Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 20/08/2003 theo Quyết định số 174/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng cùng các dịch vụ cho xã hội và ngành ngân hàng.
Trường đặt định hướng trở thành đại học đa ngành và liên ngành nằm trong nhóm các đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á; tiên phong ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên ngành.
Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hà là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung là Hiệu trưởng.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên website của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có đăng tải báo cáo 3 công khai của 5 năm học gần nhất (2018-2019, 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023).
Đáng chú ý, từ báo cáo công khai tài chính tại 5 năm học trên cho thấy, nguồn thu của trường có nhiều sự biến động qua các năm.
Trong đó, nguồn từ ngân sách dù vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng thu năm của trường nhưng lại có xu hướng giảm mạnh qua các năm. Ngược lại, nguồn thu từ học phí và nguồn hợp pháp khác lại có xu hướng tăng mạnh.
Các nguồn, nguồn thu của Trường Đại học Ngân hàng Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm. |
Từ bảng dữ liệu trên, có thể thấy, nguồn từ ngân sách của trường đã giảm từ 63.075 tỷ đồng (năm 2018) xuống còn 58.399 tỷ đồng (năm 2022). Không những vậy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng có xu hướng giảm qua các năm, từ 0,7 tỷ đồng (năm 2018) xuống 0,6 tỷ đồng (năm 2022), dù có tăng vào năm 2019 nhưng sau đó lại tiếp tục giảm sâu.
Trong khi đó, nguồn thu từ học phí lại tăng qua các năm, từ 130 tỷ đồng (năm 2018) lên 359 tỷ đồng (năm 2022); nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác tăng 123 tỷ đồng sau 4 năm (có giảm vào năm 2020 nhưng sau đó lại tiếp tục tăng cao).
Lý giải nguyên nhân vì sao nguồn thu từ nguồn hợp khác lại tăng cao trong những năm gần đây, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong những năm gần đây, trường đã thực hiện rất tốt việc phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhờ việc tuyển dụng, đào tạo được đội ngũ cán bộ, giảng viên xuất sắc, có nhiều người là tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu,….
Qua đó, giúp trường gia tăng mạnh mẽ nguồn thu từ các khóa đào tạo ngắn hạn để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sử dụng các sản phẩm công nghệ mới bên cạnh việc bán các sản phẩm, phần mềm công nghệ mới đó.
Bởi, nhiều dự án nghiên cứu thông minh, tiến bộ chỉ có tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh như như sản phẩm: Công nghệ “bán chéo sản phầm” dựa trên nền tảng máy học (machine learning), Công nghệ “phát hiện gian lận thẻ tín dụng tự động” dựa trên nền tảng máy học (machine learning) và big data.
Và chính các khóa đào tạo đó đã giúp trường tăng mạnh về nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC). |
Với bề dày trong công tác đào tạo và uy tín của nhà trường đã xây dựng, trường đã trúng thầu rất nhiều gói đào tạo ngắn hạn cho cán bộ của nhiều ngân hàng lớn trên khắp cả nước, đơn cử như riêng gói đào tạo của Ngân hàng Agribank đã là 5,5 tỷ đồng,…
Bên cạnh đó, thầy Trung cho biết thêm, việc tăng nguồn thu hợp pháp khác cũng một phần đến từ việc xây dựng tốt hơn, hiện đại hơn hệ thống ký túc xá, thư viện dẫn tới chi phí lưu trú, sử dụng thư viện của người học gia tăng.
Ngoài ra, trường cũng tận dụng tối đa các tài sản công để cho các đơn vị thuê ngắn hạn hợp pháp nhờ việc có hệ thống quản lý tốt về phòng học, cơ sở vật chất.
Về việc nguồn thu học phí cũng tăng mạnh trong những năm gần đây, trong khi đó, quy mô đào tạo gần như không thay đổi, thầy Trung cho hay, trường đã thực hiện chuyển đổi mô hình sang đào tạo chất lượng cao.
Do vậy, đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trước kia đến nay đã chuyển sang hình thức đào tạo chất lượng cao (mức học phí của chương trình chất lượng cao vốn cao hơn chương trình tiêu chuẩn).
Trước khi đưa ra việc chuyển đổi mô hình này, trường đã có nghiên cứu và khảo sát các đối tượng người học và nhận thấy rằng, các bạn trẻ hiện nay rất thích cách thức đào tạo theo hướng chuyển đổi số, phát triển mạnh về khả năng sử dụng tiếng Anh đối với từng chuyên môn của mình và không ngại chi trả học phí cao cho nó.
Theo thầy Trung, lợi thế trong đào tạo chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh là trường đào tạo ưu việt về 4 loại ngôn ngữ: ngôn ngữ tiếng Anh, ngôn ngữ dữ liệu, ngôn ngữ chuyên môn và ngôn ngữ máy tính cùng việc đầu tư mạnh cho hệ thống phòng học thực hành, nghiên cứu cho sinh viên. Chính vì vậy, khi chuyển đổi mô hình đào tạo sang chất lượng cao, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của trường gần như không có biến động.
Hơn nữa, việc gia tăng nguồn thu từ học phí cũng do trường là đơn vị đang đào tạo rất mạnh về văn bằng 2 đối với ngành Luật và ngành Ngôn ngữ Anh (đơn vị nằm trong tốp đào tạo nhiều nhất, chất lượng nhất về văn bằng 2 của 2 ngành học này tại Thành phố Hồ Chí Minh) nhờ trường có thuận lợi là nằm ở vị trí trung tâm thành phố cùng uy tín trong công tác đào tạo (chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất,…).
Mặt khác, về việc nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của trường có xu hướng giảm trong những năm gần đây, thầy Trung cho hay, đặc thù nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường cũng khác so với các cơ sở đào tạo khác.
Trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sẽ bao gồm từ giai đoạn phát triển, chuyển giao công nghệ mới của nhà trường và một giai đoạn quan trọng hơn cả là hướng dẫn các đơn vị, tổ chức sử dụng tốt công nghệ mới đó.
Đây là yếu tố rất quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu của nhà trường bởi trường thường thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn các ngân hàng thương mại với quy mô cho hàng chục nghìn người/đơn vị.
Có thể thấy rằng, các khóa đào tạo ngắn hạn của trường đa phần bắt nguồn từ hoạt động khoa học công nghệ chứ không chỉ đơn thuần theo nhu cầu của xã hội như trước đây và từ trước đây, trường vẫn luôn tính nguồn thu từ các khóa đào tạo ngắn hạn đó vào nguồn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, từ năm học 2023-2024, trường sẽ tính chi phí thu cả từ việc bán sản phẩm và khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, tổ chức vào nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.