Bộ LĐTB&XH đề xuất 8 tiêu chí đánh giá chất lượng trường trung cấp, cao đẳng

26/09/2023 06:36
Khánh An
GDVN-Hiện Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành Công văn số 3933/LĐTBXH-TCGDNN về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Dự kiến, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Theo dự thảo, Bộ đã đề xuất 8 tiêu chí đánh giá chất lượng đối với các trường trung cấp, cao đẳng trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, cụ thể:

Tiêu chí 1- Sứ mạng, mục tiêu và quản lý; Tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo; Tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên; Tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình; Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; Tiêu chí 6 - Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Tiêu chí 7 - Người học và các hoạt động hỗ trợ người học; Tiêu chí 8 - Giám sát, đánh giá chất lượng.

Về điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường trung cấp, cao đẳng, điểm đạt yêu cầu tiêu chuẩn là 2 điểm, tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm.

Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trường đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 02 năm liên tục đối với trường trung cấp, trong 3 năm liên tục đối với trường cao đẳng tính đến thời điểm đánh giá.

Trường trung cấp, cao đẳng được đánh giá là đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đáp ứng các yêu cầu: Tổng số điểm đánh giá các tiêu chí kiểm định đạt từ 80 điểm trở lên; Điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định lớn hơn 60% tổng điểm đánh giá các tiêu chuẩn của tiêu chí đó; Các tiêu chuẩn quy định tại điểm d, đ khoản 2; điểm c, d khoản 3; điểm b, e khoản 4; điểm c, đ, e khoản 5 Điều 5 của Thông tư phải đạt yêu cầu.

Ngược lại, Trường được đánh giá là không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi không đáp ứng các yêu cầu quy định trên.

Đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, theo dự thảo này, sẽ có 7 tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp, gồm:

Tiêu chí 1- Sứ mạng, mục tiêu và quản lý; Tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo; Tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên; Tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình; Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; Tiêu chí 6 - Người học và các hoạt động hỗ trợ người học; Tiêu chí 7 - Giám sát, đánh giá chất lượng.

Về Điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp, nếu tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 4 điểm, tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm.

Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trung tâm giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 01 năm tính đến thời điểm đánh giá.

Dự thảo cũng nêu rõ về các tiêu chí và điểm đánh giá chương trình đào tạo trình độ trung đẳng cấp, cao đẳng.

Theo đó, dự kiến sẽ có 7 tiêu chí để đánh giá chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, gồm: Tiêu chí 1 - Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Tiêu chí 2 - Cấu trúc nội dung của chương trình, giáo trình đào tạo; Tiêu chí 3 - Hoạt động đào tạo; Tiêu chí 4 - Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; Tiêu chí 5 - Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Tiêu chí 6 - Cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu; Tiêu chí 7 - Giám sát đánh giá chất lượng

Với các tiêu chí này, điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 2,5 điểm, tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm.

Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trường đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 03 năm tính đến thời điểm đánh giá đối với chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trong 02 năm tính đến thời điểm đánh giá đối với chương trình đào tạo trình độ trung cấp.

Đối với chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, dự kiến sẽ có 7 tiêu chí đánh giá, cụ thể: Tiêu chí 1- Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Tiêu chí 2 - Cấu trúc nội dung của chương trình, giáo trình đào tạo; Tiêu chí 3 - Hoạt động đào tạo; Tiêu chí 4 - Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; Tiêu chí 5 - Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Tiêu chí 6 - Cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu; Tiêu chí 7 - Giám sát đánh giá chất lượng và kết quả đầu ra.

Điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đối với chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nếu đạt yêu cầu là 4 điểm, tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm.

Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở cơ sở đào tạo tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 01 năm tính đến thời điểm đánh giá đối chương trình đào tạo.

Lưu ý: Thông tư này không áp dụng đối với kiểm định chất lượng cơ sở đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm và kiểm định chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khánh An