Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng có “chất riêng” để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú của du khách không riêng vào những tháng cao điểm mùa hè mà xuyên suốt cả năm là bài toán ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh quan tâm.
Đặc biệt, theo đánh giá của các hãng lữ hành, những năm gần đây, du khách nhất là du khách quốc tế đến Quảng Ninh thường có xu hướng tham quan, khám phá những nét đặc trưng của địa phương.
Theo đó, một số địa phương ở Quảng Ninh đã liên kết với doanh nghiệp nhằm tận dụng lợi thế về thắng cảnh, nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán sản xuất để hình thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Tạo sản phẩm du lịch với “chất riêng”
Đầu năm 2023, huyện Bình Liêu đã chấp thuận văn bản đề xuất của 2 Công ty du lịch là: Công ty TNHH Du lịch Anytrails và Authentic Asia (Hà Nội) để triển khai tour khách du lịch nước ngoài đến tham quan trải nghiệm ở Bình Liêu.
Nét riêng được Bình Liêu giới thiệu với du khách là tham quan và lưu trú ở các bản, các điểm đến có cảnh quan, văn hóa đặc sắc như: Cao Sơn (xã Hoành Mô), Khe Tiền - Sông Moóc (xã Đồng Văn); khám phá rừng hồi, sở; check-in thác Khe Tiền - Sông Moóc…
Trong đó, huyện cũng tạo nên nhiều sản phẩm du lịch riêng như: trải nghiệm văn hóa người Dao bản địa; trải nghiệm, lưu trú ở các ngôi nhà trình tường…
Điều này giúp Bình Liêu đa dạng, mở rộng thị trường khách du lịch, khắc phục du lịch theo mùa, tạo sản phẩm vệ tinh cho du lịch Vịnh Hạ Long.
Đặc biệt, ruộng bậc thang, mùa vàng Bình Liêu là “nét riêng” độc đáo, vô cùng thu hút và được coi là nguyên liệu "vàng" cho các sản phẩm du lịch, hướng tới phát triển bền vững.
Huyện Bình Liêu mang đến cho du khách nhiều sản phẩm du lịch độc đáo gắn với nét đẹp văn hoá truyền thống (Ảnh: CTV) |
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ruộng bậc thang có từ lâu đời, gắn liền với cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu. Ruộng bậc thang còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa độc đáo.
Tháng 11/2020, ruộng bậc thang đẹp nhất ở Lục Hồn (xã Lục Hồn, Bình Liêu) được công nhận là Di tích, danh thắng cấp tỉnh. Chuyên gia UNESCO Việt Nam khi tới Bình Liêu tháng 11/2020 cũng đánh giá cao cảnh đẹp, giá trị ruộng bậc thang và các nét văn hóa trong cộng đồng nơi đây,
Để phát huy hết giá trị, bản sắc cũng như hướng tới phát triển bền vững, ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hoá – Truyền thông huyện Bình Liêu, cho biết, huyện quan tâm lựa chọn, khai thác, phát huy những giá trị đặc trưng nhất của di tích để vừa bảo tồn, phát huy được thắng cảnh vừa hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Huyện đã tiến hành bảo tồn nguyên trạng khu vực vùng lõi di tích, tiếp tục mở rộng diện tích ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện phù hợp; lập quy hoạch bảo vệ di tích, danh thắng.
Cụ thể hơn, huyện khoanh vùng, bảo vệ, gắn bia di tích; xây dựng quy chế bảo vệ, ký cam kết với địa phương, thôn bản, cam kết không xâm lấn, phá hoại. Đồng thời, thành lập các tổ, đội tự quản bảo vệ khu vực di tích...
Xác định giá trị văn hóa của bà con dân tộc sinh sống trong vùng di sản ruộng bậc thang là phần hồn cốt quan trọng, huyện Bình Liêu đã nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ mừng cơm mới (dân tộc Tày), Lễ cầu mùa (dân tộc Sán chỉ) và đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một trong những điểm mấu chốt, được Bình Liêu đặc biệt quan tâm là tạo sức hút riêng biệt cho di tích. Đó là nghiên cứu bảo tồn, phục dựng các lễ hội (Lễ hội cầu mùa, Lễ mừng cơm mới); các trò chơi dân gian (ném còn, đánh quay, đi cà kheo...); truyền dạy dân ca, dân vũ và các nghề truyền thống…
Mùa vàng Bình Liêu là “nét riêng” độc đáo thu hút du khách (Ảnh: CTV) |
Về lâu dài, huyện Bình Liêu nghiên cứu, phát triển không gian du lịch của ruộng bậc thang Lục Hồn trên cơ sở kết nối du lịch với núi Cao Xiêm, đầu tư kết cấu hạ tầng (giao thông từ Ngàn Pạt lên núi Cao Xiêm, điểm chụp ảnh check-in, bay dù lượn)… tại khu vực núi Cao Xiêm.
Huyện cũng xúc tiến đầu tư mời gọi thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển sản phẩm du lịch nhằm phát huy di tích, danh thắng ruộng bậc thang Lục Hồn.
Hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nét đẹp văn hoá, truyền thống, một số địa phương khác ở Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch mang "chất riêng" như thị xã Quảng Yên tập trung triển khai du lịch làng nghề.
Thị xã đặc biệt quan tâm bảo tồn, thúc đẩy các làng nghề thủ công truyền thống như mô hình thuyền nan, thuyền gỗ, làm các sản phẩm bánh gio, bánh dày, bánh đa,...ở Phong Cốc, Phong Hải, Hiệp Hòa, Cộng Hòa, Tiền An.
Đồng thời, nghiên cứu đưa làn điệu hát đúm, ba giá đồng, hát chèo, hò biển vào phục vụ khách du lịch. Thành công của làng nghề Nam Hòa hút lượng khách tàu biển lớn từ Saigontourist và các hãng lữ hành lớn trước dịch Covid-19 là cơ sở xác thực cho điều này.
Còn tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), mô hình du lịch canh nông đang là một trong những sản phẩm du lịch triển vọng.
Mô hình du lịch canh nông tại thị xã Đông Triều (Ảnh: CTV) |
Cụ thể, thị xã thí điểm mô hình này ở thôn Tân Thành (xã Việt Dân). Lấy du lịch miệt vườn ở xã nông thôn mới, thủ phủ xanh, trù phú của cây ăn trái làm sức hút.
Địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ các hộ quy hoạch vườn phù hợp với du lịch, đưa du khách thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp, thưởng thức hoa trái, sản phẩm tại vườn.
Mô hình trải nghiệm được thiết kế đơn giản, thuận theo tự nhiên, hoạt động canh tác của người nông dân vẫn diễn ra bình thường.
Du khách khi tới đây trải nghiệm miệt vườn, có thể xem trực tiếp, có những cảm nhận thực về các loại cây trái, vườn tược cũng như tập tục canh tác nông nghiệp, được thưởng thức các loại trái cây trong vườn “mùa nào thức ấy”…
Du lịch biển không mùa vụ
Không riêng việc tập trung vào khai thác sản phẩm du lịch gắn với nét đẹp văn hoá, truyền thống, du lịch biển tại Quảng Ninh cũng đang chuyển hướng, đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút du khách dịp cuối năm.
Năm 2023, trong định hướng phát triển du lịch, huyện Cô Tô đã đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể và hướng tới du lịch Cô Tô không mùa vụ.
Nhằm quảng bá, kích cầu du lịch, phát triển du lịch 4 mùa, huyện Cô Tô vừa ban hành kế hoạch tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn cùng nhiều hoạt động du lịch sôi động dịp cuối năm.
Biển Cô Tô những ngày đầu thu (Ảnh: PL) |
Theo đó, Cô Tô tổ chức, thúc đẩy nhiều hoạt động để phát triển thị trường nội địa, trong đó tập trung vào tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao có tính chất sôi động.
Tổ chức hoạt động Cô Tô – trải nghiệm mùa thu, mùa biển đẹp nhất thông qua việc mời các nhóm KOLs (nhóm người có tầm ảnh hưởng) trải nghiệm du lịch Cô Tô mùa thu và giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội; khai thác thị trường khách qua Cảng hàng không Vân Đồn; thu hút khách tham gia các hội chợ du lịch...
Đồng thời, huyện cũng vận động các doanh nghiệp duy trì tốt dịch vụ du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Với thị trường du lịch quốc tế, Cô Tô phối hợp với Cục Du lịch Việt Nam tiếp đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế truyền thông về Cô Tô.
Ký kết, hợp tác với các hãng lữ hành trong nước và quốc tế; tham gia các sự kiện hội chợ du lịch quốc tế lớn, uy tín (như: Hội chợ ITE Hồ Chí Minh 2023, Hội chợ Du lịch Quốc tế tại Đà Nẵng hoặc Cần Thơ…).
Hiện, Cô Tô là một trong những địa phương triển khai được nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và chính sách giảm giá kích cầu hấp dẫn du lịch dù đã qua mùa cao điểm.
Có thể thấy, trên thực tế, các địa phương, doanh nghiệp từng rất thành công khi khai thác "chất riêng" của địa phương, tiêu biểu như: Sản phẩm du lịch làng quê Yên Đức, sản phẩm "Một ngày làm ngư dân" trên Vịnh Hạ Long, đảo Quan Lạn, huyện Cô Tô...
Được biết, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã, đang đưa hàng chục sản phẩm du lịch mới vào khai thác, trong đó không ít sản phẩm mang đặc trưng, nét riêng của từng địa phương.
Theo thông tin từ Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, 8 tháng qua, tỉnh đón 12,06 triệu lượt du khách (gấp 1,47 lần cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khách quốc tế đạt 875.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 24.000 tỷ đồng (gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2022).
Theo kế hoạch, quý III/2023, Quảng Ninh sẽ đón khoảng 4,13 triệu khách, doanh thu du lịch đạt 9.800 tỷ đồng. 9 tháng sẽ đón gần 13 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng.