2 năm học, tổng thu của Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh giảm gần 3 tỷ đồng

13/09/2023 06:32
Phạm Linh
GDVN- Từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh không có Giáo sư, Phó Giáo sư giảng dạy.

Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh (Quang Ninh University of Industry) hiện nay là tiền thân của trường là trường Kỹ thuật Trung cấp Mỏ, được thành lập ngày 25/11/1958 theo Quyết định số 1630/BCN của Bộ Công nghiệp; Ngày 24/7/1996, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng cấp Trường thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Mỏ.

Ngày 25/12/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1730/QĐ-TTg nâng cấp trường Cao đẳng Kỹ thuật Mỏ thành Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh.

Trường được thành lập với mục tiêu là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Hiện Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh do Tiến sĩ Hoàng Hùng Thắng làm Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; Tiến sĩ Bùi Thanh Nhu, Chủ tịch Hội đồng trường.

Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tuyển sinh và đào tạo 11 ngành học chia thành 2 khối ngành:

- Khối ngành III (Kế toán tổng hợp, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh)

- Khối ngành V (Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá; Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật mỏ; Kỹ thuật tuyển khoáng; Công nghệ Kỹ thuật công trình xây dựng; Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ; Công nghệ Kỹ thuật cơ khí; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật địa chất).

Theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cho thấy từ năm học 2018 – 2019 đến năm học 2022 – 2023, số giảng viên cơ hữu của nhà trường có xu hướng giảm.

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2021 – 2022, nhà trường có 190 giảng viên cơ hữu theo ngành (32 Tiến sĩ, 143 Thạc sỹ và 15 Cử nhân) và 49 giảng viên cơ hữu môn chung (4 Tiến sỹ, 36 Thạc sỹ và 9 Cử nhân). Trong đó, giảng viên có trình độ Tiến sĩ tập trung ở ngành Kỹ thuật mỏ (9 giảng viên), tiếp theo là các ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá; Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (mỗi ngành có 3 giảng viên). Riêng ngành Quản trị kinh doanh không có giảng viên trình độ Tiến sĩ.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh năm học 2021 - 2022

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh năm học 2021 - 2022

Nhưng đến năm học 2022 – 2023, nhà trường chỉ còn 185 giảng viên cơ hữu theo ngành gồm 30 Tiến sỹ, 141 Thạc sỹ và 14 Cử nhân (giảm 5 giảng viên) và 48 giảng viên cơ hữu môn chung gồm 4 Tiến sỹ, 36 Thạc sỹ và 8 Cử nhân (giảm 1 giảng viên). Đáng chú ý, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh giảm 2 giảng viên có trình độ Tiến sỹ so với năm học trước đó.

Đáng chú ý, từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh không có Giáo sư, Phó Giáo sư giảng dạy.

Cũng theo báo ba công khai của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, về quy mô tuyển sinh và đào tạo, từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2022 – 2023 của nhà trường cơ bản ổn định.

Gần đây nhất, năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đào tạo 1.041 sinh viên (38 học viên thạc sĩ, 975 sinh viên hệ đại học chính quy và 28 sinh viên hệ đại học vừa làm vừa học).

Theo số liệu thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, 3 năm gần đây có xu hướng tăng, có ngành đạt tỷ lệ 100% sinh viên có việc làm.

Cụ thể, năm học 2020 – 2021, trường có tổng số 589 sinh viên tốt nghiệp trong đó khối ngành III có 132 sinh viên (89,39% sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường); khối ngành V có 457 sinh viên tốt nghiệp (81,17% sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường).

Đến năm học 2021 – 2022, toàn trường có 331 sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường là 96,98%.

So sánh với số liệu năm học 2020 – 2021, khối ngành III tăng từ 89,39% lên 100% tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường còn tỷ lệ sinh viên có việc làm ở khối ngành V tăng từ 81,17% lên 96 %.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường tiếp tục tăng thêm 0,12% ở năm học 2022 – 2023. Năm học này, toàn trường 185 sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường là 97,19 %.

Về tài chính của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh thống kê, tổng thu năm học 2021 – 2022 là 31,287 tỷ đồng (từ ngân sách là 18,756 tỷ đồng, từ học phí là 7,431 tỷ đồng và từ nguồn thu hợp pháp khác là 5,100).

Số liệu công khai tài chính năm học 2021 - 2022 của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

Số liệu công khai tài chính năm học 2021 - 2022 của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

Trong đó, học phí đào tạo thạc sĩ ở khối ngành V là 17,500 triệu đồng/sinh viên/năm; hệ đại học khối ngành III là 9,800 triệu đồng/sinh viên/năm và khối ngành V là 11,700 triệu đồng/sinh viên/năm.

Còn học phí hình thức vừa học vừa làm hệ đại học khối ngành III là 12,600 triệu đồng/sinh viên/năm và khối ngành V là 14,200 triệu đồng/sinh viên/năm.

Ngoài ra, học phí ở hệ liên thông cao đẳng – đại học và đại học văn bằng 2 có mức thấp nhất là 12,180 triệu đồng/sinh viên/năm và cao nhất 17,550 triệu đồng/sinh viên/năm.

Năm học 2022 – 2023, tổng thu của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh là 28,442 tỷ đồng (giảm 2,845 tỷ đồng so với năm học 2021-2022) trong đó từ ngân sách là 10,033 tỷ đồng, từ học phí là 15,167 tỷ đồng và từ nguồn thu hợp pháp khác là 3,141 tỷ đồng.

Số liệu công khai tài chính năm học 2022 - 2023

Số liệu công khai tài chính năm học 2022 - 2023

Trong đó, học phí thạc sĩ khối ngành V tăng lên 17,550 triệu đồng/sinh viên/năm. Hệ đại học hai khối ngành III và khối ngành V giữ nguyên mức của năm học trước.

Học phí hình thức vừa học vừa làm ở các hệ đại học, liên thông cao đẳng – đại học có sự điều chỉnh với mức thấp nhất là 14,700 triệu đồng/sinh viên/năm và cao nhất là 17,500 triệu đồng/sinh viên/năm.

Được biết, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh có tổng diện tích đất cơ sở đào tạo quản lý sử dụng là 293.237,2 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học là 57.319,35 m2. Diện tích đất/sinh viên có tỷ lệ là 229,27m2 và diện tích sàn/sinh viên là 44,82 m2.

Trường hiện có 4 phòng thí nghiệm, 40 phòng thực hành, 1 xưởng thực tập, 1 nhà đa năng, 1 hội trường, 91 phòng học, 6 phòng đa phương tiện, 10 thư viện và 102 phòng chức năng khác.

Phạm Linh