Điện Biên đã hoàn thành năm học 2022 – 2023 với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp vào có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước thềm năm học mới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên về những khó khăn, thách thức của giáo dục tỉnh nhà trong năm học 2023- 2024.
Đội ngũ còn khó khăn và cơ sở vật chất còn thiếu thốn
Nhắc lại những thành tựu của năm học 2022- 2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, bên cạnh việc tham mưu cho tỉnh nhiều văn bản triển khai thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành Giáo dục Điện Biên đã thực hiện hiệu quả việc rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp, học sinh theo lộ trình, tổ chức tốt đời sống cho học sinh bán trú; nâng số lượng học sinh/lớp để giảm quy mô số lớp, từ đó giảm nhu cầu bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp.
Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai, thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn giáo viên và chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục nâng lên.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất từ trước đến nay. Số học sinh đạt học sinh giỏi các môn văn hoá cấp quốc gia tiếp tục duy trì ổn định, 02 năm liền có học sinh giỏi môn Tiếng Anh. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tổ chức thực hiện bài bản, đúng lộ trình. Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.
Cùng với các hoạt động chuyên môn, trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 60 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật của năm học vừa qua, nói về những khó khăn và thách thức của năm học 2023 – 2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các quy định để đảm bảo điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và trường học đạt chuẩn quốc gia; thiếu các trang thiết bị về phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn trường học.
Công tác quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số đơn vị vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế.
Chất lượng giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.
Kết quả giáo dục phẩm chất, năng lực học sinh lớp 1, 2, 3 chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Kết quả giáo dục kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Việt của học sinh dân tộc một số trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn chưa có sự chuyển biến tích cực.
“Mặc dù quy mô giáo dục ngày càng phát triển, tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tăng đáng kể so với các năm học trước, yêu cầu về chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo ngày càng cao.
Song hằng năm, số biên chế công chức hành chính và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn phải thực hiện cắt giảm theo lộ trình.
Khả năng thành lập các trường ngoài công lập rất khó khăn, nên việc thực hiện cắt giảm số người làm việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ làm tăng áp lực làm việc đối với giáo viên (tăng giờ) do số lượng người học ngày càng tăng trong khi số người làm việc đủ định mức theo quy định.
Thiếu nguồn tuyển giáo viên tiểu học, giáo viên ở một số môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Giáo viên phải làm việc với cường độ cao; việc bố trí, sắp xếp cho viên chức đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách nhà nước bố trí hằng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức hạn hẹp; phần lớn các giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn phải tự túc kinh phí”, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, năm học 2023 - 2024, so với định mức được giao, địa phương còn thiếu khoảng 2.000 giáo viên các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Trong đó, thiếu nhiều giáo viên nhất là bậc mầm non, với khoảng 980 giáo viên; tiếp đến là bậc trung học cơ sở, thiếu khoảng 540 giáo viên; bậc tiểu học và trung học phổ thông thiếu từ 230 đến 260 giáo viên. Các địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất là Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa.
Nói về nguyên nhân của việc thiếu giáo viên, ông Nguyễn Văn Đoạt cho rằng:
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên, song chủ yếu là do những năm gần đây có nhiều giáo viên xin chuyển vùng công tác, chuyển ngành, hoặc bỏ việc... trong khi việc tuyển dụng giáo viên mới chưa đáp ứng, thiếu nguồn tuyển giáo viên chất lượng. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp ở tỉnh đã rất quan tâm đến công tác bổ sung giáo viên ở các cấp học, nhưng do nguồn tuyển hạn chế, nhất là với giáo viên các môn chuyên biệt; chế độ đãi ngộ chưa cao, áp lực công việc lớn... nên khó thu hút lượng người dự tuyển".
Kiến nghị ưu tiên kinh phí đào tạo giáo viên
Trước những khó khăn, tồn tại nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã đưa ra nhiều phương án khắc phục. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, trước tiên, Sở sẽ trình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo nguồn giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Làm việc với các trường đại học, gặp gỡ sinh viên sắp tốt nghiệp, thông tin về chỉ tiêu tuyển dụng và những chính sách đãi ngộ của Điện Biên đối với viên chức mới tuyển dụng nhằm giải quyết các vướng mắc về giáo viên.
Sở sẽ tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như: Đổi mới công tác tuyển sinh vào 10, tăng số trường tổ chức thi tuyển, thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở; đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng chuyên môn. Tổ chức thực hiện các chuyên đề cấp trường, cụm trường về dạy học phát triển phẩm chất, năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn học.
Trong năm học mới, Sở Giáo dục sẽ tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu từ rà soát lập danh mục đến đề xuất mua sắm trang thiết bị dạy-học, đầu tư cơ sở vật chất; quản lý, khai thác sử dụng đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Đôi ngũ giáo viên của Điện Biên còn thiếu, chất lượng giáo dục giữa các vùng không đồng đều. Ảnh minh họa: LC |
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng còn thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, thời gian tới, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có nhu cầu phục vụ ngành giáo dục có thể sẽ được tuyển và được cử đi đào tạo tại các trường uy tín để về phục vụ sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo địa phương.
Tỉnh sẽ chi trả chi phí học tập; đồng thời đảm bảo công việc cho đội ngũ này sau khi kết thúc các khoá đào tạo.
Từ đó, từng bước tạo nguồn giáo viên có chất lượng, cũng như đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao trong công tác giáo dục - đào tạo của địa phương.
Trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023 theo Công văn số 1269/SGDĐT-KHTC ngày 26/5/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo kết quả rà soát nhu cầu vốn thực hiện của các dự án và đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2023 để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023 được phân bổ.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng phòng học, phòng học bộ môn theo hướng kiên cố hóa, đảm bảo quy định tại các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng tiến độ triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn 2021-2025.
Về đào tạo giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền ưu tiên kinh phí quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ để đào tạo giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.
Ưu tiên kinh phí đào tạo giáo viên đối với các môn thiếu nguồn tuyển đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Nói về sự chuẩn bị của các cơ sở giáo dục trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện/thị, các trường tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị, khắc phục khó khăn, chuẩn bị chu đáo các điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới.
“Hiện 100% các trường trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng cho năm học mới và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ năm học 2023- 2024”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết.