Đến tham dự hội thảo có ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo của 4 tỉnh, thành phố nằm trong khu vực Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng với đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cần Thơ, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian vừa qua, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chỉ đạo ngành giáo dục thành phố chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ. Qua quá trình thực hiện đã ghi nhận được những hiệu quả tích cực.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo (ảnh: V.D) |
Với mong muốn được kết nối và chia sẻ, hướng đến việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục đạt được hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục 4 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và khu vực thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo này với chủ đề “Khai thác dữ liệu – Kiến tạo giá trị”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ luôn tiên phong trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ, xem vai trò quan trọng của hạ tầng công nghệ quan trọng như là hạ tầng giao thông, có những ưu tiên đầu tư phù hợp tầm cỡ.
“Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất, thì bên cạnh nó phải là dòng chảy dữ liệu tương ứng” – ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Giáo dục và đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của khu vực. Chuyển đổi số trong giáo dục vì vậy luôn được quan tâm, đầu tư như là một giải pháp mũi nhọn, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương.
Chuyển đổi số ngành giáo dục là quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân, vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục.
Toàn cảnh hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Cần Thơ (ảnh: V.D) |
Ông Dương Anh Đức cho rằng, để chuyển đổi số thành công thì cần có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ, với các nền tảng số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục. Theo đó:
Chiến lược cần có tầm nhìn tổng thể, đầy đủ cho kế hoạch trung hạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, có tính linh hoạt để nhận ra và đáp ứng nhanh chóng những thay đổi trong công nghệ.
Chiến lược phải thúc đẩy sự tham gia, hướng tới sự phục vụ cho số đông cộng đồng, và từ đó tạo ra nguồn tài nguyên dữ liệu, nguồn vốn quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số.
Việc triển khai các công nghệ mới phải phù hợp, và mang tính kế thừa thành quả của những công nghệ trước đó.
Khi xây dựng các chính sách cần hướng tới mục tiêu phát triển, quản lý, bảo toàn, khai thác nguồn vốn dữ liệu, từ đó tạo ra giá trị cho xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Tại hội thảo này, các đại biểu tham dự sẽ được chia sẻ một bức tranh tổng thể về kiến trúc chuyển đổi số, chú trọng vào những giải pháp được dẫn dắt bởi dữ liệu. Từ đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể xây dựng chiến lược chuyển đổi số của mình.