Hải Phòng: 281 trường hết hạn đạt chuẩn QG không đăng ký đánh giá công nhận lại

04/11/2023 07:19
LÃ TIẾN
GDVN- Hải Phòng hiện có 445 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 281 trường đã hết thời hạn công nhận, song nhiều trường không đăng ký để đánh giá công nhận lại.

Hiện nay, việc đánh giá công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia được thực hiện theo bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo các Thông tư 17, 18, 19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn gồm 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý của nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.

Đối chiếu với bộ Thông tư quy định về công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia đã hết hiệu lực, bộ Thông tư hiện hành không tăng lên về số tiêu chuẩn (5 tiêu chuẩn), nội dung các tiêu chuẩn không thay đổi.

Những năm qua, thành phố Hải Phòng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (Ảnh: Lã Tiến)

Những năm qua, thành phố Hải Phòng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (Ảnh: Lã Tiến)

Những năm qua, thành phố Hải Phòng ưu tiên dành mọi nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên…

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đạt được chỉ tiêu đề ra.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy-học của giáo viên và học sinh.

Các trường được kết nối mạng internet, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Hệ thống thư viện trong các nhà trường được quan tâm xây dựng, nâng cấp, từng bước được chuẩn hóa; nhà vệ sinh và công trình nước sạch học đường được quan tâm xây dựng, sửa chữa.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, tính đến hết tháng 10/2023, thành phố có 445/655 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,9%. Trong đó có 385 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 60 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Số trường chuẩn quốc gia đã hết thời hạn công nhận là 281 trường và 164 trường còn thời hạn công nhận.

Trong số 445 trường đạt chuẩn quốc gia, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia sớm nhất vào năm 1998, có trường mới được công nhận vào tháng 8/2023.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện nay, có một thực tế nhiều trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố đã hết thời hạn công nhận đạt chuẩn nhưng không đăng ký để được đánh giá công nhận lại.

Nguyên do, các trường này đạt chuẩn đã quá lâu, cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị dạy học đã hư hỏng nhiều, không được đầu tư sửa chữa, xây mới, bổ sung thiết bị nên không đáp ứng quy định để đánh giá công nhận lại.

Nhiều trường tại Hải Phòng đã hết thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia nhưng không đăng ký để đánh giá công nhận lại (Ảnh: Lã Tiến)

Nhiều trường tại Hải Phòng đã hết thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia nhưng không đăng ký để đánh giá công nhận lại (Ảnh: Lã Tiến)

Cũng theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, trong năm 2021, toàn thành phố có 35 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; năm 2022 có thêm 64 trường được công nhận.

Điều đáng nói là, qua thực tế triển khai đánh giá công nhận trường chuẩn, Sở nhận thấy số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng mạnh ở các huyện ngoại thành.

Lý do là các trường ở ngoại thành đủ điều kiện đáp ứng các quy định về cơ sở vật chất, đặc biệt là đáp ứng quy định về diện tích.

Hơn nữa, trường học ở huyện ngoại thành có nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới nên cơ sở vật chất, thiết bị nhà trường được quan tâm đầu tư.

Đặc biệt, việc thực hiện đánh giá công nhận trường chuẩn để đáp ứng quy định tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Việc đánh giá trường đạt chuẩn ở khu vực ngoại thành thuận lợi là vậy, nhưng trong nội thành, các nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay, đối với các trường nội thành, phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ nhưng thiếu diện tích sân chơi, bãi tập.

Nhiều trường có số lớp học vượt quá quy định (theo bộ tiêu chuẩn thì không quá 20 nhóm lớp đối với trường mầm non; không quá 30 lớp đối với tiểu học; bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông không quá 45 lớp); số học sinh/lớp cũng vượt quá quy định.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường trong các quận nội thành, ngày 4/11/2022 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3350/SGDĐT-KTKĐ về việc rà soát, đánh giá cơ sở vật chất đáp ứng quy định về trường chuẩn quốc gia theo Thông tư 13, 14 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cùng với đó, trong năm 2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức 15 hội nghị với 15 quận, huyện về các nội dung liên quan đến giáo dục đào tạo, trong đó có nội dung trường chuẩn quốc gia.

Trên cơ sở số liệu tổng hợp của các cơ sở giáo dục, các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các quận, huyện, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo thành phố về thực trạng giáo dục đào tạo và kiến nghị, đề xuất với Uỷ ban nhân dân thành phố về lộ trình phát triển Giáo dục đào tạo Hải Phòng đến năm 2030.

LÃ TIẾN