Vừa qua, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Giáo dục 2023 về chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.
Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước đã có nhiều thảo luận, trao đổi sôi nổi đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục đại học; trong đó, tập trung về chất lượng và đánh giá chất lượng giáo dục đại học.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều chia sẻ quan trọng liên quan tới các chính sách và những hạn chế, vướng mắc đang tồn tại trong sự phát triển bền vững của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
Áp lực tự chủ đại học khiến nhiều hiệu trưởng xin nghỉ việc
Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Chi |
Giáo sư Lê Quân nhận định, đầu tư gắn liền với chất lượng là bài toán về thể chế và hoàn thiện chính sách hiện nay cần tập trung.
Theo đó, người đứng đầu Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo dục đại học đã đạt được một số thành tích nhất định, nhưng vẫn còn không ít điều băn khoăn.
“Trong chất lượng giáo dục đại học, chúng ta nói nhiều đến chỉ số, chỉ tiêu, nhưng thực sự có phù hợp hay không? Hay rất nhiều cơ sở giáo dục đại học đạt được kiểm định chất lượng, nhưng liệu có đáp ứng được chất lượng của chúng ta?” Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ băn khoăn, và cho rằng cần phải có phân tích, đánh giá về mặt chính sách trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Giáo sư Lê Quân cũng đặt vấn đề về bài toán năng lực tự chủ của các trường đại học. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, tự chủ là một bước chuyển cực kỳ mạnh mẽ với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. So với 10 năm trước đây, các trường đại học đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đang vướng rất nhiều về cơ chế, chính sách bất cập.
"Đại học Quốc gia Hà Nội được coi là nơi có cơ chế tốt nhất, tuy nhiên thực tế khi hoạt động cũng vướng rất nhiều luật. Điều này có thể gây ra độ trễ từ 3 - 5 năm”, Giáo sư Lê Quân phân tích.
Chia sẻ thêm, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thời gian qua Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho các ngành, các địa phương nhưng chưa có cơ chế nào đặc thù cho giáo dục đại học. Nhất là với hai đại học quốc gia, là đại học trọng điểm, nhưng hiện nay đang chịu các cơ chế quản lý, hoạt động không khác gì trường đại học khác. Việc "đồng phục thể chế" đang khiến các trường gặp khó và không phát huy hết năng lực.
Giáo sư Lê Quân cũng nhắc đến vai trò của hiệu trưởng trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay. Theo đó, hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng vì cơ sở giáo dục đại học không phải là cơ quan quản lý theo hành chính mà đòi hỏi sự năng động rất cao.
Lấy dẫn chứng thực tế tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, Giáo sư Lê Quân chia sẻ:
“Đại học Quốc Gia Hà Nội bây giờ để tìm được một hiệu trưởng giỏi cũng rất khó khăn. Trong khoảng 2-3 năm qua, có 2-3 đồng chí thôi nhiệm vụ hiệu trưởng để chuyển sang một vị trí công tác khác. Tất nhiên phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận và động viên người tiếp theo, nhưng điều này cho thấy đây dần trở thành công việc với rất nhiều áp lực, sức ép”.
Lương cơ sở tăng, ngân sách giảm, nguồn học phí có giới hạn
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU |
Một bài toán khác trong phát triển giáo dục đại học nước ta hiện nay cũng được Giáo sư Lê Quân đề cập tới là vấn đề nguồn lực đầu tư. Chia sẻ với những khó khăn chung của ngành đối với vấn đề nguồn lực đầu tư và những kỳ vọng lớn lao với giáo dục đại học, Giáo sư Lê Quân cho biết:
“Đại học Quốc gia Hà Nội mặc dù được coi là cơ sở trọng điểm, được nhiều ưu tiên phát triển, nhưng để đầu tư đáp ứng được sứ mệnh và nhiệm vụ cũng hết sức khó khăn”.
Nhiều vấn đề đặt ra với bài toán tài chính trong đại học khi lương cơ sở đang tăng lên, ngân sách giảm, trong khi đó nguồn học phí có giới hạn.
Trước những khó khăn về thể chế và chính sách đặt ra trong phát triển giáo dục đại học, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần sớm có cơ chế điều chỉnh nhanh chính sách và ban hành Nghị quyết đặc thù cho giáo dục đại học.
“Làm sao để đại học có những cơ chế được quản lý theo mô hình tự chủ cao, được làm nhiều điều mới và cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng, hơn là đưa vào cách quản lý mang tính chất hành chính, đồng phục thể chế”.
Bộ trưởng đề xuất, lấy tự chủ đại học là tâm điểm; rà soát những vấn đề là điểm nghẽn, chồng chéo, gây cản trở, mâu thuẫn để tháo gỡ, sửa đổi luật, để các luật khác, quy định khác có thể mở đường cho tự chủ đại học. "Đã đến lúc cần có một đột phá về mặt thể chế, mở đường cho tự chủ đại học", người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định.