Sáng ngày 10/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng, (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Sáng tạo trong đào tạo Mỹ thuật ứng dụng.
Đến tham dự hội thảo có ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng Ban công tác hội viên (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng đại diện lãnh đạo 24 tổ chức, đơn vị thành viên thuộc Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng.
Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng là xu thế chung nhất là ở giáo dục đại học
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư Đặng Mai Anh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng cho hay, đào tạo Mỹ thuật ứng dụng trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay là xu thế chung toàn cầu, của mọi lĩnh vực trong xã hội nhất là giáo dục đại học hiện nay.
Hội thảo đã tiếp nhận 71 bài viết đến từ 26 đơn vị thuộc các trường đại học trong cả nước về lĩnh vực đào tạo Mỹ thuật ứng dụng.
Phó Giáo sư Đặng Mai Anh phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D) |
Được biết, đây là lần thứ 7, Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng tổ chức hội thảo, là bước tiếp nối của những thành công các cuộc hội thảo lần trước, đánh dấu một hoạt động chuyên môn thành công của câu lạc bộ.
Phó Giáo sư Đặng Mai Anh hy vọng rằng, trong những năm tiếp theo, Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng sẽ tiếp tục có những hoạt động hiệu quả, sâu rộng hơn với chuyên môn đào tạo, tiếp tục được sự tham gia đông đảo của các trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng trên toàn quốc.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phát biểu (ảnh: V.D) |
Là đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo, Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho răng, đây là một hội thảo có ý nghĩa to lớn, bởi trong bối cảnh thực tiễn như hiện nay, việc phát triển trí tuệ nhân tạo, toàn cầu hóa, sự xóa nhòa ranh giới giữa các nền văn hóa cũng dần làm ảnh hưởng đến giá trị bản sắc và truyền thống.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm nhấn mạnh, đó là những thứ mà người làm thiết kế phải đối mặt.
“Trí tuệ nhân tạo đã dần lấn sâu, thay thế rất nhiều khâu trong hoạt động của các nhà thiết kế, nên giải pháp duy nhất của chúng ta trong giai đoạn này là sáng tạo và cùng nhau sáng tạo” – Tiến sĩ Trần Ái Cầm khẳng định.
Chuyên gia nhận định, sinh viên Mỹ thuật ứng dụng thường có phương pháp học thiếu hiệu quả
Chia sẻ quan điểm của mình tại hội thảo, Nhà thiết kế, Kiến trúc sư Nguyễn Tri Phương Đông – Chuyên gia truyền thông, thương hiệu, quảng cáo đến từ Hoa Kỳ cho biết, điểm yếu của sinh viên Mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam hiện này là thường thiếu ý tưởng mới, và khả năng giải quyết vấn đề: Không tìm ra cách tiếp cận giải quyết các thách thức thiết kế, cũng như chưa sẵn sàng nghiên cứu và khám phá; thiếu khả năng tự học và sợ thay đổi, thử nghiệm ý tưởng mới.
Theo nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông, sở dĩ sinh viên Mỹ thuật ứng dụng có phương pháp học và thiết kế thiếu hiệu quả, là do thiếu kiến thức nguyên lý thiết kế, thiếu mới mẻ hay đa dạng trong ý tưởng, tổ chức thiết kế thiếu ý đồ, chú trọng hình thức, xem nhẹ chức năng, không lắng nghe phản hồi từ người khác.
Thành viên Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng chụp hình lưu niệm với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (ảnh: V.D) |
Sinh viên thiếu tư duy sáng tạo khiến khó tạo ra ý mới, thiếu đam mê nên học không tập trung, thiếu kiên nhẫn nên mau bỏ cuộc.
Ngoài ra còn có việc quản lý thời gian kém, dẫn đến áp lực và thiếu hiệu suất, chưa thành thạo các công cụ và ứng dụng phần mềm thiết kế cập nhật.
Sinh viên còn bị hạn chế trong kỹ năng tạo ý và tạo hình, khó khăn trong tổng hợp thông tin từ nhiều yếu tố, để tạo ra ý tưởng hoặc giải pháp, không chủ động mới trong suy tính và tìm thủ pháp thể hiện, sinh viên dễ hài lòng với các ý tưởng đầu tiên, khả năng phân tích yếu, hạn chế trong việc tổ chức hình ảnh phù hợp cho thiết kế, trình bày ý tưởng thường khó thuyết phục.
Từ đó, nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông đưa ra các giải pháp khắc phục: Để thích nghi với cách học theo tín chỉ, với tư duy độc lập, nhất là thiết kế sáng tác, nghiên cứu, làm việc cá nhân, sinh viên cần có từ 3 đến 5 học kỳ để làm chủ.
Khi quen biết thiết kế, sinh viên chỉ phát huy hiệu quả thực sự trong 3 học kỳ cuối, rèn luyện phương pháp và tư duy thiết kế nền tảng từ học kỳ đầu tiên, với các sinh viên thiết kế ở Việt Nam là sự thực quan trọng hơn sinh viên thiết kế ở các nước khác, nơi mà học sinh phổ thông đã được đào tạo tư duy độc lập đồng bộ.