Học viên ở TTGDNN-GDTX vùng cao mong được hưởng hỗ trợ chế độ ăn bán trú

16/11/2023 07:23
Mạnh Đoàn
GDVN- "Chúng tôi mong muốn có chính sách cho các em học viên khi học văn hóa được hưởng chính sách như học sinh phổ thông, về chế độ ăn bán trú".

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định Hồ sơ xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 116 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến lãnh đạo các lãnh đạo trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các khu vực trên.

Theo cô Hoàng Thị Huệ (Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quang Bình, Hà Giang), đơn vị vừa đào tạo nghề và văn hóa phổ thông, năm học này trung tâm có 340 học viên. Trong đó, tỷ lệ học viên có hoàn cảnh khó khăn chiếm 80%, dân tộc thiểu số là 99% (chỉ có 2 em dân tộc Kinh).

"Hai năm học nghề các em được nhận học bổng từ Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội. Bước sang năm thứ ba học văn hóa phổ thông, các em không được nhận khoản hỗ trợ trên,
các em chỉ được nhận mức hỗ trợ 140 nghìn đồng theo Quyết định 194/2001/QĐ-TTg của Chính phủ.

Do eo hẹp về kinh phí bữa ăn, nhà trường cũng đi vận động các mạnh thường quân nhưng không thành. Đứng trước tình thế này, các phụ huynh đã thống nhất việc đóng góp 8kg gạo/tháng/học viên.

Một tuần, học viên ăn, học tại trung tâm từ đến trưa thứ Sáu và các em về nhà. Chi phí tiền ăn của các em được trích từ 140 nghìn đồng/tháng, ngoài ra gia đình các em đóng góp thêm 8kg gạo/học viên", cô Huệ chia sẻ.

Bữa ăn của các học viên tại trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quang Bình. (Ảnh: NT)

Bữa ăn của các học viên tại trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quang Bình. (Ảnh: NT)

Để nâng cao chất lượng bữa ăn, học viên trong trường cũng tham gia tăng gia trồng rau với diện tích khoảng 300 mét vuông.

"Đơn vị vẫn phải mua thêm rau, bởi các em chỉ trồng được một loại rau. Về thực đơn bữa ăn, ngoài món canh, các em có thể được ăn thêm một món trứng hoặc cá, hoặc thịt xào giá, đậu phụ...", cô Huệ cho hay.

Chia sẻ về đề xuất cho đối tượng học viên thuộc vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số được hưởng quyền lợi như học sinh phổ thông vùng cao, cô Huệ rất tán thành, bởi điều này sẽ nâng cao chất lượng bữa ăn của các em, bên cạnh đó gia đình cũng giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không phải đóng góp gạo.

"Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy nỗi lo là học viên tại các trung tâm ở Hà Giang có số lượng đông, nếu chính sách được thông qua, ngân sách chi cho các em cũng sẽ rất lớn", cô Huệ nói.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, cô Nguyễn Thị Phương Oanh (Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Giang) cho hay, trước đây, khi cô còn công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Minh, học viên trong trung tâm vẫn được hưởng Quyết định 194/2001/QĐ-TTg của Chính phủ là 140 nghìn đồng/tháng/học viên và đến nay các học viên vẫn được hưởng như vậy.

"Các em ở trung tâm so với học sinh trung học phổ thông thì quá thiệt thòi, nếu có chính sách hỗ trợ cho các em học viên là rất thiết thực.

Bên cạnh đó, tôi thấy các thầy cô quản lý học sinh ở bán trú tại trường nhưng không được hưởng chính sách gì. Vì vậy, tôi đề xuất, cũng cần có chính sách cho các giáo viên", cô Oanh chia sẻ.

Từ năm 2015 đến nay, cô Oanh về công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Giang, đơn vị vừa đào tạo học viên học nghề và học văn hóa, trong đó có hơn 100 em học viên không được hưởng chính sách nào, còn dân tộc thiểu số là 70 em.

"Tôi đề xuất, đối với học viên tại vùng đặc biệt khó khăn nên cho các em được hưởng miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền bán trú", cô Oanh chia sẻ.

Thầy Kiều Ngọc Lễ (Hiệu trưởng trường trung cấp dân tộc nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang, Hà Giang) cho hay, năm nay, đơn vị có quy mô 15 lớp với hơn 390 học viên. Học viên học tập tại nhà trường vừa học trung cấp nghề và học văn hóa.

Hoàn cảnh của các em phần đa là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số. Thầy Lễ cho hay, trong hai năm học nghề, các em được học bổng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, khi bước sang năm thứ ba học văn hóa phổ thông, các em sẽ không còn được hưởng chính sách trên.

"Về chế độ ăn bán trú, chúng tôi mong muốn có chính sách cho các em học viên khi học văn hóa được hưởng chính sách như học sinh phổ thông", thầy Lễ nói.

Trường Trung cấp dân tộc nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang. (Ảnh: NT)

Trường Trung cấp dân tộc nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang. (Ảnh: NT)

Hiệu trưởng nhà trường cho hay, về chế độ ăn hằng ngày của học viên là 40 nghìn đồng/3 bữa/học viên, một tuần các em ăn học tại trường 5 ngày. Bên cạnh đó, học viên đóng khoản học phí là 45 nghìn đồng/tháng.

"Một tuần, các em ăn tại trường 5 ngày, còn hai ngày cuối tuần các em về nhà. Với mức chi phí ăn uống sinh hoạt và học phí là khoảng gần 1 triệu đồng/tháng học khi học văn hóa phổ thông, đó cũng là số tiền lớn với gia đình của các em", thầy Lễ cho hay.

Vị lãnh đạo cho hay, theo Đề án, đơn vị là trường nghề nội trú nên tỷ lệ học viên là đối tượng dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm khoảng 85%.

Chia sẻ về việc thẩm định hồ sơ đối tượng thuộc diện chính sách, thầy Lễ cho hay, với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được chính quyền địa phương thẩm định và đơn vị dựa trên hồ sơ để cho học sinh được hưởng quyền lợi.

"Chúng tôi đề xuất, mong muốn đừng phân biệt giữa học sinh phổ thông vùng cao với học viên ở vùng cao. Chúng tôi mong muốn các em được hưởng chính sách như học sinh phổ thông như hỗ trợ gạo, có chế độ bán trú cho các em", thầy Lễ chia sẻ.

Mạnh Đoàn