Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 4 cấp tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới phương pháp, kỹ thuật giảng dạy, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đã góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác tuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đã chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo quyết liệt thực hiện các nội dung như số hoá thông tin quản lý (hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, dịch vụ công trực tuyến,…) số hoá học liệu (sách giáo khoa, bài giảng, thư viện điện tử,…).
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã chỉ rõ: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của nhân dân toàn thành phố tiến tới xây dựng một thành phố thông minh, thành phố học tập”.
Thực hiện Nghị quyết của thành phố, mỗi cơ sở giáo dục đều có kế hoạch từng bước triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học. Tuy nhiên, để hiểu đúng về chuyển đổi số cũng như xác định đúng lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện nhà trường cũng là một bài toán khó đối với các cơ sở giáo dục.
Trong hành trình tìm lời giải cho công tác chuyển số thì đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là người đứng đầu các cơ sở giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì những kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số của các địa phương, các cơ sở giáo dục hàng ngày đều được chia sẻ trên các nền tảng mảng xã hội hoặc thông qua tập huấn từ trung ương đến địa phương. Kinh nghiệm và các mô hình sáng tạo là những học liệu tham khảo quan trọng nhưng để công tác chuyển đổi số trong trường học đi vào thực chất, hiệu quả lại nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm đổi mới của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục.
Đó là quan điểm của thầy giáo Phạm Ngọc Quang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ với phóng viên về công cuộc thực hiện chuyển đổi số.
Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc đổi mới phương pháp, kỹ thuật giảng dạy, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đã góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực (Ảnh: Phạm Linh) |
Điều quan trọng là tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường
Thầy Phạm Ngọc Quang chia sẻ rằng: “Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng nặng nề tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó, ngành giáo dục và đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn khi giáo viên, học sinh không được tới trường.
Chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến gấp rút khi chưa có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và giáo viên, học sinh cũng chưa từng thực hiện hình thức học tập này nên bước đầu rất gian nan, nhưng đó là giải pháp hiệu quả nhất thời điểm đó.
Tuy nhiên, khi hình thức học trực tuyến dần đi vào ổn định, chất lượng giáo dục cơ bản được giữ vững, tôi nhận thấy rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học sẽ không chỉ là giải pháp tình thế mà còn có thể nhân rộng, phát triển trong tương lai.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần không nhỏ giúp các nhà trường thực hiện mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khi đã có ý tưởng đó, tôi bắt tay vào xây dựng kế hoạch trong đó xác định chuyển đổi số trong ngành giáo dục tập trung vào việc đưa công nghệ thông tin vào trường học chủ yếu dưới 3 hình thức chính: Ứng dụng công nghệ trong lớp học; Ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học và Ứng dụng công nghệ trong quản trị trường học.
Tất nhiên bước đầu sẽ có nhiều khó khăn vì chuyển đổi số là khái niệm mới với rất nhiều câu hỏi được đặt ra như phải bắt đầu từ đâu, thay đổi từ đâu và thay đổi như thế nào cho hợp lý”.
Theo thầy Phạm Ngọc Quang, nhận thức và ý chí quyết tâm đổi mới của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên là chìa khoá để triển khai thành công chuyển đổi số trong trường học. |
Cũng theo thầy Quang, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là về mặt công nghệ mà yếu tố con người mới là điều cần chú trọng. Về bản chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là người trực tiếp thao tác, sử dụng các ứng dụng phục vụ công tác quản lý và dạy học hằng ngày.
Trong khi nhiều người có xu hướng làm việc theo cách truyền thống và có tâm lý ngại bước ra vùng an toàn để phát triển. Thực tế, không riêng ngành giáo dục mà ở các ngành nghề khác việc sợ thất bại, không muốn bỏ thời gian để học kỹ thuật mới, quy trình mới cũng không ít.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở thời điểm đó cũng còn hạn chế về kiến thức công nghệ thông tin, thiếu kĩ năng sử dụng các phần mềm cũng là một trong những trở ngại rất lớn với công tác chuyển đổi số trong nhà trường.
Trong khi để chuyển đổi số thành công, nhà trường cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn chắc chắn và tư tưởng mở, luôn sẵn sàng thay đổi. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cũng cần được đào tạo cách làm việc khoa học, hiệu quả và linh hoạt để có thể thích ứng được với quá trình này.
Một khó khăn nữa phải kể đến vấn đề tài chính, các cơ sở giáo dục công lập cần phải cân nhắc lựa chọn các phần mềm ứng dụng hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với điều kiện nhà trường.
Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã xây dựng thành công hệ sinh thái dạy học và quản lý qua phần mềm Power Apps (Ảnh: Phạm Linh) |
Xây dựng hệ sinh thái đồng bộ toàn trường
Bắt đầu triển khai chuyển đổi số từ năm 2021 khi đang là Hiệu trường Trường Tiểu học Trần Quốc Toàn (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), thầy Phạm Ngọc Quang đã áp dụng phần mềm quản lý điểm, mã định danh học sinh, giáo viên (SMAS, truong.csdl.moet.gov.vn); phần mềm quản lý cán bộ: (http://qlcb.quangninh.gov.vn); phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá công chức (ETEP, TEMIS, K12online).
Khi bắt đầu thực hiện, thầy Quang tập trung bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng công nghệ thông tin để các thành viên trong nhà trường thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trong công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, tập huấn bài bản, đồng bộ khi triển khai các phần mềm, đặc biệt là phần mềm ứng dụng trong quá trình dạy học và quản lý hồ sơ, sổ sách.
Ngoài ra, việc tạo môi trường làm việc, văn hóa làm việc phù hợp, cởi mở giúp giáo viên nâng cao hiệu quả làm việc, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận sự thay đổi của các các cá nhân khiến việc chuyển đổi số diễn ra thuận lợi hơn.
Thực tế, các phần mềm này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác quản lý cũng như việc dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường.
Đến tháng 1/6/2023, để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất khi sĩ số học sinh tăng cao, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản được tách ra, một cơ sở chính của trường được thành lập với tên gọi Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.
Nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thầy Quang vẫn kiên trì với mục tiêu chuyển đổi số. Trong đó, thầy hướng tới việc xây dựng hệ sinh thái chung để đồng bộ tất cả dữ liệu cũng như các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc được thành lập từ 1/6/2023, tuy nhiên đến nay nhà trường đã cơ bản hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái riêng phục vụ cho công tác quản lý và dạy học chỉ sau 4 tháng.
Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin giúp tạo không khí hào hứng trong lớp học (Ảnh: Phạm Linh) |
Nhà trường sử dụng phần mềm Power Apps trên nền tảng Microsoft Office 365 để vận hành hai cơ sở dữ liệu chuyên sâu là hỗ trợ Quản lý trường học và Thư viện số.
Cụ thể, cơ sở dữ liệu hỗ trợ Quản lý trường học gồm mục nhập dữ liệu và xem dữ liệu trong đó ưu tiên tính chất nhanh gọn, trực quan và sinh động và được chia thành các tiểu mục phù hợp với công tác quản lý nhân sự và hồ sơ như hồ sơ viên chức, thông tin năm học, cơ sở vật chất, quản lý công văn, nhiệm vụ phân công cho giáo viên,…
Qua đó, giúp quản lý chính xác các công việc cần và đang thực hiện trong việc quản lý nhân sự cũng như hồ sơ giáo dục một cách nhanh và chuẩn, thúc đẩy tính chính xác về thời gian thực hiện cũng như trách nhiệm đối với mỗi cá nhân trong nhà trường.
Để hoàn thiện hệ sinh thái trên, theo thầy Phạm Ngọc Quang, đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm cao là yếu tố quan trọng giúp bù đắp lại những hạn chế về cơ sở vật chất của nhà trường.
Giáo viên nhà trường luôn mạnh dạn thực hiện đổi mới qua việc khai thác triệt để các thiết bị dạy học thông minh vào giảng dạy; sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực: sơ đồ tư duy; biểu đồ KWLH; kĩ thuật khăn trải bàn; phương pháp bàn tay nặn bột; … Đồng thời, áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lớp học (từ trong lớp, ngoài sân, mô hình lớp học đảo ngược…).
Học sinh chăm chú lắng nghe và tương tác cùng giáo viên trong tiết học (Ảnh: Phạm Linh) |
Chuyển đổi số mang lại những hiệu quả nào?
Chia sẻ thêm về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học thầy Phạm Ngọc Quang cho biết, đối với công tác quản trị của nhà trường,chuyển đổi số giúp tạo môi trường làm việc thực công khai, minh bạch, dân chủ và hiệu quả trong hệ thống quản trị của nhà trường. Khi tham gia quá trình chuyển đổi số, hiệu trưởng sẽ có thể chủ động truy xuất báo cáo về các hoạt động của nhà trường, của giáo viên, nhân viên và học sinh.
Đặc biệt, nhà trường có thể khai thác tối đa năng lực làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, giảm áp lực về khối lượng công việc để giáo viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác.
Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng giáo viên qua số liệu báo cáo nhận lại cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối quý.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp nhà trường tiết giảm được chi phí hoạt động bởi khả năng kết nối vô hạn, không cần nguồn lực có sẵn.
Đối với giáo viên,chuyển đổi số giúp hoạt động học tập chuyên môn trở nên thú vị hơn so với đào tạo truyền thống.
Thông qua việc tham gia vào một số cộng động chia sẻ tri thức trực tuyến, giáo viên có cơ hội cùng chia sẻ ý tưởng, chiếc lược thành công và nội dung, họ sẽ tạo động lực cho nhau cùng phát triển và thích ứng. Năng lực của ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên công nghệ thông tin cũng dần được nâng cao.
Ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên sẽ thiết kế những bài giảng có nội dung học tập đa dạng, phong phú hơn và đánh giá các em dựa trên năng lực, thay vì khả năng ghi nhớ nội dung.
Đối với học sinh,áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng mang đến cho học sinh những trải nghiệm sống động, vượt qua ranh giới của trải nghiệm thông thường. Ví dụ, các em có thể tham gia một chuyến tham quan ảo vào một ngọn núi lửa hoặc đi bộ xung quanh một tế bào sống trong không gian 3D, hoặc thậm chí xây một ngôi làng thời trung cổ hoặc hệ sinh thái cận Sahara của riêng mình.
Từ đó, trang bị cho học sinh kỹ năng số và các kỹ năng nâng cao hiệu suất làm việc để trở thành cá nhân tích cực và thành công trong cộng đồng làm việc và khởi nghiệp. Xây dựng cho học sinh khả năng quản lý cảm xúc, thiết lập và đạt mục tiêu, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác, xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực và đưa ra các quyết định có trách nhiệm.
Mỗi tiết học đối với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là một trải nghiệm hạnh phúc (Ảnh: Phạm Linh) |
Là một trong những giáo viên luôn hưởng ứng, tâm huyết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cô giáo Hoàng Thị Bảo Trang – giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ: “Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 4 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thầy Quang luôn định hướng giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng như những phương pháp, kỹ thuật dạy học để đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Định hướng này đã mang lại nhiều hiệu quả như việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Các phần mềm nhà trường phổ biến không chỉ để dạy trực tuyến mà giáo viên có thể linh hoạt giao bài tập, nhiệm vụ tìm hiểu kiến thức cho học sinh trực tiếp trên phần mềm.
Các bài tập với nội dung, hình ảnh bắt mắt cùng việc tương tác với thiết bị công nghệ khiến học sinh hứng thú hơn và không còn tâm lý ngại ôn tập kiến thức nữa. Năm học này, nhà trường còn triển khai thư viện số với đa dạng sách đọc, sách nghe để khuyến khích tinh thần đọc sách cho học sinh”.
Khi được hỏi về việc học sinh tiểu học có gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị công nghệ hay không, cô giáo Trang cho biết: “Khi bắt đầu triển khai học sinh không tránh khỏi bỡ ngỡ nên nhà trường, giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt khó khăn và có phương án hỗ trợ kịp thời.
Tuy nhiên, do có cơ hội tiếp xúc với công nghệ sớm nên ngay cả học sinh khối lớp 1, lớp 2 đều học rất nhanh, có thể thao tác làm bài tập cô giao trên phần mềm thành thạo”.
Ghi nhận những cống hiến của thầy Phạm Ngọc Quang, nhiều năm liền, thầy được công nhận danh hiệu thi đua Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Tỉnh. Thầy còn nhận được giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Năm học 2022 – 2023, thầy Phạm Ngọc Quang vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.