Cụ thể, qua khảo sát từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023, tổng số lượng giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng) của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tăng dần qua từng năm, tăng nhiều nhất ở giảng viên có trình độ tiến sĩ (tăng 143 tiến sĩ), tăng 20 phó giáo sư; quy mô sinh viên cũng tăng lên (tăng thêm 2.399 sinh viên đại học chính quy).
Dù số lượng giảng viên cơ hữu tăng nhưng giảng viên có chức danh giáo sư lại giảm
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là trường đại học nghiên cứu, có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu sáng tạo và chuyển giao tri thức thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, với tầm nhìn trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến ở châu Á vào năm 2035.
Phó Chủ tịch Hội đồng trường hiện tại là Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn. Ban giám hiệu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bao gồm Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh (Hiệu trưởng) và các Phó Hiệu trưởng: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngạc An Bang; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà. |
Từ báo cáo ba công khai năm 2018-2019 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho thấy, nhà trường có 385 giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng), trong đó có 27 giáo sư, 106 phó giáo sư, 202 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 49 thạc sĩ.
Đến năm học 2022-2023, trường có tổng số 411 giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng), trong đó có 19 giáo sư, 126 phó giáo sư, có 345 giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ, 42 thạc sĩ và 24 giảng viên trình độ đại học.
Chi tiết theo bảng sau:
Nhìn vào bảng thống kê cho thấy, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023, tổng số giảng viên cơ hữu theo ngành (đã tuyển dụng) của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tăng 26 giảng viên (từ 385 lên 411 giảng viên, tương đương tăng gần 6,8%).
Mặc dù số lượng giáo sư giảm (từ 27 xuống còn 19, tương đương giảm hơn 29,6%), nhưng số lượng phó giáo sư tăng đáng kể (tăng từ 106 lên 126, tương đương tăng gần 18,9%), số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng thêm 143 người (từ 202 lên 345 tiến sĩ, tương đương tăng gần 70,8%).
Qua 5 năm, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy tăng từ 1.460 lên 1.800
Qua khảo sát đề án tuyển sinh và báo cáo ba công khai hằng năm, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tăng dần qua các năm. Từ năm 2018 đến năm 2023, tăng thêm 340 chỉ tiêu (tăng từ 1.460 lên 1.800 chỉ tiêu).
Cụ thể, theo Đề án tuyển sinh năm 2018, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển tổng số 1.460 chỉ tiêu đại học chính quy, với 1.430 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 30 chỉ tiêu theo phương thức khác. Tổng số mã ngành/chương trình đào tạo trong năm học này là 23.
Năm 2019, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển 1.540 chỉ tiêu đại học chính quy, trong đó có 1.510 chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 30 chỉ tiêu theo phương thức khác. Trường tuyển sinh cho 29 mã ngành/chương trình đào tạo.
Quy mô sinh viên đại học chính quy (theo thông tin trong báo cáo ba công khai). |
Đề án tuyển sinh năm 2020 cho thấy, nhà trường tuyển sinh ở 32 mã ngành/chương trình đào tạo với tổng 1.650 chỉ tiêu (trong đó, 1.485 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 165 chỉ tiêu theo phương thức khác).
Năm 2021, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.610 (trong đó, 1.370 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 240 chỉ tiêu theo phương thức khác). Tổng số mã ngành/chương trình trong năm nay là 27 (tính cả chương trình đào tạo tiên tiến và chương trình chất lượng cao).
Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển sinh có tổng số 1.650 chỉ tiêu. Trường tuyển sinh 27 ngành đào tạo với các chương trình đào tạo chuẩn, chương trình tiên tiến, chất lượng cao thuộc 08 Khoa: Toán - Cơ - Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng thủy văn và Hải dương học.
Trong đó, 1.161 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 336 chỉ tiêu theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và 153 chỉ tiêu theo phương thức khác.
Đến năm 2023, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển sinh 28 mã ngành/chương trình với tổng số 1.800 chỉ tiêu (theo thông tin trong báo cáo ba công khai). Trong đó, 1.079 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 542 chỉ tiêu theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và 179 chỉ tiêu theo phương thức khác.
Về quy mô đào tạo, năm học 2018-2019, toàn trường có tổng số 4.527 sinh viên đại học chính quy, đến năm học 2022-2023, tổng số sinh viên đại học chính quy của trường là 6.926.
Như vậy, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023, trường đã tăng thêm 2.399 sinh viên đại học chính quy.
Chi tiết quy mô đào tạo qua các năm học (theo thông tin từ báo cáo ba công khai). |
Tỉ lệ thu học phí, lệ phí có xu hướng tăng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có xu hướng giảm
Qua 5 năm, tỉ lệ thu học phí, lệ phí so với tổng nguồn thu/năm của Trường Đại học Khoa học tự nhiên có xu hướng tăng; trong khi đó, tỉ lệ thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lại có xu hướng giảm.
Cụ thể, theo báo cáo ba công khai năm học 2018-2019 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2018 là 276 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách (122 tỷ đồng); học phí, lệ phí (67 tỷ đồng); nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (81 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (6 tỷ đồng).
Ngân sách nhà nước chiếm khoảng 44,2%; thu học phí, lệ phí năm 2018 chiếm gần 24,3% tổng nguồn thu; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm 29,3%.
Học phí đại học chính quy chương trình đại trà năm học 2018-2019 là 9,6 triệu đồng/sinh viên/năm. Dự kiến học phí cả khóa học là 43,6 triệu đồng/sinh viên. Học phí đại học hệ vừa học vừa làm là 14,4 triệu đồng/năm.
Đến năm học 2022-2023, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2022 là 290,4 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách (105,8 tỷ đồng); học phí, lệ phí (127,8 tỷ đồng); nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (54,4 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (2,4 tỷ đồng).
Ngân sách nhà nước năm này chiếm hơn 36,4%; thu học phí, lệ phí chiếm hơn 44% tổng nguồn thu; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ chiếm hơn 18,7%.
Học phí năm 2022-2023 vẫn giữ nguyên như quy định năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022.
Học phí theo báo cáo ba công khai. Đơn vị: triệu đồng. |
Như vậy cho thấy, sau 5 năm, tỉ lệ thu học phí, lệ phí trong tổng nguồn thu năm đang ngày càng tăng lên, tỉ lệ thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngày càng giảm.
Theo đó, tỉ lệ thu học phí, lệ phí tăng từ 24,3% (năm 2018) lên hơn 44% (năm 2022), tức tăng 19,7%. Tỉ lệ thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giảm từ hơn 29,3% (năm 2018) xuống còn hơn 18,7% (năm 2022), tức giảm 10,6%.
Cơ cấu nguồn thu theo năm được công bố trong báo cáo ba công khai. |