“Viện Phó Viện Pasteur nhầm lẫn tai hại về anolyt”

28/11/2011 06:14
Ngọc Quang
(GDVN) - “TS.Viên Quang Mai đang nhầm lẫn, cần phải gọi tên chính xác của dung dịch là Anolyt chứ không phải Ozon”.

 

Nhầm lẫn tên gọi dẫn tới hậu quả

Trong lần tiếp xúc trước với PV Báo Giáo dục Việt Nam, TS.Viên Quang Mai – Viện phó Viện Pasteur Nha Trang đã cho biết: “TS.Khải muốn chứng minh nước của ông ấy tốt thì phải tự chủ động trình bày và kết hợp với một cơ sở nào đó để họ đồng ý cho thử nghiệm, và khi tiến hành thì phải thử nghiệm trên súc vật trước, chứng minh được tính an toàn của nó rồi mới được thử nghiệm trên người, chứ không phải muốn đưa thế nào thì đưa. TS.Khải cho rằng sử dụng chất đó có thể chữa được bệnh TCM, nhưng thực chất cái này chỉ sát khuẩn được bên ngoài, còn con virus nó lại nằm ở trong cở thể.

Chất này diệt được virus, vi khuẩn thì đúng, nhưng nếu sử dụng không cẩn thận thì có thể gây tác hại. Dung dịch Ozon ngấm vào cơ thể con người gây hại còn nguy hiểm hơn cả bệnh TCM. Bôi Ozon có thể làm khô các vết loét ngoài da nhưng virus TCM vẫn hoạt động trong cơ thể bệnh nhân. Cách chữa trị bệnh TCM bằng dung dịch Ozon của TS. Nguyễn Văn Khải là thiếu cơ sở khoa học và thiếu căn cứ pháp lý vì chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép sử dụng”.

Để các thông tin đến với bạn đọc được khách quan, PV đã tìm tới một chuyên gia khác đã có nhiều năm nghiên cứu ứng dụng Anolyt vào đời sống của con người tại Việt Nam, đó là Tiến sĩ Nguyễn Hoài Châu – Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường.

TS. Châu cho hay: “TS.Viên Quang Mai đang nhầm lẫn, cần phải gọi tên chính xác của dung dịch là Anolyt chứ không phải Ozon. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo về mức độ nguy hiểm của Ozon – điều đó đúng, nhưng là với hàm lượng cao, còn trong Anolyt thì Ozon chỉ chiếm 3% trên tổng các chất Oxy hóa, cho nên nó không thể gây hại cho con người.

Tôi đã mời GS. Bakhir (người Nga, "cha đẻ" của anolyt - PV) sang Việt Nam làm việc 3 lần và sau cả chục năm nay và tôi khẳng định là Anolyt có hàm lượng các chất khử trùng thấp, hàm lượng các chất oxy hóa cũng không cao”.

TS. Nguyễn Hoài Châu
TS. Nguyễn Hoài Châu

Cũng theo TS. Nguyễn Hoài Châu, Anolyt do GS. Bakhir (Nga) tìm ra từ năm 1972, cho tới nay đã có hàng nghìn thí nghiệm về dung dịch này và đều cho ra kết quả tốt. Hiện nay, nhiều xe cấp cứu của Nga còn lắp một chiếc máy tạo Anolyt và cũng có hàng triệu người dân nước này uống nước tiệt trùng bằng Anolyt.

“Có một số người nói rằng kỹ thuật này tạo ra nước Javen, nhưng không phải vậy, kỹ thuật tạo ra Javen đơn giản hơn rất nhiều và nó không thể hiệu quả bằng Anolyt. Ngay cả người Mỹ cũng đã công nhận Anolyt có khả năng diệt vi khuẩn than cực nhanh với 10 giây, trong khi dùng Javen thì mất tới 30 phút. Bản chất khử khuẩn của Anolyt là nó tập hợp nhiều chất oxy hóa, và nó thân thiện hơn với môi trường bởi chỉ sau vài ngày thì phân hủy thành nước và muối, còn nếu dùng CloraminB thì vẫn để lại dư lượng”, TS Châu so sánh.

TS. Châu viết lên cuốn sổ của PV một loạt các công thức hóa học để lý giải về các chất Oxy hóa liên kết trong Anolyt và đó là điều quan trọng nhất khiến cho dung dịch này có khả năng diệt virus, vi khuẩn, nấm mốc… mà không gây hại cho con người. TS. Châu nêu quan điểm: “Tôi cho rằng việc sử dụng Anolyt để ngâm rửa vết thương có tác dụng sát khuẩn tốt, có bác sĩ nói rằng nước muối cũng sát khuẩn nhưng không chính xác, vì có nhiều con vi khuẩn vẫn sống trong môi trường nước mặn, nhưng khi tiếp xúc với Anolyt thì nó lập tức bị tiêu diệt.

Hiện, thế giới chưa có nghiên cứu vào chuyên sâu về việc chữa bệnh TCM, đúng là con virus nó nằm trong tế bào, nhưng vì đại đa số các trường hợp mắc TCM có khả năng tự khỏi, nên sát trùng bên ngoài bằng Anolyt sẽ giúp ngăn chặn lở loét kéo dài.

Thế giới cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định Anolyt đưa vào cơ thể là có hại, tôi nghĩ rằng phải đánh giá công bằng dựa trên thông tin khoa học chứ không thể nói dung dịch này gây ra ung thư khi không có một luận cứ nào. Vợ ông Bakhir khi sang Việt Nam cũng luôn mang theo một lọ Anolyt để sử dụng. Tôi thấy đây là một vấn đề khó, bản thân tôi và một số nhà khoa học khác của Viện khi bắt đầu tiếp cận Anolyt cũng phải mất hàng năm trời nghiên cứu rồi mới khẳng định được giá trị của nó. Điều cần lưu ý là hàm lượng các chất Oxy hóa trong dung dịch hoàn toàn có thể điều chỉnh theo ý muốn của con người, nhưng nếu ít hiểu biết thì không thể tạo ra Anolyt tiêu chuẩn”.

Sự hiểu lầm tai hại về “nước Ozone”

Qua lời của TS.Mai thì Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức yêu cầu Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu về phương pháp chữa TCM mà TS.Khải công bố và áp dụng cho hàng trăm đứa trẻ. Xung quanh vấn đề chưa bệnh TCM của TS.Khải có rất nhiều ý kiến chê trách với một quan điểm chung là chưa có kiểm tra lâm sàng và chưa được Bộ Y tế đồng ý, còn những người ủng hộ “ông già Ozon” thì cho rằng phương pháp này ít nhất đã giúp con họ không bị ngứa, không bị lở loét, đồng thời có nhiều quan điểm cho rằng ngành y tế triển khai chống dịch chưa tốt.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Bình – người đã từng học tại ĐH Y dược TP.HCM niên khóa 73-79, sau đó lấy bằng cử nhân Toán học và Vi tính (Computer sciences) tại ĐH Oregon State University (tiểu bang Oregon), ra trường với hạng tối cao (Cum Laude), hiện đang sống ở tiểu bang Washington (Mỹ) nêu quan điểm: “Ngành Y tế chúng ta thụ động, thường chờ đợi, phụ thuộc vào các kết quả nghiên cứu của nước ngoài.

Theo tôi, Bộ Y tế vẫn có thể hướng dẫn, chỉ thị cho một số bệnh viện, cơ sở làm các nghiên cứu về những gì TS. Khải đã công bố. Tuy kết quả này sẽ không được quốc tế công nhận, nhưng cũng đủ để chúng ta có một hướng đi lên, xây dựng cho một nền nghiên cứu tích cực hơn cho tương lai, khi kinh tế đất nước được phồn thịnh hơn.

Có một vấn đề nhỏ mà tôi muốn nêu lên tại đây đó là danh từ nước ozone. Tên này đã bị báo chí dùng một các sai lạc, gây nên sự hiểu lầm cho một số bác sĩ. Có 2 loại ‘nước ozone’, đó là Anolyte (có thành phần Ozone) và ‘nước Ozone’, cả hai đều đều có tác dụng khử trùng mạnh”.

Ông Võ Đại - Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận (thứ nhất từ trái sang) và TS.Khải tại BV tỉnh Ninh Thuận
Ông Võ Đại - Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận (thứ nhất từ trái sang) và TS.Khải tại BV tỉnh Ninh Thuận

Theo ông Bình, thứ nước TS.Khải dùng được tạo thành từ sự điện giải của nước muối (NaCl), đó là nước ở bên cực dương mà trong đó hoạt chất chính là NaClO và HClO, do đó phải gọi chính xác là Anolyt. Nó có tính chất khử trùng cao và không độc. Vấn đề chính của nước này là không để lâu được vì sẽ mất tác dụng, do HClO và NaClO sẽ từ từ trung hoà lẫn nhau tạo thành nước muối.

Sự an toàn của Anolyte đã được xác nhận quốc tế. Tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hà - Nguyên Phó trưởng phòng Công nghệ điện hóa môi trường (Viện Công nghệ môi trường) đã từng khẳng định ‘Không có chất khử trùng nào tốt bằng anolyt. Tất cả chất khử trùng khác đều không uống được, nhưng chất này uống vào cũng không độc. Chúng tôi từng làm thí nghiệm dùng dung dịch này cho uống và tiêm vào chuột với liều cao nhất có thể mà cũng không sao’.

Loại nước thứ hai là Ozone mà trong đó O3 được tạo thành khi cho một dòng điện chạy qua khí O2, khí này được bơm vào nước qua các máy sủi (máy sủi Ozone). Theo cục Bảo Vệ Môi trường của Mỹ, hàm lượng O3 cao đủ để sát trùng thì lại vượt xa mức an toàn cho người, vì O3 có độc tính cao, có thể gây ung thư do gây biến đổi nhiễm sắc thể. Đây là loại nước khác hoàn toàn với Anolyt mà TS.Khải đã công bố.

Như vậy, qua phát biểu này của ông Bình, có thể hiểu thêm vì sao khi có tin Bộ Y tế giao cho Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu cách chữa TCM bằng Anolyt (ngày 14/11), TS.Khải đã tỏ ra lo lắng: “Tôi không tin tưởng họ sẽ cho ra một kết quả giống như nghiên cứu của tôi. Cũng là một bát phở, có chỗ nấu ngon, có chỗ nấu dở, thậm chí dở đến nỗi ăn vào là tiêu chảy ngay. Người ta nhầm tưởng cứ cho muối và nước vào máy là tạo ra Anolyt, nhưng cho bao nhiêu, cho như thế nào thì họ tự làm mà không hề hỏi tôi, đó là điều khiến tôi cảm thấy không tin tưởng đánh giá của họ”.

Những ngày vừa qua, “ông già Ozon” Nguyễn Văn Khải vẫn hướng dẫn cho những gia đình có trẻ bị bệnh TCM cách ngâm rửa, khử khuẩn bằng Anolyt, còn về phía Bộ Y tế thì chưa có động thái nào cụ thể hơn trước dư luận về vấn đề này.

Ngọc Quang