Tranh luận việc tặng quà nhà giáo ngày 20/11

15/11/2023 06:42
Phan Tuyết
GDVN- Trường học quán triệt học sinh, phụ huynh không tặng quà, cũng là cách đang bảo vệ hình ảnh người thầy trước không ít biến tướng của việc này.

Mới đây, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đã ban hành văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà ngày nhà giáo 20-11 với các lý do.

Thứ nhất, Ea Huar là xã đặc biệt khó khăn của huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk, đồng bào dân tộc thiểu số đông và đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên không để phụ huynh và học sinh phải suy nghĩ và lo lắng đến việc tặng quà cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Thậm chí để có tiền mua quà tặng các thầy, cô giáo, nhiều em học sinh phải đi làm thuê mới có tiền.

Một tin nhắn không nhận quà tặng của một giáo viên gửi cho phụ huynh (Ảnh P.T)

Một tin nhắn không nhận quà tặng của một giáo viên gửi cho phụ huynh (Ảnh P.T)

Thứ hai, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, qua theo dõi báo chí nhiều em học sinh đi tri ân thầy, cô đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm. Vì vậy, việc không tổ chức tặng quà cho thầy, cô giáo sẽ ngăn chặn được các vụ tai nạn thương tâm này.

Thứ ba, việc không tặng quà cho thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh, vì đôi khi học sinh là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi thăm giáo viên, giáo viên lại không quan tâm bằng các em đi thăm.[1]

Câu chuyện này trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn xã hội. Người ca ngợi, đồng tình với nhà trường. Người phản đối vì cho rằng thăm thầy cô, tặng quà tri ân là quyền của phụ huynh, có làm gì vi phạm pháp luật đâu mà phải ra văn bản cấm.

Những ý kiến trái chiều

Bạn đọc Hồng Dinh bày tỏ: “Tự hào Buôn Đôn có hiệu trưởng như thế. Năm 1996 trường tôi cũng đã làm thế. Tôi đã giải thích với học sinh: Các em chưa làm ra tiền, cha mẹ làm nông ngày công 120 ngàn sao phải mua quà tội lắm, các em nô nức ra đường có thể gây tai nạn giao thông. Học sinh hơi buồn vì không có cơ hội tụ tập nhưng phụ huynh họ mừng hết lớn mọi người ạ”.

Bạn Nga Nguyễn cho rằng: “Điều muốn nói là tôn vinh nghề giáo chứ không phải trục lợi ngày này để nhận quà. Tặng quà mà thành phong trào cũng là xúc phạm nhà giáo đấy".

Bạn Nguyên thắc mắc: “Thầy giáo cũng như các nghề khác, tại sao lại tặng quà, tri ân”?

Bạn Hoàng Ty thì nói: “Cá nhân tôi ủng hộ, nhà trường đã thật nhân văn khi đưa ra quyết định này, nhà trường giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh trò nghèo, thật trân quý”.

“Mình là một giáo viên và cũng mong muốn đừng quà cáp dịp 20/11, lễ Tết, sinh nhật thầy cô... Hiện tại, đã biến tướng rất nhiều, méo mó và làm khổ phụ huynh, học sinh”, bạn đọc Kim Gia chia sẻ.

Cũng có khá nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định ra văn bản cấm của nhà trường.

“Tri ân thầy cô bằng nhiều cách, tặng quà, cũng là một cách. Tại sao lại không được ? Và tặng như thế nào, là quyền của học sinh, của phụ huynh, tuỳ vào khả năng của trò, của gia đình. Nếu cứ áp đặt như vậy, thì mới vô tình tạo áp lực lên giáo viên, lên phụ huynh, chẳng làm gì sai mà tự dưng việc tặng quà nhận quà lại thành lén lút”.

“Xã hội mong muốn tôn vinh nghề giáo, ngày Nhà giáo Việt Nam đã thành truyền thống tốt đẹp không chỉ trong nhà trường. Việc chọn hình thức tôn vinh nào, làm sao để khuyến khích trò bày tỏ lòng biết ơn thầy một cách chân thành và không vụ lợi, là việc cần suy nghĩ, chứ không cần “cấm”.

“Xã hội tôn vinh nghề giáo vì cái tâm với học trò, tôn vinh những người đã chọn nghề vì thế hệ trẻ, vì sự tiếp nối, truyền đạt dòng tri thức, văn hóa của dân tộc, của nhân loại, chứ không phải vì quyền lợi vật chất”.

Có ý kiến cho rằng: “Việc làm sai, việc phi pháp, thì mới bị “cấm”, mới bị đe dọa kỷ luật. Tặng một món quà nhỏ tỏ tấm lòng biết ơn với những người đã chăm nom dạy dỗ mình, là việc làm sai, việc phi pháp ư?

Đành rằng, có những người đã lợi dụng việc ấy, như lợi dụng ngày Nhà giáo Việt Nam để quà cáp phong bì, nhiều giáo viên bị mang tiếng.

Nhưng nghĩ mà thương, mà tội nghiệp những món quà tặng nhiều khi “chẳng đâu vào đâu” của đám học trò nhỏ dại.

Nếu đâu đó sai, phải tìm cách để hạn chế cái sai, cũng như chỉ cho người ta biết cách làm tốt, cách làm đúng, cách làm văn hóa, chứ tại sao lại “cấm”, tại sao nhà trường lại phải tỏ một thái độ phòng thủ, giữ kẽ với phụ huynh, với học trò của mình?

Trong suốt cuộc đời dài, có không ít lần người ta tặng quà, được nhận quà từ người khác. Để cho con trẻ học được bài học về văn hóa của món quà, về “của cho không bằng cách cho”, chẳng ai khác ngoài chính các thầy cô phải dạy điều này ở trường, cha mẹ phải dạy điều này ở nhà”.

Chuyện tặng quà tri ân ngày càng biến tướng

Có người không đồng tình với cách ra văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà nhân ngày 20/11. Vì như thế, nhiều thầy cô cảm thấy lòng tự trọng của người thầy bị tổn thương.

Theo người viết, công bằng nhìn nhận, không ít phụ huynh tặng quà xuất phát từ tâm, từ mong muốn tri ân giáo viên đã vất vả dạy dỗ con mình trong năm học. Vì thế, người tặng và người nhận đều cảm thấy vui và thanh thản.

Trước thập niên 90, cứ tới ngày 20/11, học trò đi tới nhà thăm thầy cô chỉ với bó hoa, cuốn sổ hoặc cây nhà lá vườn như vài trái dừa, ký cam, ký khoai lang, chục trái bắp…

Trước đó, lo đón học sinh, thầy cô phải chuẩn bị bánh kẹo, nấu chè có khi còn chuẩn bị cả cơm trưa.Thầy trò gặp nhau trò chuyện, ăn uống rất vui vẻ. Những năm tháng đó, cũng chẳng bao giờ nghe thấy lời ong tiếng ve về chuyện tặng quà giáo viên.

Ngày nay, câu chuyện tặng quà ngày càng biến tướng. Người ta dần quên đi những món quà quê mà thay vào đó là chiếc phong bì, là phiếu mua hàng cho tiện ích. Việc tặng quà giáo viên cũng có nhiều mục đích, không đơn giản là sự tri ân công lao dạy dỗ, chăm sóc.

Có không ít phụ huynh tặng quà theo phong trào “thấy thiên hạ đi tặng quà, con mình không có sợ bị thầy cô để ý”. Vì thế, món quà tặng miễn cưỡng nên cũng không thấy vui và thoải mái.

Số khác tặng quà để gửi gắm, mong muốn con cái mình được thầy cô quan tâm, ưu ái nhiều hơn bạn bè khác nên người tặng có mục đích mà người nhận cũng thấy nặng lòng.

Khi món quà tặng không xuất phát từ tâm rất dễ sinh ra chuyện bực dọc và có ý nghĩ không tốt về thầy cô.

Ngoài ra, một số trường học hiện nay thường lấy số tiền quỹ của lớp để làm quà tặng cho giáo viên. Ban đại diện cha mẹ học sinh còn lên cả danh sách dài những thầy cô giáo sẽ được tặng quà.

Mỗi lớp hàng chục giáo viên, thầy cô giáo trong Ban giám hiệu và cả những cô bảo mẫu của lớp. Số tiền chi cho việc tặng quà không hề nhỏ. Cũng vì điều này, số tiền thu của học sinh vào đầu năm trở nên khá cao đã gây bất bình cho rất nhiều phụ huynh và dư luận.

Trên các diễn đàn, nhóm hội phụ huynh, vào những ngày tháng 11, người ta bàn luận rôm rả việc tặng quà giáo viên. Bên cạnh đó, không ít những ý kiến lên án làm hình ảnh thầy cô trở nên thực dụng và xấu dần trong mắt bao người.

Trường học ra văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà. Giáo viên cũng cấm phụ huynh chở con đến nhà, đến trường để tặng quà cũng là cách đang bảo vệ hình ảnh người thầy trước những biến tướng của việc tặng quà ngày 20/11.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.doisongphapluat.com/mot-truong-hoc-ra-thong-bao-khong-nhan-qua-nhan-ngay-2011-a598618.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết