Thông tư này khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi dự thảo Thông tư này được thông qua, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông sẽ có một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên và nhà trường sẽ có nhiều quyền hơn trong việc chọn bộ sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục của mình so với Thông tư hiện hành.
Ảnh minh họa. |
Điều này khá giống với năm học đầu tiên (năm học 2020-2021), năm áp dụng việc thay sách giáo khoa lớp 1. Theo Thông tư số: 01/2020/TT-BGDĐT, mỗi trường học cũng có một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Đã có khá nhiều ý kiến ủng hộ việc trao thêm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, cho nhà trường. Bởi, theo lý giải của một số người, giáo viên là người trực tiếp giảng dạy nên sẽ hiểu rõ nhất bộ sách giáo khoa nào phù hợp với học sinh của mình.
Bên cạnh đó, là người trực tiếp giảng dạy nên thầy cô cũng sẽ dễ dàng nhận thấy chất lượng của từng bộ sách, tránh tình trạng chọn bộ sách không phù hợp.
Ngoài ra, nhiều người hy vọng, các trường lựa chọn sách sẽ giảm thiểu được phần nào nhóm lợi ích (nếu có).
Bản thân là giáo viên, người viết cũng được tham gia lựa chọn sách khoa lớp 1 năm học 2020-2021 và tham gia góp ý, bình chọn sách giáo khoa của các khối lớp 2, 3, 4 vừa qua.
Bản thân người viết cũng khá trăn trở với những ý kiến ủng hộ trao thêm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, cho nhà trường để giảm thiểu những bất cập đã được phản ánh trong thời gian vừa qua.
Bởi, việc nghiên cứu, bình chọn sách giáo khoa diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục thời gian vừa qua không được như sự kỳ vọng của nhiều người. Quy trình lựa chọn sách giáo khoa vẫn đảm bảo theo đúng quy định. Tuy nhiên, không ít thầy cô giáo còn thực hiện một cách khá hời hợt, mang nặng tính hình thức và qua loa.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa ở nhiều cơ sở giáo dục chưa thật sự sâu kỹ.
Thứ nhất, sách giáo khoa mẫu cho giáo viên đọc quá ít. Cả hội đồng vài chục người chỉ có một hai đầu sách nên các thầy cô giáo phải chia nhau đọc.
Thứ hai, bình chọn sách giáo khoa thường rơi vào khoảng thời gian trong năm học. Giáo viên được giao tham khảo sách trước rồi tổ chức bình chọn sau. Tuy nhiên, ngày đi dạy, còn tham gia rất nhiều cuộc thi của ngành như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Những cuộc thi trực tuyến được phát động khá nhiều cũng yêu cầu thầy cô tham gia. Ngoài ra, giáo viên còn lo soạn bài để thao giảng dự giờ cấp tổ, cấp trường, cấp huyện thị. Giờ rảnh cũng phải lo hoàn thành hồ sơ sổ sách chuyên môn.
Đó là chưa nói đến việc hằng ngày còn gánh nặng cơm, áo gạo tiền cho gia đình. Thầy cô giáo nào dành thời gian để đọc vài chục cuốn sách giáo khoa của vài bộ sách để so sánh tính ưu việt hoặc hạn chế của từng bộ?
Không dám khẳng định là tất cả nhưng số lượng giáo viên dành cho việc nghiên cứu vài chục bộ sách giáo khoa để chọn lựa là không nhiều.
Thứ ba, dù không muốn (kiểu vạch áo cho người xem lưng) nhưng công tâm nhìn nhận, nhiều thầy cô giáo hiện nay không đủ trình độ thẩm định sách giáo khoa để lựa chọn. Minh chứng rõ ràng nhất là, năm 2020-2021, giáo viên nhà trường được quyền chọn sách giáo khoa cho học sinh của trường.
Đã có 5 bộ sách giáo khoa được chọn. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn, dư luận dậy sóng vì nhiều bộ sách vướng nhiều sạn. Không rõ trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa, thầy cô có góp ý và chỉ ra "sạn" không mà đến khi phát hành rộng rãi, các vấn đề tồn tại mới được chỉ ra.
Người viết còn nhớ, thời điểm tham gia lựa chọn sách giáo khoa có khoảng gần 40 đầu sách, tổ chức bình chọn trong một buổi (dù trước đó nhà trường có yêu cầu giáo viên xem trước các bộ sách). Do không đủ lượng sách nên nhà trường thường phân chia theo cách như: tổ 1 đọc sách tiếng Việt, tổ 2 xem sách Toán, tổ 3 xem sách Tự nhiên và Xã hội, tổ 4 xem sách Đạo đức…Tổ nào xem xong lại đổi xoay vòng cho tổ khác.
Về nhà, thực tình giáo viên cũng không có nhiều thời gian để đọc, để nghiền ngẫm. Lên trường, nhiều thầy cô giáo chỉ lật, giở, xem tranh ảnh. Ngoài ra, có người còn tìm trên google đọc các góp ý về những bộ sách ấy hoặc nhắn tin, gọi điện cho đồng nghiệp ở các trường khác copy nhận xét của họ để ghi vào biên bản. Sau đó, từng thầy cô ghi tên bộ sách mình đã chọn và bỏ phiếu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mới về quyền bình chọn sách. Chắc chắn Bộ cũng hy vọng khi trao thêm quyền bình chọn sách cho giáo viên, cho nhà trường sẽ góp phần tháo gỡ được những bất cập trước đây về việc lựa chọn sách.
Tuy nhiên, theo suy nghĩ của cá nhân người viết và tham khảo thêm một số đồng nghiệp chỉ còn một năm học nữa (lựa chọn sách cho học sinh khối lớp 5 và lớp 12) cùng với việc các trường học đang sử dụng ổn định bộ sách đã được chọn trước đó nên không muốn có sự thay đổi nào thêm nữa.
Mỗi lần thay một bộ sách giáo khoa sẽ kéo theo khá nhiều hệ lụy như việc học sinh không thể dùng lại sách cũ. Giáo viên phải tìm hiểu lại cách dạy theo bộ sách mới, thay đổi giáo án, chuyên môn đã nghiên cứu, đầu tư trước đó. Điều này khiến không ít giáo viên ái ngại.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.