Trường học ở Hải Phòng tư vấn cho học sinh biết tự bảo vệ bản thân

22/09/2023 09:09
Phạm Linh
GDVN- Việc tuyên truyền và tư vấn về xâm hại tình dục và bạo lực học đường giúp cho học sinh có thêm kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân. .

Nhằm giúp cho học sinh có thêm kiến thức về xâm hại tình dục và bạo lực học đường, chiều 21/9, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng phối hợp với Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề tuyên truyền về bảo vệ trẻ em với chủ đề: “Tuyên truyền, tư vấn về xâm hại tình dục và bạo lực học đường”.

Đông đảo học sinh Trường Trung học cơ sở Hùng Vương tham gia tư vấn về bảo vệ trẻ em (Ảnh: Phạm Linh)

Đông đảo học sinh Trường Trung học cơ sở Hùng Vương tham gia tư vấn về bảo vệ trẻ em (Ảnh: Phạm Linh)

Theo cô Nguyễn Thị Kim Oanh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, thực tế có rất nhiều vụ học sinh từ mầm non cho đến trung học phổ thông ở Việt Nam bị xâm hại và bạo lực với nhiều hình thức khác nhau.

Hằng năm đều có những vụ việc đáng tiếc xảy ra như như bảo mẫu hành hạ trẻ em, bố mẹ bạo lực với con, giáo viên đánh học sinh hoặc chính học sinh xô xát với nhau, nhất ở lứa tuổi học trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Từ thực tế trên, việc tuyên truyền giúp học sinh, nhất là lứa tuổi trung học cơ sở hiểu về xâm hại và bạo lực học đường rất bức thiết.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Oanh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hùng Vương việc tuyên truyền giúp học sinh, nhất là lứa tuổi trung học cơ sở hiểu về xâm hại và bạo lực học đường rất bức thiết (Ảnh: Phạm Linh)

Theo cô Nguyễn Thị Kim Oanh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hùng Vương việc tuyên truyền giúp học sinh, nhất là lứa tuổi trung học cơ sở hiểu về xâm hại và bạo lực học đường rất bức thiết (Ảnh: Phạm Linh)

Khi đang ở lứa tuổi nghịch ngợm và có nhiều biến đổi về tâm sinh lý nhất, rất nhiều em có tâm lý ngang ngạnh, gây tâm lý bức xúc cho người lớn. Nếu học sinh thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân thì rất dễ xảy ra việc bị đánh mắng, xúc phạm về thân thể và tinh thần.

Cô Kim Oanh nhấn mạnh: “Tuyên truyền và tư vấn về xâm hại tình dục và bạo lực học đường giúp học sinh hiểu được mình có quyền gì, được bảo vệ như thế nào.

Không riêng học sinh mà phụ huynh, giáo viên nhà trường cũng là những người được tuyên truyền, tư vấn để hiểu được trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Khi học sinh ý thức về việc bản thân được bảo vệ an toàn tại trường học, gia đình thì cũng có trách nhiệm bảo vệ đối với bạn bè, những người xung quanh mình”.

Tại chuyên đề, cô Phạm Thị Thanh Nhàn – chuyên viên Phòng Trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cung cấp cho học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên nhà trường những thông tin về những vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong đó số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao.

Đây không phải là vấn nạn mới mà là vấn đề nhức nhối đã, đang xảy ra tại thành phố Hải Phòng và khắp cả nước.

Học sinh chăm chú lắng nghe và trả lời các câu hỏi của chuyên viên Thanh Nhàn (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh chăm chú lắng nghe và trả lời các câu hỏi của chuyên viên Thanh Nhàn (Ảnh: Phạm Linh)

Để tạo tâm lý hào hứng cho học sinh, chuyên viên Thanh Nhàn sử dụng phương pháp hỏi – đáp và có phần quà khuyến khích để học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức.

Một số vấn đề được tìm hiểu trong chuyên đề gồm: độ tuổi của trẻ em, quyền trẻ em, tại sao trẻ em cần được bảo vệ, xâm hại trẻ em là gì và các hình thức xâm hại, cách nhận biết và bảo vệ bản thân khỏi những hành vi xâm hại và bạo lực học đường.

Tham gia chuyên đề về bảo vệ trẻ em, nhiều em học sinh hăng hái phát biểu để chia sẻ về cách nghĩ, cảm nhận của bản thân về xâm hại tình dục và bạo lực học đường.

Thông qua buổi tư vấn, học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân khỏi xâm hại và bạo lực học đường (Ảnh: Phạm Linh)

Thông qua buổi tư vấn, học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân khỏi xâm hại và bạo lực học đường (Ảnh: Phạm Linh)

Theo em Phạm Nguyễn Minh Phương – học sinh lớp 8A3, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, chuyên đề tư vấn, tuyên truyền về vấn đề này rất thiết thực và ý nghĩa với học sinh: “Xâm hại tình dục và bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn nhưng bản thân em và nhiều bạn học chưa có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để hiểu và biết cách bảo vệ bản thân.

Khi chia sẻ cùng bố mẹ về vấn đề này cũng rất ngại ngùng, xấu hổ nên em nghĩ sẽ có những bạn đã trở thành nạn nhân nhưng không nói ra. Điều này gây tổn thương rất lớn và em nghĩ không dễ dàng để vượt qua nếu trở thành nạn nhân.

Sau khi tham gia buổi tư vấn hôm nay em hiểu được bản thân phải biết tự bảo vệ và xảy ra phải ngay lập tức chia sẻ với bố mẹ, thầy cô. Em cũng sẽ bảo vệ bạn học và em của em để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên mạng xã hội”.

Phạm Linh