Giáo viên mong học bạ điện tử sẽ sớm được triển khai đồng loạt trên toàn quốc

29/10/2023 07:35
Ánh Dương
GDVN- Thông tin Bộ Giáo dục sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực cho giáo viên được thầy cô giáo ủng hộ và chờ đợi.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin với truyền thông rằng rằng, sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính và áp lực cho giáo viên và các nhà trường. [1]

Thông tin trên đã khiến nhiều giáo viên quan tâm, cho rằng điều này là rất cần thiết và có nhiều điểm thuận tiện. Thầy cô giáo mong học bạ điện tử sẽ được ngành giáo dục triển khai đồng loạt trên toàn quốc vào thời gian tới.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơ quan này đã có Thông tư khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử.

Các trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, trong đó có những nơi đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các trường khác tỉnh không đồng nhất.

“Học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người, tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý, có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số.

Nếu làm được học bạ điện tử sẽ mang lại lợi ích xã hội, cho nhà trường, giáo viên, học sinh rất lớn”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói thêm.

Chính vì thế, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Vụ, Cục phải thí điểm triển khai việc này trên toàn quốc, và sau đó đánh giá chính xác kết quả mô hình, sẽ có hướng dẫn, thể chế để thực hiện. Hiện nay, các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường có nhiều ưu điểm như: học bạ điện tử trữ rất tốt còn học bạ giấy dễ nhàu nát, để lâu có thể bị mối mọt, bị hỏng.

Cùng với đó, học bạ điện tử giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào cũng sẽ nghiên cứu để tái cấu trúc, quy trình học bạ điện tử để làm sao cho đảm bảo yêu cầu nhưng đơn giản.

Ngoài ra, học bạ điện tử góp phần minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện và đặc biệt hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập học sinh.

Nỗi khổ của giáo viên khi sử dụng học bạ giấy

Còn nhớ vào năm 2022, nhiều giáo viên Trường Trung học phổ thông thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) phản ánh, thay vì để giáo viên trực tiếp vào điểm học bạ, nhà trường yêu cầu thầy cô ký xác nhận trước rồi thuê người khác nhập điểm sau. [2]

Việc ký khống học bạ (khi chưa có điểm) được thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo nhà trường từ nhiều năm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp sau đó nhận định, việc làm của trường này vi phạm quy chế đánh giá, xếp loại học sinh.

Sự việc này khiến nhiều giáo viên lo ngại về cách quản lý, sử dụng sổ học bạ giấy hiện nay. Và câu hỏi được đặt ra là, tại sao nhiều năm nay ngành giáo dục không sử dụng học bạ điện tử thay thế học bạ giấy?

Có thể nhận thấy, ngành giáo dục đã và đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Đó là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thông tin Internet vào lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.

Tuy vậy, hầu hết các nhà trường phổ thông vẫn sử dụng học bạ giấy là lạc hậu, khiến giáo viên rất mệt mỏi.

Ví dụ, giáo viên A dạy môn Giáo dục kinh tế pháp luật cho 20 lớp 10, trung bình mỗi lớp có 45 học sinh thì người thầy phải viết 900 cuốn học bạ, mỗi cuốn lại ghi nhiều trang từ trang bìa đến các trang ruột.

Giáo viên cũng không thể mang học bạ về nhà viết nên cứ dạy xong hoặc có tiết trống, buổi trống là thầy cô lại tranh thủ viết học bạ cho kịp tiến độ.

Việc ghi học bạ thủ công rất dễ xảy ra sai sót khi vô điểm trung bình môn. Nếu sử dụng học bạ điện tử, sai sót cũng có thể xảy ra nhưng việc sửa chữa sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Giáo viên dạy môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh,… thường dạy ít lớp hơn nhưng thầy cô cũng rất áp lực trong việc ghi học bạ sau khi kiểm tra học kì 1 và cuối năm học.

Mỗi khi ghi học bạ, tôi phải tìm chỗ yên tĩnh, kể cả phải tranh thủ ghi vào buổi nghỉ trưa hoặc chiều muộn để dành sự tập trung cao độ, bởi chỉ một chút sao nhãng cũng có thể viết nhầm, phải sửa chữa rất mất thời gian.

Vậy mà có năm tôi phải chạy xe hàng chục cây số đến một nhà sách và thiết bị trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh để mua nhiều cuốn học bạ vì ghi sai năm học ở năm lớp 10.

Nếu sửa chữa bằng bút đỏ thì làm xấu học bạ học sinh và cũng không thể sửa hàng loạt cuốn, cá nhân sẽ bị lãnh đạo phê bình.

Việc ghi học bạ thường xuyên xảy ra sai sót nên hầu hết các nhà trường phổ thông đều có quy định trừ điểm giáo viên nếu thầy cô mắc lỗi vượt tỉ lệ cho phép.

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục nhằm từng bước loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy. [3]

Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai sử dụng sổ điểm, sổ học bạ điện tử như Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa... nhưng Thành phố Hồ Chí Minh thì vẫn sử dụng học bạ giấy.

Một vài trường tư thục ở Thành phố này đang sử dụng học bạ điện tử, giáo viên nhập điểm lên hệ thống. Tuy vậy, thầy cô vẫn phải kí vào học bạ giấy in sẵn, sau đó nhà trường đóng dấu xác nhận. Tức là, học bạ giấy vẫn tồn tại song song với việc số hóa thông tin về điểm.

Bởi vì, hiện nay học bạ giấy đang được sử dụng khi học sinh chuyển cấp, xét tuyển đại học, cao đẳng, du học… vẫn phải có đầy đủ chữ kí của giáo viên và được được dấu đỏ của nhà trường theo quy định.

Liên quan đến việc sử dụng học bạ, theo tìm hiểu của tôi, các trường ở Mỹ, Australia, Singapore lưu trữ thông tin, quá trình học tập của học sinh bằng tài khoản điện tử, chỉ in ra bản giấy khi cần. [4]

Chẳng hạn, ở Australia, các trường học có hệ thống online (trực tuyến) quản lý thông tin và kết quả học tập của học sinh.

Thông tin được lưu trực tuyến nên khi học sinh chuyển trường, trường mới có thể truy cập lịch sử học tập của các em, nếu hệ thống online của trường mới kết nối được với trường cũ.

Hình thức học bạ giấy và điện tử cũng được áp dụng trong các trường ở Singapore. Học sinh phổ thông có học bạ giấy, được trường in ra khi cần. Mỗi học sinh có mã số riêng và thầy cô dùng máy tính để vào điểm, nhận xét cho từng em.

Các dữ liệu này được đưa vào database (cơ sở dữ liệu) của Bộ Giáo dục nên khi chuyển lớp hay chuyển trường, các em không phải tự chuyển dữ liệu. Dữ liệu học sinh chỉ được in ra, ký và đóng dấu trong trường hợp chuyển trường ra nước ngoài.

Thay lời kết

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực cho giáo viên được tôi và các đồng nghiệp ủng hộ, chờ đợi sự thay đổi này.

Ngành giáo dục cần nhanh chóng sử dụng học bạ điện tử giúp giảm khó khăn cho giáo viên và công tác quản lý của nhà trường cũng được bảo mật, an toàn hơn.

Giáo viên chúng tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế và xây dựng học bạ điện tử sao cho đơn giản và dễ sử dụng nhất, bởi vì nhiều thầy cô còn thiếu kĩ năng trong việc sử dụng công nghệ thông tin.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://congthuong.vn/thi-diem-dung-hoc-ba-dien-tu-toan-quoc-nhieu-giao-vien-dong-tinh-277852.html

[2] https://giaoduc.net.vn/chuyen-la-trong-gd-cap-3-tp-sa-dec-cho-nhan-vien-van-phong-ghi-diem-vao-hoc-ba-post225102.gd

[3] https://vnexpress.net/bo-giao-duc-se-lam-hoc-ba-dien-tu-lien-thong-trong-toan-quoc-4661189.html

[4] https://vnexpress.net/cach-dung-hoc-ba-cua-cac-truong-tren-the-gioi-4445417.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương