Với hơn 12 năm ra đời và phát triển, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội là một trường đại học tư thục có định hướng ứng dụng với tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một trong 10 trường đại học lớn nhất về quy mô và uy tín trong lĩnh vực đào tạo về lĩnh vực tài chính ngân hàng, kế toán – kiểm toán, kinh doanh, công nghệ, ngoại ngữ và quản lý.
Hiện, Trường do Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Ánh làm Hiệu trưởng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Bùi Xuân Biên làm Chủ tịch Hội đồng trường.
Qua tìm hiểu, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thấy trên website của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội chỉ hiển thị báo cáo ba công khai của duy nhất năm học 2022-2023.
Trong báo cáo này cho thấy, giảng viên cơ hữu của trường chủ yếu là Thạc sĩ (chiếm khoảng 63%); 25% là giảng viên có trình độ Tiến sĩ; 7% giảng viên có chức danh Phó Giáo sư; 2% giảng viên có chức danh Giáo sư và 3% là giảng viên có trình độ đào tạo đại học.
Ngoài ra, tại báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của trường cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm ra trường tương đối cao (đạt 93,3% đối với Khối ngành III và 90% đối với Khối ngành V).
Đối với báo cáo công khai tài chính của năm học 2022-2023, tổng thu của trường đạt 87,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ học phí chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng thu với 94,8%, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm 4,6%, nguồn thu hợp pháp từ chiếm 0,6%.
Nhiều biến động trong quy mô đào tạo
Thống kê số liệu tại đề án tuyển sinh năm 2023 của trường cho thấy, Khối ngành III có số người học (tính đến 22/02/2023) nhiều nhất, chiếm 91,3% tổng số sinh viên toàn trường.
Cụ thể trong đó, ngành Tài chính – Ngân hàng có quy mô sinh viên cao nhất với 1.282 người học (chiếm khoảng 33,3% tổng số sinh viên toàn trường), xếp thứ 2 là ngành Kế toán với 1.067 người học (chiếm khoảng 27,7% tổng số sinh viên toàn trường). Đây cũng là 2 ngành học có quy mô sinh viên lớn nhất theo thống kê quy mô đào tạo trong Đề án tuyển sinh năm 2022 (tính đến 22/02/2022).
So sánh với đề án tuyển sinh năm 2022 (tính đến ngày 22/02/2022), quy mô sinh viên hệ đại học chính quy của trường có biến động nhẹ.
Quy mô sinh viên hệ đại học chính quy của Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội trong 2 năm gần nhất. |
Từ bảng số liệu trên cho thấy, tổng quy mô đào tạo của trường giảm 96 người sau một năm, từ 3.951 sinh viên (năm 2022) xuống 3.855 sinh viên (năm 2023).
Đáng nói, theo thống kê số liệu từ đề án tuyển sinh 2022 và 2023, mặc dù tổng quy mô đào tạo của cơ sở giảm nhưng một số ngành học lại có quy mô sinh viên tăng như ngành Tài chính – Ngân hàng của trường tăng lên 52 em, từ 1.230 sinh viên (năm 2022) lên 1.282 sinh viên (năm 2023); ngành Kế toán tăng thêm 93 em. Một số ngành học khác cũng tăng thêm quy mô sinh viên như: Kiểm toán, Kinh doanh thương mại, Luật kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh phân bổ theo ngành của trường tại 2 năm tuyển sinh là năm 2021 và 2022 lại không thay đổi. Đến năm 2023, lượng chỉ tiêu tuyển sinh vẫn được giữ nguyên như vậy.
Bên cạnh đó, các ngành giảm quy mô sinh viên sau một năm gồm: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Ngôn ngữ Anh.
Như vậy, có thể thấy, quy mô sinh viên của hầu hết các ngành học thuộc Khối ngành III của Trường đều có xu hướng tăng (trừ ngành Quản trị kinh doanh).
Cũng theo thông tin tại đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, ngành Tài chính – Ngân hàng vẫn là ngành học có số lượng học viên cao học nhiều nhất với 55 người/tổng số 106 học viên, tăng 7 người so với năm 2022.
Đáng chú ý, tại đề án tuyển sinh năm học 2022 và đề án tuyển sinh năm học 2023 cho thấy số sinh viên trúng tuyển các năm gần đây của trường đều cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh.
Số sinh viên trúng tuyển 3 năm gần nhất của Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội. |
Từ bảng số liệu trên, có thể thấy, năm 2020, số sinh viên trúng tuyển vượt 5,6% so với chỉ tiêu được phê duyệt.
Năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh là 1000 nhưng số sinh viên trúng tuyển vượt 11,2% so với chỉ tiêu được phê duyệt.
Đến năm 2022, số sinh viên trúng tuyển vượt 1,7% so với chỉ tiêu được phê duyệt.
Khối ngành III gồm các ngành: Tài chính-Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh thương mại, Luật kinh tế;
Khối ngành V gồm các ngành: Công nghệ thông tin
Khối ngành VII gồm các ngành: Ngôn ngữ Anh