Đối chiếu theo thống kê của trường, quy mô đào tạo nghiên cứu sinh giảm 88,75%
Khảo sát báo cáo 3 công khai Trường Đại học Lâm nghiệp 3 năm học liên tiếp (từ 2020-2021 đến 2022-2023) cho thấy, quy mô đào tạo của nhà trường có nhiều biến động.
Nhìn vào bảng thống kê, có thể thấy, quy mô đào tạo nghiên cứu sinh có xu hướng giảm trong 3 năm học liên tiếp.
So sánh với năm học 2020-2021, năm học 2021-2022 giảm 10 nghiên cứu sinh, đặc biệt quy mô đào tạo nghiên cứu sinh giảm mạnh trong năm học 2022-2023, giảm tới 71 nghiên cứu sinh (tương đương 88,75%).
Số lượng học viên cao học mỗi năm nhà trường đào tạo có sự biến động, năm học 2021-2022 số lượng học viên cao học tăng 95 người so với năm học trước đó; nhưng sang đến năm học 2022-2023, giảm 160 học viên so với năm học 2021-2022 (giảm 65 người so với năm học 2020-2021)
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Toại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho hay, theo dữ liệu trong báo cáo 3 công khai của năm học 2022-2023, quy mô nghiên cứu sinh của nhà trường là 9 nghiên cứu sinh. Số liệu này là số nghiên cứu sinh tuyển mới tính đến ngày 28/07/2023, dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ tuyển thêm 3 nghiên cứu sinh, nâng tổng số nghiên cứu sinh tuyển mới của năm 2023 lên 12 người.
Thầy Toại chia sẻ thêm, đây chỉ là số lượng tuyển mới, không phải quy mô nghiên cứu sinh của toàn trường; trên thực tế, quy mô đào tạo nghiên cứu sinh của năm 2023 là xấp xỉ với quy mô của 2022. Nếu tính thêm số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới thì quy mô năm 2023 tăng so với năm 2022 là 3 nghiên cứu sinh.
Thống kê quy mô đào tạo năm 2022-2023 của Trường Đại học Lâm nghiệp |
Xét về quy mô đào tạo nghiên cứu sinh trong giai đoạn 2021-2023, quy mô đào tạo năm 2022 và 2023 giảm so với năm 2021. Lý giải về sự sụt giảm này, Phó Giáo sư Phạm Minh Toại cho biết, nguyên nhân là do số lượng người học tốt nghiệp nhiều, mặc dù lượng tuyển mới không giảm.
Ngoài ra, việc giảm quy mô đào tạo nghiên cứu sinh này còn do một số người xin tạm dừng học tập vì hoàn cảnh và điều kiện cá nhân.
Chế độ đãi ngộ trong tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao còn hạn chế cũng là nguyên nhân của việc này. Thầy Toại hy vọng, trong thời gian tới, khi chế độ đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm cải thiện, sẽ góp phần thu hút người học.
Thầy Phó Hiệu trưởng cũng thông tin thêm, kết quả thẩm định ngẫu nhiên 9 luận án do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023 đều đạt yêu cầu 100%. Việc giảm số lượng nghiên cứu sinh trong mấy năm qua chỉ là tạm thời và khó tránh khỏi, nhà trường vẫn đang nỗ lực quan tâm, giải quyết vấn đề này.
91,76% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm
Khảo sát lượng sinh viên tốt nghiệp trong 3 năm gần đây cho thấy số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có xu hướng giảm so với các năm 2020 và 2021. Chi tiết thể hiện trong bảng thống kê sau:
Ngoài ra, báo cáo 3 công khai còn công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường đối với sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy năm học 2021.
Khảo sát được thực hiện từ tháng 8/2022 đến tháng 10/2022, thu được kết quả: Trong số 255 sinh viên phản hồi có 234 sinh viên đã có việc làm, chiếm tỉ lệ 91,76% và có 61 sinh viên vẫn tiếp tục học nâng cao.
Khảo sát này chỉ rõ, đã có 117 sinh viên phản hồi có việc làm đúng với ngành đào tạo (chiếm 45,9%), 61 phản hồi có việc làm liên quan đến ngành đào tạo (chiếm 24%), 56 ý kiến phản hồi có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo (chiếm 22%) và 21 sinh viên phản hồi là chưa có việc làm (chiếm 8,2%).
Tổng thu giảm 50,8%
Về tài chính, Trường Đại học Lâm nghiệp công khai tổng thu năm 2022 là 153,837 tỷ đồng tức giảm 158,62 tỷ đồng (tương đương 50,8%) so với năm 2021.
Nhìn chung, nguồn thu năm học 2022-2023 của Trường Đại học Lâm nghiệp có xu hướng giảm rõ rệt so với năm học trước. Cụ thể, nguồn thu từ ngân sách nhà nước giảm 53,7%; từ học phí giảm 35,5%; nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giảm 67,6% và từ nguồn thu hợp pháp khác giảm 45,5%.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2023, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm 2022 là 31,25 triệu đồng (tăng 10%) so với năm 2021.
Về mức học phí, chương trình đào tạo chuẩn bậc đại học năm học 2022-2023 từ 9,8 triệu đồng đến 11,7 triệu đồng/sinh viên/năm (mức học phí theo tín chỉ tùy ngành theo học từ 272.000 đồng - 337.000 đồng/1 tín chỉ). Học phí chương trình đào tạo tiên tiến (đào tạo bằng tiếng Anh) bậc đại học là 22 triệu đồng/ năm.
Học phí đào tạo bậc trình độ tiến sĩ là 29,25 triệu đồng/ năm, mức đào tạo thạc sĩ là từ 14,7 -17,55 triệu đồng/năm; đối với chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh, mức học phí là 36 triệu đồng/ năm. Còn lại, mức học phí đào tạo hệ vừa học vừa làm từ 12,4-12,94 triệu đồng/năm.
Trao đổi về tổng nguồn thu của trường, thầy Toại cho biết, tổng nguồn thu thực tế năm 2022 (được công khai tại Biểu 21 của báo cáo 3 công khai năm học 2022 - 2023) là chỉ có ở cơ sở chính tại Hà Nội, chưa bao gồm số liệu tổng thu của cả 3 cơ sở (Hà Nội, Gia Lai và Đồng Nai) cùng 1 số đơn vị dự toán trực thuộc trường.
Thầy Toại thông tin, nếu tính tổng toàn trường, con số này là 278,55 tỷ đồng. Còn về nguyên nhân nguồn thu giảm so với năm 2021 là do năm 2022 không phát sinh nguồn ngân sách nhà nước xây dựng cơ bản (năm 2021, ngân sách nhà nước xây dựng cơ bản là 58,62 tỷ đồng).
Dự kiến năm 2023, tổng thu toàn trường đạt trên 300 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước xây dựng cơ bản theo kế hoạch là xấp xỉ 20 tỷ đồng.