Hải Phòng ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

14/11/2023 10:12
LÃ TIẾN
GDVN- Các khu, cụm công nghiệp tại Hải Phòng đang góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, nộp ngân sách của thành phố.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16 nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới được coi là ưu tiên hàng đầu.

14 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp

Theo ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong nửa nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, nộp ngân sách của thành phố.

Cụ thể: Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ trong GRDP của thành phố từ 89,39% năm 2020 đã lên tới 90,66% năm 2022.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2022 tăng 16,26%/năm; 9 tháng năm 2023 tăng 12,47%.

Đáng chú ý, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2022 đạt gần 45%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội 16 đề ra đến năm 2025.

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đến năm 2022 đạt 53,39%, cũng đã vượt chỉ tiêu nghị quyết.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 95% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, đứng thứ 5 cả nước, thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng…

Khu công nghiệp Nam Đình Vũ - Hải Phòng (Ảnh: LD)

Khu công nghiệp Nam Đình Vũ - Hải Phòng (Ảnh: LD)

Nhận thấy sự quan trọng của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hải Phòng đặc biệt chú trọng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Điển hình là có thêm 2 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư là khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu có tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng trên diện tích 752 ha tại khu vực Lạch Huyện và khu công nghiệp Tiên Thanh có diện tích hơn 400 ha tại huyện Tiên Lãng.

Hiện thành phố có 14 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 6.000 ha và 13 cụm công nghiệp với diện tích hơn 500 ha.

Quy mô, chất lượng các dự án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp ngày càng tăng cao, chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và giảm dần các dự án thâm dụng lao động.

Đáng mừng, các khu, cụm công nghiệp mới nằm trong tiến trình xây dựng của Hải Phòng trong nhiệm kỳ này cơ bản đều đã có lộ trình cụ thể.

Hiện nay, Hải Phòng có 4 khu công nghiệp đang nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gồm khu công nghiệp: Nam Tràng Cát (200,3 ha); Thủy Nguyên (319,6 ha); Tràng Duệ mở rộng (678 ha); Giang Biên 2 (350 ha).

Hải Phòng có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.161 ha đang thực hiện các bước chuẩn bị thành lập là An Hưng, Vinh Quang, Ngũ Phúc, Tiên Lãng 1, Tiên Lãng 2, Đảo Cái Tráp, Nam Cầu Kiền.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để thành lập, mở rộng các dự án cụm cụm công nghiệp.

Hiện, các cụm công nghiệp gồm: Vĩnh Niệm, An Lão, Tân Liên, Tàu thủy An Hồng và Quán Trữ đang có tỷ lệ lấp đầy khoảng 86% và cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Các cụm công nghiệp khác như: Tiên Cường 2, Đại Thắng, Giang Biên, Quang Phục, An Thọ, Dũng Tiến - Giang Biên đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, có thể triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025.

Bên cạnh đó, đề án thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng cũng đang dần được triển khai, lấy ý kiến để trình Chính phủ.

Ưu tiên tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư

Theo Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu tỷ lệ lấp đầy 14 khu công nghiệp đã được thành lập trên 70% và thành lập thêm 4-6 khu công nghiệp mới; Hải Phòng thực hiện chuyển đổi từ 2-3 khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái; 1 khu công nghiệp công nghệ cao; Bảo đảm 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Thu hút FDI vào khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 12,5 - 15 tỷ USD; thu hút DDI vào khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 10 - 15 tỷ USD. Bình quân thu nhập người lao động tại khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 20 triệu đồng/người/tháng; Hoàn thành 2-3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha

Có thể nói, thành lập mới các khu, cụm công nghiệp được xác định là đòn bẩy quan trọng để thành phố thu hút đầu tư và phát triển. Nhưng trên thực tế, đa số các khu công nghiệp hiện hữu đã hết đất, diện tích hiện tại còn có thể thu hút đầu tư còn lại ít, phân bổ nhỏ lẻ trong các khu công nghiệp (khoảng 100 ha), diện tích lấn biển chưa thực hiện được còn lớn (khoảng 700 ha).

Hai khu công nghiệp mới được phê duyệt là Tiên Thanh và Xuân Cầu cũng chỉ có diện tích là 1.162,4 ha.

Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Ảnh: LD)

Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Ảnh: LD)

Với quy mô diện tích còn lại như vậy, việc tiếp tục thu hút đầu tư trong tương lai sẽ tương đối khó khăn. Trong khi đó, tiến độ triển khai các khu công nghiệp mới hiện vẫn còn chậm so với kế hoạch. Nếu không nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thì Hải Phòng sẽ thiếu quỹ đất sạch sẵn sàng cho các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, hiện nay tiến độ triển khai các khu công nghiệp, nhất là khu công Tiên Thanh còn chậm. Do đó, cần có giải pháp đồng hành với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện thì xem xét thu hồi dự án để tạo cơ hội cho nhà đầu tư khác, cũng là để tăng thêm nguồn lực xã hội đầu tư.

Ngoài ra, thành phố cần tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư các khu công nghiệp mới, đặc biệt là các khu công nghiệp hiện đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư như: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3, Giang Biên 2…

Theo ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, chỉ khi thành phố luôn sẵn sàng quỹ đất sạch mới có thể thu hút được những nhà đầu tư tiềm năng.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ nhanh chóng giải quyết các vướng mắc của các khu công nghiệp hiện có; triển khai nhanh thành lập các khu công nghiệp mới theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; tăng tốc giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư.

Đồng thời, đề xuất các phương hướng, định hướng lớn trong phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế với vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phối hợp các bên liên quan triển khai, xây dựng đề án đào tạo nghề, thu hút lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu kinh tế…

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng sẽ đề xuất, tham mưu thành phố quản lý chặt chẽ quy hoạch, trật tự xây dựng, môi trường, bảo đảm an ninh trật tự; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy của nhà đầu tư…

LÃ TIẾN