơi còn hình thức, chạy theo thành tích nên chưa góp phần thúc đẩy giáo dục. Bên cạnh đó, còn nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục học sinh, còn phó thác trách nhiệm cho nhà trường.
Trên cơ sở trao đổi, thảo luận những mặt đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện, nhiều ý kiến đề xuất, giải pháp được đưa ra trong hội nghị nhằm giúp cho tỉnh có cơ sở xem xét, quyết định các nội dung chỉ đạo phù hợp, khả thi với tình hình thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với giáo dục và đào tạo cũng như yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ngành giáo dục cùng các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các bất cập trong lĩnh vực giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: CTV) |
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục phẩm chất tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, nhất là thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần quan tâm phối hợp với ngành giáo dục để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã vinh dự được đón nhận các hình thức khen thưởng.
Trong đó, bà Lê Thị Huệ, nguyên giáo viên trường Trung học phổ thông Hòn Gai được nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long và Trung học phổ thông Nguyễn Bình được nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021-2022 của tỉnh Quảng Ninh; 9 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trao Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho bà Lê Thị Huệ, nguyên giáo viên trường Trung học phổ thông Hòn Gai (Ảnh: CTV) |
Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Cờ thi đua và Bằng khen của Chính phủ cho các tập thể và cá nhân (Ảnh: CTV) |
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc (Ảnh: CTV) |
Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen, cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.