Gần 60% giảng viên là thỉnh giảng, HT ĐH Đông Đô nói đó là bình thường

29/11/2023 06:28
Ngọc Huệ
GDVN- Năm 2023, tổng giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn 59 thầy cô so với tổng giảng viên toàn thời gian, chiếm 56,13% tổng giảng viên toàn trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Đề án tuyển sinh năm 2023 và 2022 của Trường Đại học Đông Đô, tổng giảng viên của trường có xu hướng giảm từ năm 2022 đến năm 2023; giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên toàn thời gian của trường.

Số giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên toàn thời gian

Giảng viên Trường Đại học Đông Đô qua các năm thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022. (Bảng: Ngọc Huệ).

Giảng viên Trường Đại học Đông Đô qua các năm thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022. (Bảng: Ngọc Huệ).

Về giảng viên của Trường Đại học Đông Đô, quan sát bảng số liệu cho thấy, từ năm 2022 (495 giảng viên) đến năm 2023 (481 giảng viên), tức giảm 14 người.

Năm 2022, giảng viên toàn thời gian là 225 người. Năm 2023, giảng viên toàn thời gian là 211 (giảm 14 giảng viên so với năm 2022). Số giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn số giảng viên cơ hữu của trường và giữ nguyên tổng 270 trong cả năm 2022 và năm 2023.

Theo đó, năm 2023, tổng giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn 59 thầy cô so với tổng giảng viên toàn thời gian, chiếm 56,13% tổng giảng viên toàn trường. Còn năm 2022, tổng giảng viên thỉnh giảng của trường cũng nhiều hơn 45 giảng viên so với tổng giảng viên toàn thời gian, chiếm 54,54% tổng giảng viên toàn trường.

Về việc số giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn số giảng viên cơ hữu, thông tin tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô cho biết: "Số lượng giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng của một trường không nhất thiết phải cơ hữu nhiều hơn thỉnh giảng hay ngược lại, mà số lượng ấy phải đáp ứng được quy định duy trì ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tức là số giảng viên trên số sinh viên phải đáp ứng quy định trên.

Không nhất thiết phải duy trì số lượng giảng viên nhất định nào đó mà chưa có điều kiện để thầy/cô sử dụng hiệu quả kiến thức, thời gian của mình, gây lãng phí sức xã hội".

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trong cơ cấu giảng viên của trường, giảng viên trình độ thạc sĩ chiếm số lượng nhiều nhất. Cụ thể, năm 2022, số giảng viên trình độ thạc sĩ là 104 (chiếm 46,22% tổng giảng viên toàn thời gian); năm 2023, số giảng viên trình độ thạc sĩ giảm 6 người, còn 98 người nhưng vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, chiếm 46,45% tổng giảng viên toàn thời gian.

Trong khi tại Điểm a, Khoản 2, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định: "...giảng viên thỉnh giảng (tính theo từng năm học) chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo; các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo"

Cả năm 2022 và năm 2023, giảng viên chức danh giáo sư chỉ có 5 người (chiếm 2,37% tổng giảng viên toàn thời gian).

Biểu đồ thể hiện đội ngũ giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Đông Đô thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022. (Biểu đồ: Ngọc Huệ).

Biểu đồ thể hiện đội ngũ giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Đông Đô thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022. (Biểu đồ: Ngọc Huệ).

Theo biểu đồ trên cho thấy, từ năm 2022 đến năm 2023, giảng viên chức danh phó giáo sư giảm 1 người (từ 14 người còn 13 người), chiếm 6,16% tổng giảng viên toàn thời gian.

Giảng viên trình độ tiến sĩ giảm 2 người (từ 62 người còn 60 người), chiếm 28,44% tổng giảng viên toàn thời gian.

Giảng viên trình độ đại học giảm 7 người (từ 27 người còn 20 người), chiếm 9,48% tổng giảng viên toàn thời gian.

Trường Đại học Đông Đô có đào tạo khối ngành đặc thù như: Điều dưỡng, Thú y, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm y học. Do đó, nhà trường có giảng viên là bác sĩ chuyên khoa cấp II, chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp II.

Cụ thể, năm 2023, giảng viên là bác sĩ chuyên khoa cấp II có 4 người (chiếm 1,9% tổng giảng viên toàn thời gian), tăng 2 người so với năm 2022 (tổng 2 người); giảng viên là bác sĩ chuyên khoa cấp I có 9 người (chiếm 4,27% tổng giảng viên toàn thời gian), giảm 2 người so với năm 2022 (tổng 11 người).

Năm 2022, nhà trường không có giảng viên là dược sĩ chuyên khoa II. Đến năm 2023, nhà trường có 2 giảng viên là dược sĩ chuyên khoa II, chiếm chưa đến 1% tổng giảng viên toàn thời gian.

Chia sẻ về số lượng giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư của trường, thầy Sơn cho biết đây là điều mà Ban lãnh đạo nhà trường thường xuyên trăn trở.

"Số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ của nhà trường có tỷ lệ chưa cao là một thực tế. Tuy nhiên, để đào tạo trình độ sau đại học phải có học vị tiến sĩ trở lên.

Tôi nghĩ, số liệu giảng viên có học vị, học hàm của Trường Đại học Đông Đô nêu trong các đề án tuyển sinh các năm gần đây đủ để đảm bảo chất lượng giảng dạy, có thể mới ở mức khiêm tốn nhưng nhà trường đã có chính sách để năm sau, năm sau nữa thu hút nhiều hơn giảng viên có chất lượng", thầy Sơn cho biết.

Được biết, tại Đề án tuyển sinh năm 2023, trong danh sách giảng viên toàn thời gian, 5 giảng viên chức danh giáo sư chủ yếu ở các ngành: Kiến trúc (1 người), Ngôn ngữ Trung Quốc (2 người), Kế toán (1 người), Công nghệ Kỹ thuật môi trường (1 người).

Giảng viên chức danh phó giáo sư tập trung ở các ngành: Công nghệ thông tin (3 người), Tài chính – Ngân hàng (2 người), Công nghệ Kỹ thuật ô tô (1 người),

Các ngành đào tạo có nhiều giảng viên toàn thời gian nhất bao gồm: Công nghệ Kỹ thuật ô tô (11 giảng viên), Công nghệ thông tin (13 giảng viên), Điều dưỡng (15 giảng viên, trong đó tập trung giảng viên là bác sĩ chuyên khoa cấp II, chuyên khoa cấp I), Dược học (25 giảng viên), Kỹ thuật Xét nghiệm y học (17 giảng viên),...

Trong khi đó, ngành Kiến trúc chỉ có 8 giảng viên (trong đó có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư), Kiến trúc Xây dựng có 6 giảng viên (trong đó có 1 phó giáo sư), ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường cũng có 6 giảng viên (trong đó có 1 giáo sư).

Các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Đông Đô:

Khối ngành III: Quản trị kinh doanh, Thương mại điện tử, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Luật Kinh tế.

Khối ngành IV: Công nghệ sinh học.

Khối ngành V: Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật, Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật Điện tử viễn thông, Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng, Thú y.

Khối ngành VI: Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học.

Khối ngành VII: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Quản lý nhà nước, Quan hệ quốc tế, Việt Nam học, Báo chí và Thông tin, Thông tin – Thư viện.

Ngọc Huệ