Thầy cô giáo ở Hải Phòng mong sớm có Luật Nhà giáo

19/09/2023 08:33
LÃ TIẾN
GDVN- Các thầy cô giáo trong ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng mong muốn, Luật Nhà giáo sớm được xem xét để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Việc ban hành một bộ luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là mong muốn của đội ngũ nhà giáo cả nước và đã được đặt ra từ năm 2008.

Chính vì vậy, cuối tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Tờ trình Dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo.

Dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Dự thảo Luật Nhà giáo vào kỳ họp Quốc hội thứ 8 (cuối tháng 10/2024).

Luật Nhà giáo sớm được ban hành là mong mỏi của các thầy cô giáo Ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Luật Nhà giáo sớm được ban hành là mong mỏi của các thầy cô giáo Ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Mong muốn sớm xây dựng Luật Nhà giáo

Cô giáo Lê Thị Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Phú (quận Lê Chân, Hải Phòng) bày tỏ, mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc.

Với những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, giáo viên luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi nâng cao trình độ, tổ chức các phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương hiện tại không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề.

Từ thực tế trên, cô Tâm mong muốn, thời gian sớm nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên; đặc biệt cần sớm hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo để trình Chính Phủ, Quốc hội xem xét.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Phán - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng) cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết để nâng cao vị thế nhà giáo trong xã hội đồng thời thể hiện rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà giáo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Vấn đề xây dựng Luật cần làm rõ nhiệm vụ đào tạo Nhà giáo; tuyển dụng Nhà giáo; chế độ làm việc, đãi ngộ đối với Nhà giáo.

Xây dựng Luật Nhà giáo đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất với một số Luật hiện hành như: Luật giáo dục, Luật lao động, Luật thi đua-khen thưởng, Luật viên chức...

"Cá nhân tôi cho rằng đội ngũ giáo viên và những người công tác trong ngành giáo dục đều mong muốn Luật Nhà giáo sẽ sớm được xây dựng và xem xét, để các thầy cô an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước", ông Phán nói.

Qua nghiên cứu về Dự thảo Luật Nhà giáo, các thầy cô giáo tại Giáo dục huyện Kiến Thuỵ nhất trí thực hiện giải pháp 2, trong chính sách 1: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo.

Cụ thể, giải pháp 2, căn cứ vào Luật Giáo dục, Luật Viên chức và các Luật hiện hành, ban hành quy định thống nhất về định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo trong Luật Nhà giáo để làm cơ sở pháp lý trong việc đào tạo sinh viên sư phạm, để tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng, sa thải nhà giáo. Điều này chấm dứt tình trạng chồng chéo, quá nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí cho Nhà giáo như hiện nay.

Về chính sách 2: Tiêu chuẩn nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo. Thầy cô nhất trí thực hiện Giải pháp 2, ban hành quy định thống nhất về tiêu chuẩn nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo trong Luật Giáo dục.

Ngành Giáo dục huyện Kiến Thuỵ nêu đề xuất: Trong quá trình luật hóa cần làm rõ chế độ làm việc đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và chế độ làm việc đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Với chính sách 3: Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo, thầy cô đề xuất trong quá trình luật hóa cần bổ sung quy định về cơ chế để nhà giáo học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Thầy cô đề xuất ở chính sách 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo. Cụ thể, trong quá trình luật hóa cần bổ sung quy định về tiền thưởng, thu nhập tăng thêm đối với nhà giáo hoàn thành xuất sắc hoặc có thành tích nổi bật.

Cụ thể hóa vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo và chính sách tiền lương

Theo cô Trương Thị An - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của đội ngũ công chức, viên chức ngành Giáo dục.

Các thầy cô giáo thấy sự cần thiết của việc xây dựng Luật Nhà giáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Thầy cô giáo tại huyện An Lão mong muốn, khi nhà giáo có bằng thạc sĩ trở lên (trình độ trên chuẩn) thì chế độ tiền lương của các giáo viên cần phải được thay đổi so với trước đây để tránh thiệt thòi.

Bởi họ là những người ham học hỏi, luôn có tinh thần ý chí cao trong việc bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân. Từ chính sách tốt mới thúc đẩy nhà giáo học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để cống hiến cho ngành giáo dục.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên (Ảnh: Lã Tiến)

Việc xây dựng Luật Nhà giáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên (Ảnh: Lã Tiến)

Cô An cho rằng, Luật Nhà giáo cần cụ thể hóa vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo và chính sách tiền lương. Bởi, hiện nay mức lương của giáo viên còn thấp so với các ngành, nghề khác, đặc biệt giáo viên mới ra trường lương khởi điểm rất thấp.

Nhà nước cần nâng lương cho nhà giáo để họ đủ sống, yên tâm công tác. Thậm chí, giáo viên được ưu tiên xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng miền.

Bên cạnh đó, cần ban hành những điều luật rõ ràng để bảo vệ tính mạng sức khỏe danh dự và nhân phẩm của giáo viên nếu có những hành vi, thái độ bôi nhọ, xúc phạm đến thầy cô.

Hình phạt đủ sức răn đe và cũng cần cụ thể hóa các quy định bảo vệ danh dự nhân phẩm và thân thể nhà giáo đặc biệt trên không gian mạng.

Thầy cô ngành Giáo dục huyện An Lão mong muốn cần xem xét lại tiêu chí trong Chính sách 2: Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo. Nhà giáo được quy định là người làm công tác đặc thù nên không nằm trong chế độ giảm 10% biên chế viên chức.

Tại chính sách 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, nhiều thầy cô cho rằng, lương của nhà giáo nên được hưởng theo bằng cấp, không phân biệt mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Mỗi cấp học có một khó khăn vất vả riêng, hiện nay giáo viên bậc học mầm non, tiểu học được hưởng hệ số thấp nhất.

Thời gian xét nâng hạng cho giáo viên cần thay đổi, 9 năm là quá dài. Chế độ khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo cần thay đổi: Không nên khống chế số lượng, luật nhà giáo nên đưa ra tiêu chí cụ thể, thầy cô đạt tiêu chí là công nhận, để tạo động lực, khuyến khích đội ngũ. Có phụ cấp ưu đãi riêng đối với các giáo viên trực tiếp dạy trẻ hòa nhập tự kỷ, phổ tự kỷ.

"Do đặc thù công việc, luật nhà giáo nên giữ quy định tuổi hưu như quy định trước đây. Đối với nữ tuổi hưu nên là 55, đối với nam nên là 60", cô An kiến nghị.

LÃ TIẾN