Tôi xin phép gọi Giáo sư Trần Hồng Quân bằng Anh – từ Anh viết hoa để bày tỏ lòng kính yêu và quý mến của mình.
Giáo sư Trần Hồng Quân luôn đau đáu với đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Ảnh tư liệu: Ngọc Quang |
Tâm sự thứ nhất:
Tôi có may mắn được Giáo sư Trần Hồng Quân, khi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã tin tưởng giao cho tôi làm Tổng Biên tập Tạp chí Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Thời gian làm việc ở Bộ chưa lâu, mới 6 tháng, thì Anh đã nghỉ vì hết nhiệm kỳ Bộ trưởng.
Là Tổng biên tập Tạp chí lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi thường đọc và duyệt những bài báo quan trọng, trong đó có những bài bàn về đổi mới giáo dục đại học, trong đó có những tư tưởng cải cách mạnh mẽ của GS Trần Hồng Quân, nhưng đang bị hiểu sai lạc, thậm chí dần dần bị loại bỏ để làm theo cách khác.
Tôi tìm đến tác giả bài báo để tìm hiểu và biết được nhiều điều về GS Trần Hồng Quân mà tôi kính trọng, một vị Bộ trưởng có nhiều công lao trong đặt nền móng cho công cuộc đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Những người đó, các tác giả những bài báo khoa học đó là TS Lê Viết Khuyến, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp. Khi đó anh Thiệp là Vụ trưởng Vụ Đại học, anh Khuyến là Phó Vụ trưởng Vụ Đại học. Ngoài anh Thiệp, anh Khuyến tôi còn gặp các cán bộ khác là trợ lý khoa học của GS Trần Hồng Quân, là cố vấn về đổi mới giáo dục cho Bộ trưởng lúc bấy giờ để tìm hiểu sâu về hệ thống tư duy và quan điểm của GS Trần Hồng Quân về đổi mới giáo dục đào tạo.
Tôi còn tìm gặp một số người khác để trò chuyện, trong đó có GS. Hoàng Xuân Sính, người đã có công thành lập trường đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam - Trường Đại học Thăng Long .
Nhận thấy, tìm hiểu qua các cán bộ cấp Vụ, các chuyên gia chưa đủ, tôi quyết định đến gặp và phỏng vấn GS Trần Hồng Quân để được nghe trực tiếp những điều Anh đã nghĩ, đã suy tư, đã chỉ đạo làm nhưng còn dang dở, hoặc đang nung nấu trong lòng.
Anh đã dành cho tôi những buổi tối, khi không có bận khách hoặc công việc riêng. Ngày đó Anh đang đảm nhiệm Phó Ban dân vận Trung ương. Nhờ đó tôi hiểu về Anh như một nhà cải cách giáo dục đại học Việt Nam có tầm nhìn xa rộng, tư duy biện chứng, quan điểm đúng đắn và xuyên suốt.
Sau khi nghỉ hưu, Anh nhận thấy mình còn nợ các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập rất nhiều. Anh nhận xét : “Là loại hình mới, thành phần mới, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phải có những tố chất mới năng động, sáng tạo, hiệu quả”. Các trường thành lập rồi, khi hoạt động và phát triển gặp muôn vàn khó khăn, rào cản cũng lắm, tự bản thân mỗi trường cũng có khi chưa đủ tiềm lực, và quan trọng là chưa có sự giao lưu, hợp tác, chưa có sự chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực với nhau …
Anh gặp gỡ các anh, các chị là lãnh đạo trường đại học, cao đẳng ngoài công lập để bàn việc thành lập Hiệp hội của khối trường ngoài công lập. Với sự nhất trí cao của mọi người, năm 2004 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được Chính phủ cho phép thành lập. Sau một thời gian chuẩn bị, Hiệp hội bước vào hoạt động sôi nổi từ năm 2005 và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đổi mới và phát triển hệ thống trường đại học ngoài công lập.
Theo Anh, “trong tương lai khi hệ thống giáo dục đào tạo phát triển đúng quy luật, cạnh tranh bình đẳng, các trường ngoài công lập sẽ phát triển mạnh và có những trường là mô hình đối chứng về tổ chức quản lý, về hiệu quả đào tạo trong việc quản lý, sử dụng, phát huy tài sản nhân lực, vật lực trong giáo dục đào tạo”. Những dự đoán của Anh ngày nay đang chứng minh trên thực tế.
Từ đó, uy tín và ảnh hưởng của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập lan sang các trường đại học, cao đẳng công lập. Năm 2006 nhờ sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội các trường công lập cũng thành lập Câu lạc bộ các trường đại học và cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là VUN). VUN là một tổ chức chưa có pháp nhân nhưng đã tập hợp khá nhiều trường đại học cao đẳng, công lập tham gia, sinh hoạt. Hàng năm câu lạc bộ VUN chỉ tổ chức gặp mặt và hội thảo về một số chuyên đề chuyên môn, không thực hiện các chức năng khác của một đoàn thể xã hội nghề nghiệp.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ VUN đã gặp Ban lãnh đạo Hiệp hội đại học, cao đẳng ngoài công lập để bàn việc thành lập một Hiệp hội chung cho các trường đại học cao đẳng Việt Nam. Vì đó là mong muốn của đông đảo trường đại học cao đẳng không phân biệt trường công lập và ngoài công lập.
Nắm bắt nhu cầu thực tế đó, ngay từ năm 2007, 2008, GS Trần Hồng Quân đã có một số cuộc làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để báo cáo xin ý kiến về thành lập Hiệp hội chung. Đồng thời chỉ đạo khẩn trương làm hồ sơ văn bản xin Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Sau gần 3 năm đề nghị, ngày 25/8/2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có Quyết định số 5538/QĐ-BGDĐT công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, với 15 thành viên do GS Trần Hồng Quân làm Trưởng ban.
Tuy nhiên, để tiến tới thành lập được Hiệp hội chung như chúng ta đang có ngày nay, từ khi có Ban Vận động (2009) đến 2014 cũng mất 5 năm. Có nhiều lực cản trong quá trình xin thành lập mà nếu không có sự kiên trì, sáng tạo của Ban Vận động, của GS Trần Hồng Quân thì chưa chắc chúng ta đã có ngôi nhà chung rộng lớn và ấm áp như hôm nay.
Trong 10 năm GS Trần Hồng Quân làm Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và 6 năm Hiệp hội chung cho cả các trường công lập và ngoài công lập, Anh luôn dẫn dắt Hiệp hội đi đúng con đường cần đi, phải đi, vượt qua nhiều khó khăn để tới đích. Và quan trọng hơn là cả hai Hiệp hội đã góp phần quan trọng quá trình phát triển nền giáo dục đại học nói riêng, sự nghiệp giáo dục đào tạo Việt Nam nói chung. Dấu ấn của GS Trần Hồng Quân trong 10 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1987 -1997) và 16 năm làm Chủ tịch hai Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (2004 -2020) thật đậm nét.
Tâm sự thứ hai :
Như đã nói ở trên, do tôi được gặp gỡ và phỏng vấn một số cán bộ quản lý, các chuyên gia hàng đầu về đổi mới giáo dục giúp cho Bộ Trưởng Trần Hồng Quân khi đó, mà tôi chỉ việc trích dẫn ra đây những ý kiến của các anh chị ấy. Như vậy, tâm sự thứ hai thực ra là các ý kiến của các chuyên gia đáng kính, đáng nể trọng nói trên, họ nói về GS.TS Trần Hồng Quân – vị Bộ trưởng mà họ vinh dự được cộng tác, cống hiến một thời.
Trước hết, tôi dẫn ra đây ý kiến của GS.TSKH Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Thăng Long, nhà sáng lập trường đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay Trường Đại học Thăng Long là một trường đào tạo có uy tín, chất lượng cao.
Chị Hoàng Xuân Sính là một nhà khoa học thành danh từ Pháp về, chị có cách trò chuyện rất giản dị, chân thành, có như thế nào thì nói như vậy. Chị có cách nhìn về phong cách làm việc của GS Trần Hồng Quân mà chị nhớ đến giờ.
Chị kể rằng: “Tôi rất ít khi được gặp cấp trên hay làm việc với cấp trên, trừ với các Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, nhưng đó là hai Bộ trưởng trên tầm người về tư tưởng và đạo đức rồi, khó so sánh được.
Chỉ tới khi làm đơn xin mở một mô hình thí điểm về một đại học không xin kinh phí nhà nước, tôi mới được gặp anh Trần Hồng Quân. Lúc đó anh Quân đang làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sau đó hai bộ Đại học và Trung học chuyên và Bộ Giáo dục sát nhập, anh Quân làm Bộ trưởng của hai bộ sát nhập mang tên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bây giờ nghĩ lại chuyện xin mở Đại học dân lập Thăng Long mấy chục năm về trước, tôi không thể không cười nhạo báng bản thân tôi. Làm đơn xin mở một trường đại học, lại là tư thục, thế mà tôi cứ ngồi yên ở nhà điện thoại xin gặp Bộ trưởng, không bao giờ chịu chạy đi chạy lại. Một bạn đồng nghiệp của tôi, một giáo sư có cương vị trong một đại học lớn, đã khuyên tôi: “Chị muốn có kết quả thì phải chạy, chứ ngồi nhà mà điện thoại thì không bao giờ có kết quả”. Thế mà với anh Trần Hồng Quân thì lại có kết quả đấy !”.
Theo chị Sính, năm 1994, sau 6 năm thí điểm thành công mô hình đại học dân lập với cái tên Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, Chính phủ có chủ trương cho phép thành lập các trường dân lập, mà Trường đại học Thăng Long nằm trong số đó. Thủ tục đơn xin thành lập đã gửi lên Chính phủ, nhưng đang vướng khâu nào đó, chờ mãi chưa thấy có kết quả. Chị lại gọi điện cho anh Quân, nêu khó khăn, vướng mắc. Anh Quân nghe xong hứa sẽ gặp các cấp để tháo gỡ. Và theo chị Sính được biết, ngay ngày hôm sau họp Chính phủ anh Quân đã gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh báo cáo xin ý kiến về việc của chị Sính.
“Thật bất ngờ chỉ vài ngày sau, tôi đã nhận được tờ giấy khai sinh cho Trường Đại học dân lập Thăng Long”, chị Sính vui vẻ kể.
Cuối cuộc trò chuyện, chị Sính tâm sự :
“Tôi giữ mấy kỷ niệm đó về anh Quân. Với tôi, anh Quân là một Bộ trưởng gần gũi anh em trí thức, từ tốn khiêm nhường, không quan liêu hách dịch, ghét thói tham nhũng, thấy việc gì tốt cho giáo dục thì khuyến khích cho làm, không có kiểu lúc nào cũng răn đe trừng phạt”.
Và đây, là ý kiến của TS Lê Viết Khuyến:
TS Lê Viết Khuyến là Phó Vụ trưởng Vụ Đại học (sau này là Vụ Giáo dục đại học) cùng với GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, Vụ trưởng Vụ Đại học ở thời điểm Anh Quân làm Bộ trưởng. Riêng tôi cho rằng, hai anh có sự am hiểu rất sâu sắc về lĩnh vực giáo dục đại học, cả lý luận và thực tiễn, trong nước và ngoài nước; đồng thời rất am hiểu tư tưởng và triết lý giáo dục của Bộ trưởng GS Trần Hồng Quân.
Các anh đã triển khai rất tài tình nhiều ý tưởng mới, quan trọng của Bộ trưởng về cải cách giáo dục đại học, xây dựng nền móng vững vàng cho giáo nền dục đại học Việt Nam phát triển trong thời kỳ mới, thời kỳ cả nước đồng loạt đổi mới theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986.
Anh Khuyến kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về công cuộc cải cách giáo dục đại học, về GS Trần Hồng Quân với một tình cảm ấm áp, kính trọng, thân tình:
“Anh Quân được điều ra Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm Thứ trưởng, tham gia vào Ban cải cách đại học, do Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ phân công. Có thể nói, tư tưởng cải cách đại học có từ thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, còn Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ thì chỉ đạo trực tiếp triển khai”. Có tư tưởng rồi, nhưng đổi mới thế nào, cải cách ra sao, thì phải có người nghiên cứu một cách bài bản, chiến lược. Tôi nhớ là Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ phân công anh Quân phụ trách Ban Nghiên cứu cải cách đại học.
Rồi anh Quân đã cất công đi tìm đúng người đúng việc, kết quả gặp được các anh Vũ Văn Tảo, Trần Văn Hà, Lê Thạc Cán và một số người khác - những người này vừa giỏi, vừa rất tâm huyết. Anh Quân tập hợp các anh ấy trong một tổ nghiên cứu rất bài bản. Lúc đó tất cả từ anh Quân đến anh Tảo và chúng tôi…đều rất sung sức”.
“Anh Quân là một người có thực tế, anh đã làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đó anh Quân có điều kiện tiếp xúc và nghiên cứu các nền giáo dục đại học của nhiều nước, lại tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục tiến bộ, anh ấy đã suy ngẫm, tư duy có hệ thống và từ đó xuất hiện những ý tưởng mới, rất tốt”.
Các anh Lâm Quang Thiệp, Lê Viết Khuyến là những nhà khoa học về giáo dục đại học rất uyên bác. Trong thời gian làm lãnh đạo Vụ Đại học đã giúp Bộ trưởng Trần Hồng Quân soạn thảo nhiều văn bản quan trọng có hệ thống để chỉ đạo và triển khai đổi mới giáo dục. Những văn bản này đã được TS Lê Viết Khuyến cùng Văn phòng Hiệp hội sưu tầm, tập hợp và tuyển chọn thành cuốn sách do Nhà Xuất bản Thông tin & Truyền thông ấn hành năm 2017.
Cuốn sách có tựa đề: Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987 – 1997.
Đây là công trình rất tâm huyết của những cộng sự đắc lực và trung thành với GS Trần Hồng Quân. Ngày nay, nhiều tư tưởng cải cách giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng đều có trong cuốn sách quý này. Cuốn sách in xong, Thường trực Hiệp hội cho phép chúng tôi tổ chức buổi ra mắt bạn đọc nhân dịp mừng GS Trần Hồng Quân tròn 80 tuổi, năm 2017. Hôm đó anh Quân rất xúc động!
Nói về tâm huyết của các vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự nghiệp giáo dục đào tạo, anh Lê Viết Khuyến khẳng định ngay:
“Anh Quân là người có tư duy sắc sảo, là vị Bộ trưởng tâm huyết, ngày đêm lo cho sự nghiệp chung và của ngành giáo dục đào tạo…”.
Trên đây là đôi điều tâm sự của chúng tôi về một nhân cách lớn, một nhà khoa học uyên bác, một nhà giáo dục đầy tâm huyết – GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thân yêu của chúng ta.
Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Quân, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1937, quê Xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, Tỉnh Sóc Trăng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã từ trần vào hồi 13h02 ngày 25/8/2023 tại Bệnh viện Trung ương Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh).