Cô giáo Lý Thị Lam lấy động lực giảng dạy từ chính "trái ngọt" của học trò

11/11/2023 06:27
Thảo Ly
GDVN-  Chứng kiến học trò thu được "trái ngọt", là động lực giúp cô giáo Lý Thị Lam phấn đấu giảng dạy, dành trọn cuộc đời tâm huyết với nghề giáo. 

Vừa qua, thông tin từ Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, Hội đồng xét chọn chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 đã lựa chọn ra 58 giáo viên tiêu biểu từ 47 tỉnh, thành phố trên cả nước để tuyên dương đúng vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Lý Thị Lam, sinh năm 1970, giáo viên môn Ngữ văn - Lịch sử, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Phong (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) là 1 trong 58 thầy, cô được vinh danh trong chương trình này.

Khi càng có tuổi, càng phải cố gắng hơn nữa

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lý Thị Lam bày tỏ niềm vui khi được vinh danh trong chương trình này: “Tôi cảm thấy rất vui, xúc động, tự hào vì mình may mắn hơn các bạn đồng nghiệp khác khi được vinh danh nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây cũng chính là động lực để mình tiếp tục phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện và tỉnh nhà trong những năm tiếp theo”.

Cô giáo Lý Thị Lam - Giáo viên môn Ngữ văn - Lịch sử,Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Quang phong (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: NVCC

Cô giáo Lý Thị Lam - Giáo viên môn Ngữ văn - Lịch sử,Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Quang phong (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: NVCC

Nói về cơ duyên đến với nghề giáo, cô Lam cho biết, ngày nhỏ, khi nhìn thấy thầy cô tận tình dạy dỗ, chỉ bảo học sinh nên mong ước sau này trở thành một cô giáo dạy học trò tại các bản làng hay vùng quê xa xôi cách trở. Lên cấp 3, đam mê đó vẫn tiếp tục nung nấu tuy nhiên, do gia đình có 8 người con, điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên cô Lam tạm hoãn ước mơ để giúp đỡ gia đình.

Khi cuộc sống gia đình ổn định, cô Lam quyết định viết tiếp ước mơ trở thành một giáo viên. Năm 32 tuổi, cô tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn - Lịch sử (Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên) và theo dạy tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hữu Thác (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn).

Năm 2020, cô giáo Lam được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Phong (huyện Na rì, tỉnh Bắc Kạn).

“Đi dạy ở tuổi 32, tôi luôn nghĩ rằng, bản thân vào nghề muộn hơn so với các bạn, các em nên phải phấn đấu, càng có tuổi càng phải cố gắng học tập để theo kịp đồng nghiệp. Dạy học bằng niềm đam mê, sự nỗ lực và tâm huyết của bản thân, tôi đã có những thành tích nhất định trong sự nghiệp giáo dục.

Nhớ lại lúc mới ra trường, kinh tế gia đình chưa ổn định, tôi thường xuyên đi bộ tới trường, có những hôm bụng đói nhưng vẫn phải cố gắng lội đường suối, đường rừng để về nhà”, cô giáo Lam kể lại.

Năm 2003, cô được phân công vừa làm giáo viên chủ nhiệm vừa phụ trách đào tạo thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh môn Ngữ văn - Lịch sử. Chứng kiến học trò gặt hái được “trái ngọt” sau nhiều ngày tháng miệt mài nỗ lực, cô Lam cảm thấy hạnh phúc, đạt được những thành tựu nhỏ đầu tiên và đây cũng chính là động lực thúc đẩy cô giáo Lam phấn đấu và giảng dạy trong những năm tiếp theo.

Chia sẻ bí quyết giúp học sinh đạt được thành tích cao, cô Lý Thị Lam nói: “Trong quá trình ôn thi, để tạo động lực cho các em, tôi hay nêu những tấm gương, anh chị đi trước đã nỗ lực vươn lên dù cuộc sống có nhiều khó khăn giúp các em có thêm hứng thú, động lực và say mê học tập.

Kỹ năng viết văn của các em còn hạn chế do không có nhiều tài liệu đọc tham khảo, trí tưởng tượng chưa phong phú nên tôi thường xuyên hướng dẫn các em tìm đọc tài liệu nên học sinh đạt thành tích môn Ngữ văn thấp hơn so với môn Lịch sử.

Có lẽ, hạnh phúc nhất là khi học sinh thông báo với tôi rằng các em đã đỗ Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Kạn môn Lịch sử và Ngữ văn, sau này những học sinh đó đều viết tiếp ước mơ thi đỗ vào các trường đại học top”.

Giáo viên chủ nhiệm như người cha, người mẹ thứ hai

Cô giáo Lam cho biết, vai trò của giáo viên chủ nhiệm giống như người cha, người mẹ thứ 2 của các em. Bên cạnh đó, thầy cô phải tận tâm, tận lực, định hướng cho các em về đạo đức, lối sống, đặc biệt với học sinh miền núi, kỹ năng giao tiếp còn nhiều hạn chế nên trong giờ sinh hoạt cuối tuần, cô Lam thường xuyên chia sẻ, chỉ dạy học trò.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, cô Lam đã thay đổi phương pháp giảng dạy để vừa phù hợp với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phù hợp với năng lực của học sinh. Bởi, nhận thức của học sinh còn hạn chế nên nếu em nào chưa làm được, cô giáo Lam sẽ gợi ý, định hướng sát với nội dung chương trình học giúp học trò tiếp thu nhanh và linh hoạt hơn.

“Có phụ huynh chưa có sự đầu tư, quan tâm tới các con nhiều vì thường xuyên phải đi làm xa nhà. Ngoài ra, niềm đam mê của học sinh chưa cao cùng với việc ở cùng ông bà nên không có người quản lý, giám sát khiến việc dạy học còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, những buổi học phụ đạo do trường tổ chức, giáo viên phải đến từng nhà động viên các em đến trường.

Vì vậy, trong mỗi tiết học, tôi luôn tỉ mỉ giảng dạy, lồng ghép câu chuyện truyền cảm hứng về học tập, cho học trò động lực rằng: “Muốn thay đổi tương lai, muốn thoát khỏi lũy tre làng, không chân lấm tay bùn, chỉ có con đường học là cách giúp các em tiến bộ và phát triển”, cứ như vậy, mỗi lứa học trò hoàn thành chương trình học đều đạt được thành tích tốt, giúp tôi luôn có niềm tin vào sự nỗ lực của học trò mình”, cô Lam chia sẻ.

Cô giáo Lý Thị Lam cùng học trò trong tiết học môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Cô giáo Lý Thị Lam cùng học trò trong tiết học môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Cô Lam chia sẻ thêm: “Hiện nay, các em được cha mẹ trang bị điện thoại di động phục vụ việc học trực tuyến trong đại dịch Covid - 19, tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại lại chưa được phụ huynh quản lý chặt chẽ khiến ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập. Chưa kể, do nhận thức chưa rõ ràng, học trò dễ sa vào các hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội. Vì vậy, tôi rất mong các em nhận được sự quan tâm sát sao của cha mẹ, ông bà.

Ngoài ra, trường hiện có 4 lớp nhưng chỉ được cấp 2 tivi, 1 máy chiếu lưu động phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù, trang thiết bị đầu tư cho việc học được dự kiến mua, nhưng chưa kịp thời. Bên cạnh đó, trường cũng chưa có phòng học bộ môn nên tôi mong được bổ sung kịp thời giúp các em có môi trường học tập tốt hơn”.

Thành tích cô Lý Thị Lam đạt được sau 22 năm công tác trong ngành giáo dục:

Năm học 2005 - 2006, 2006 - 2007, 2008 - 2009, 2009 - 2010, 2010 - 2011 Công Đoàn giáo dục Na Rì tặng giấy khen có thành tích xuất sắc.

Năm học 2011 - 2012, 2012 - 2013, 2019 - 2020 Liên đoàn lao động huyện Na Rì tặng giấy khen có thành tích xuất sắc.

Năm học 2011 - 2012, 2012 - 2013, 2015 - 2016, 2018 - 2019, 2019 - 2020, 2020 - 2021, 2021 - 2022, 2022 - 2023 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Na Rì tặng giấy khen có thành tích xuất sắc.

Năm học 2017 - 2018 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc.

Năm 2020, 2022 Ban chấp hành Đảng bộ xã Quang Phong tặng giấy khen Đảng viên đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm học 2021 - 2022 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Rì tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc chào mừng kỉ niệm 40 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Thảo Ly