Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những cơ sở để thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học không ngừng đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là phương tiện để quản lý chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là trong điều kiện tự chủ đại học.
Tuy nhiên, vừa qua có nhiều ý kiến phản ánh cho rằng nguồn lực tài chính chi cho công tác kiểm định rất lớn. Điều này trở thành gánh nặng không nhỏ đối với các trường đại học.
Giá trị nhận được từ hoạt động kiểm định chất lượng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông) cho biết, chi phí cho công tác kiểm định chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố: kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục hay chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn trong nước hay quốc tế, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng trong mỗi đợt, ….
“Theo tôi, các ý kiến phản ánh từ một số cơ sở giáo dục đại học về việc chi phí nhiều cho công tác kiểm định chất lượng chủ yếu là đối với chương trình đào tạo. Theo phản hồi của một số cơ sở giáo dục, chi phí để kiểm định chất lượng vào khoảng 250 – 300 triệu đồng/chương trình đào tạo nếu kiểm định chất lượng cùng lúc 04 chương trình đào tạo/đợt (Tức là khi đó kiểm định 4 chương trình đào tạo, chi phí sẽ rơi vào khoảng 1 đến 1,2 tỷ đồng - PV)”, Phó giáo sư Hảo chia sẻ.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông). Ảnh: NVCC |
Theo vị chuyên gia này, với các cơ sở giáo dục có nguồn thu hạn chế, đây là một khoản chi không nhỏ bởi một cơ sở giáo dục có quy mô hạng trung cũng có khoảng 30 chương trình đào tạo. Vì vậy, với chu kỳ kiểm định chất lượng 05 năm cho chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục phải chi hằng năm khoảng 1,5 tỷ đồng cho hoạt động này.
Từ kinh nghiệm đã trực tiếp tham gia kiểm định chất lượng ở nhiều trường đại học, Phó giáo sư Hảo nhận định, chi phí kiểm định chất lượng của Việt Nam hiện chiếm đáng kể ở khâu hậu cần (ăn ở, đi lại của đoàn đánh giá ngoài).
Tổng chi phí thường tỷ lệ thuận với số tiêu chuẩn/tiêu chí. Cụ thể, tiêu chuẩn nhiều đồng nghĩa yêu cầu số lượng các chuyên gia, số ngày đánh giá ngoài càng nhiều, theo đó chi phí lương và hậu cần cũng tăng lên.
Theo chuyên gia, bộ tiêu chuẩn mới của AUN-QA đánh giá cơ sở giáo dục (phiên bản 3.0) và chương trình đào tạo (phiên bản 4.0) đã giảm đáng kể số tiêu chuẩn. Do vậy, Phó giáo sư Hảo cho rằng đây là dịp để Việt Nam cập nhật các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, cải tiến quy định về đánh giá ngoài (trong đó giảm số lượng thành viên và số ngày khảo sát chính thức tối thiểu), từ đó có thể giảm đáng kể chi phí kiểm định chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh chi phí cho hoạt động kiểm định, vị chuyên gia cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học nên chú trọng thêm về những giá trị nhận được từ hoạt động kiểm định.
“Có một điều chưa thật sự được dư luận chú ý là bên cạnh việc “tốn kém chi phí”, những lợi ích về chất lượng và hiệu quả mà các cơ sở giáo dục nhận được thông qua hoạt động kiểm định chất lượng là gì. Ít nhất, các cơ sở giáo dục đã có cơ hội để nâng cao năng lực quản trị, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên được bồi dưỡng hoặc nâng cao năng lực về xây dựng và phát triển chương trình đào tạo”, Phó giáo sư Hảo bày tỏ.
Có nên "tự kiểm định"
Từ thực tiễn hoạt động, nhằm giảm áp lực “chi phí” tài chính, một số cơ sở giáo dục đã đề xuất cho phép trường đại học được tự kiểm định các chương trình đào tạo.
Trưởng bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông cho rằng, “tự kiểm định” (self-accredit) là một cách nói chưa phù hợp với yêu cầu “độc lập” của hoạt động kiểm định chất lượng theo quy định của Việt Nam (Luật giáo dục đại học). Tuy nhiên, đây là một hình thức kiểm định chất lượng đối với chương trình đào tạo ở bậc đại học đã được áp dụng phổ biến tại một số quốc gia như Úc, Malaysia.
“Trong bối cảnh số lượng cơ sở giáo dục đại học lớn và nguồn lực tổ chức công tác kiểm định chất lượng còn hạn chế như tại Việt Nam thì đây là một giải pháp cũng cần được nghiên cứu để vận dụng trong tương lai gần”, Phó giáo sư Hảo nêu ý kiến.
Chia sẻ kinh nghiệm kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Úc, thầy Hảo cho biết, tại đây những cơ sở giáo dục đại học đáp ứng các yêu cầu khắt khe về bảo đảm chất lượng bên trong có thể tự tổ chức tốt công tác tự kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, dưới sự giám sát của một cơ quan chuyên môn của Chính phủ (TEQSA).
Để có thể vận dụng hình thức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo này, chuyên gia đề xuất Việt Nam cần có những điều chỉnh liên quan về mặt pháp lý (như điều chỉnh Luật Giáo dục đại học), về công tác tổ chức hoạt động kiểm định chất lượng (như giao quyền giám sát hoạt động tự kiểm định chất lượng cho một cơ quan hoặc hội đồng cấp quốc gia) và ban hành các yêu cầu cụ thể về cấp phép cho hoạt động này.
Phân tích thêm về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo hiện nay của Việt Nam (thông tư 04/2016/TT-BGDĐT), Phó giáo sư Hảo chỉ ra rằng, chỉ có 17 trong tổng số 50 tiêu chí là liên quan trực tiếp đến chương trình đào tạo, số tiêu chí còn lại phần lớn liên quan đến cả cơ sở giáo dục.
Trong khi đó, trong số 25 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục (Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT), ít ra là có 05 tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo (Tiêu chuẩn 13: Tuyển sinh và nhập học, Tiêu chuẩn 14: Thiết kế và rà soát chương trình dạy học, Tiêu chuẩn 15: Giảng dạy và học tập, Tiêu chuẩn 16: Đánh giá người học, Tiêu chuẩn 22: Kết quả đào tạo).
“Như vậy, việc lấy hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục làm nền tảng và đi kèm các điều kiện để cấp phép cho hoạt động tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là giải pháp có tính hợp lý. Tất nhiên, khi đó các cơ sở giáo dục có thể hoặc nên thực hiện kiểm định chất lượng một số chương trình đào tạo đặc thù theo các chuẩn kiểm định chất lượng nghề nghiệp quốc tế để tăng cường tính giá trị và thương hiệu”, chuyên gia đề xuất giải pháp.
Có thể lấy một phép so sánh ẩn dụ để thấy tính hợp lý của hoạt động tự kiểm định chất lượng. Chúng ta hiện chỉ cấp “Chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm” cho một cơ sở kinh doanh ăn uống chứ không phải cấp chứng nhận tương tự cho mỗi món ăn của cơ sở này, bởi có sự tin tưởng mang tính logic là một cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm thì tất yếu các món ăn được cơ sở này chế biến cũng đáp ứng được các yêu cầu như vậy! (PGS.TS. Lê Văn Hảo)
Gần đây cũng có một số ý kiến lo ngại về tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nếu cho phép cơ sở giáo dục được tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bởi có thể dẫn đến những hệ luỵ về chất lượng. Theo Phó giáo sư Hảo, giáo dục đại học Malaysia cũng đã từng có những băn khoăn như vậy khi bắt đầu triển khai cấp phép tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (từ năm 2010).
Tuy nhiên, đến nay, một trong những thành tựu mà giáo dục đại học Malaysia đã đạt được trong lĩnh vực này là “Quyền được tự kiểm định chất lượng là một bằng chứng có thể tự hào để cơ sở giáo dục thu hút người học và cán bộ” (Self-accreditation status is a badge of honour which can be used to attract students and staff to the university).
Chia sẻ một số quan điểm về việc nâng cao hiệu quả việc quản lý chất lượng giáo dục đại học với tinh thần thực chất, minh bạch, Phó giáo sư Hảo nhận định, chất lượng (của một cơ sở giáo dục, nói riêng) cần bắt đầu từ bên trong để từ đó từng bước khẳng định thương hiệu (“Quality begins on the inside, then works its way out” – Bob Moawad).
Theo chuyên gia, bối cảnh của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam có một đặc điểm là trong khi nhiều cơ sở giáo dục chưa tổ chức tốt công tác bảo đảm chất lượng bên trong thì đã phải tập trung các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục lẫn chương trình đào tạo. Thực tế đó có thể dẫn đến những cách làm kiểm định chất lượng mang tính đối phó ở một số nơi.
“Tuy nhiên, có thể tin tưởng rằng một khi hoạt động kiểm định chất lượng ở mỗi cơ sở giáo dục đã đi vào nề nếp, những thói quen và cách làm tốt sẽ dần được hình thành và văn hóa chất lượng sẽ từng bước được định hình. Vấn đề còn lại là lãnh đạo ở mỗi cơ sở giáo dục cần sớm nhận diện những tín hiệu tích cực đó và tạo môi trường thuận lợi để các giá trị này phát triển không ngừng!”, Phó giáo sư Lê Văn Hảo bày tỏ sự tin tưởng.
Về lộ trình thực hiện kiểm định, hiện nay chúng ta đang tiến hành kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo với chu kỳ 5 năm/lần. Có ý kiến đề xuất cần xem xét xây dựng lại lộ trình cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay.
Về vấn đề này, Phó giáo sư Hảo chia sẻ, nhìn chung, chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo phụ thuộc vào mỗi quốc gia, mỗi tổ chức kiểm định chất lượng và mức độ đáp ứng của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đối với một bộ tiêu chuẩn cụ thể, phổ biến từ 5 đến 10 năm.
Do yêu cầu cập nhật, hoàn thiện đối với chương trình đào tạo có tính thường xuyên hơn so với cơ sở giáo dục nên chu kỳ kiểm định chất lượng tương ứng cũng thường ngắn hơn, phổ biến từ 3 đến 6 năm.
Hai bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo) hiện hành của Việt Nam dựa vào hai bộ tiêu chuẩn tương ứng của Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á (AUN) và cũng lấy thời hạn công nhận (validity) kết quả kiểm định chất lượng 05 năm như đối với tổ chức này.
Trong tương lai, Việt Nam có thể xem xét kéo dài thời hạn công nhận kết quả kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, vẫn nên tiếp tục duy trì chu kỳ 05 năm đối với chương trình đào tạo.