Hiệu trưởng lo địa phương lên nông thôn mới, HS bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú

22/11/2023 06:37
Mạnh Đoàn
GDVN- Hai năm nữa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, lãnh đạo trường PTDTBT THCS Tân Lập (Hà Giang) lo lắng khi chính sách hỗ trợ bán trú bị cắt giảm.

Liên quan đến nội dung Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến lãnh đạo các trường phổ thông dân tộc bán trú ở Tuyên Quang, Hà Giang.

Dự thảo nêu các điều kiện để học sinh được hưởng chính sách bán trú vùng cao. (Ảnh: cắt màn hình)

Dự thảo nêu các điều kiện để học sinh được hưởng chính sách bán trú vùng cao. (Ảnh: cắt màn hình)

Theo cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tân Lập, Bắc Quang, Hà Giang), nhà trường đang đóng tại khu vực III (vùng đặc biệt khó khăn), hiện đơn vị có 127/146 học sinh được hưởng chính sách bán trú, 19 em còn lại nhà ở gần trường (dưới 7km) nên đi về.

Hằng ngày, đối với các em ăn bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ ăn bán trú với bữa sáng là 6 nghìn đồng, bữa trưa và bữa tối gần 10 nghìn đồng/bữa.

Tuy nhiên, theo lộ trình đến năm 2025, xã Tân Lập đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này đồng nghĩa, khi đó học sinh trong nhà trường sẽ bị cắt chính sách hưởng bán trú.

Cô Chung cho hay, nếu học sinh trong nhà trường không được hỗ trợ chính sách sẽ rất thiệt thòi cho các em. Ví dụ như việc đi lại khó khăn, có em phải qua suối, qua đèo, có nhà học sinh cách trường khoảng 17,18 cây số.

"Có trường hợp phụ huynh chở con em xuống trường vào thứ Hai phải đi từ 3 giờ sáng...", cô Chung chia sẻ.

Không chỉ khó khăn về việc đi lại, đó còn là khó khăn của nhiều gia đình học sinh khi phải chi trả tiền ăn bán trú, chi phí sinh hoạt.... có thể có em sẽ phải lựa chọn bỏ bán trú và đi về trong ngày.

"Có những trường hợp hoàn cảnh bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở với ông bà nên các em không đến trường. Nhà trường phải đến tận nhà để vận động học sinh đến trường", cô Chung cho hay.

Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tân Lập cho biết, cô rất mong muốn dự thảo được thông qua để nếu nhà trường lên nông thôn bị cắt chính sách khu vực III, các em sẽ được hưởng chính sách mới.

"Phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ gặp khó khăn khi chi trả tiền ăn cho con em. Vì vậy, tôi rất mong chính sách cho các em học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn ở vùng I, II học tập tại vùng khó khăn được đi vào thực tế", cô Chung chia sẻ.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tân Lập. (Ảnh: NVCC)

Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tân Lập. (Ảnh: NVCC)

Đối với đề xuất của Hội đồng dân tộc về việc thay vì cấp gạo nên hỗ trợ bằng tiền mặt, cô Chung cho rằng, nếu cấp phát bằng tiền mặt, nhà trường phải đi mua gạo sẽ gặp nhiều khó khăn khi đường sá đi lại khó khăn, giá gạo ở thị trường sẽ cao hơn so với gạo được cấp.

Còn với người dân địa phương, họ cấy lúa một năm một vụ và thường không đủ ăn, họ thường chủ yếu trồng cây lâu năm.

"Nếu phụ huynh nhận tiền chính sách để mua gạo, mỗi gia đình góp một loại gạo cũng sẽ khó nấu, khó ăn. Hoặc nếu phụ huynh góp tiền cho nhà trường mua gạo, nhà trường vẫn phải mua số lượng lớn, người bán mới chở vào và đơn vị vẫn phải có kho bảo quản", cô Chung cho hay.

Thầy Lê Cù Toàn (Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Hồng Thái, Na Hang, Tuyên Quang) cho hay, nhà trường hiện có khoảng 300 học sinh, trong đó có 96 em ăn bán trú (62 em được hưởng chính sách Nghị định 116, còn lại 34 em ở vùng nông thôn mới không được hưởng chính sách). Các em đều là dân tộc thiểu số do nhà xa, đường đi khó khăn nên các em ở bán trú tại trường.

Hiện tại, các em học sinh trung học cơ sở tại trường sẽ ăn ở, học tập tại trường từ chiều Chủ Nhật đến hết thứ Bảy, đối với cấp tiểu học là đến hết trưa Thứ Sáu.

Các em được ăn ba bữa/ngày, bữa sáng có thực đơn như cháo gà, mỳ tôm, xôi... buổi trưa và buổi tối cũng theo thực đơn thay đổi thường xuyên.

"Nếu tiền ăn của các em được nâng lên 900 nghìn đồng/tháng/học sinh, bữa ăn có thể sẽ có thêm bữa phụ như sau giữa giờ hoặc buổi chiều có thêm hộp sữa", thầy Toàn nói.

Các em học sinh trong trường dọn vệ sinh. (Ảnh: NVCC)

Các em học sinh trong trường dọn vệ sinh. (Ảnh: NVCC)

Lãnh đạo nhà trường cho hay, tháng 7/2020, hai thôn Nà Kiếm và Pắc Khoang của xã Hồng Thái đạt tiêu chí nông thôn mới. Nơi đây từ khu vực III đặc biệt khó khăn trở thành vùng I, đồng nghĩa 34 học sinh của nhà trường ở trong thôn cũng bị cắt chế độ hưởng bán trú theo Nghị định 116.

Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, đối với 34 em trên, các em phải đóng 720 nghìn đồng/tháng ăn bán trú tại nhà trường. Trong khi đó, hoàn cảnh của các em cũng khó khăn, khi có những gia đình làm nông nghiệp, làm xa nhà...

Thầy Toàn không khỏi ái ngại khi chia sẻ về trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không được hưởng chính sách Nghị định 116.

"Trường hợp của học sinh Bàn Gia Bảo (lớp 4) và học sinh Bàn Thị Cẩm Ly (lớp 6) đều là 2 chị em con ông Bàn Văn Tấn, thôn Pắc Khoang cùng đang theo học ở trường. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn chỉ có khả năng đóng tiền bán trú cho một em, còn một em phải đi về nhà trong ngày.

Hay như trường hợp của em Đặng Văn Quang (trú tại thôn Nà Kiếm) cũng không được hưởng chính sách, trong khi hoàn cảnh mẹ mất sớm, em ở cùng bố và ông bà nội", thầy Toàn chia sẻ.

Về đề xuất đưa đối tượng dân tộc thiểu số ở vùng I, II và thuộc diện hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách như các em ở vùng III, thầy Toàn nhất trí ủng hộ đề xuất này, bởi lẽ điều này rất có lợi cho gia đình học sinh.

Đối với nội dung đề xuất đổi cấp phát gạo sang hỗ trợ bằng tiền mặt, thầy Toàn cho biết, chất lượng gạo khi được cung cấp cho nhà trường rất tốt nhưng việc bảo quản rất khó, bởi khí hậu ở địa phương thường nồm ẩm dễ bị nấm mốc.

"Một năm nhà trường được cấp phát hai lần gạo, đơn vị có ít học sinh nên việc bảo quản cũng không gặp khó khăn nhiều. Tuy nhiên, đối với đơn vị có nhiều học sinh, khối lượng gạo lớn sẽ khó bảo quản hơn", thầy Toàn nói.

Học sinh nhà trường quét dọn sân trường. (Ảnh: NVCC)

Học sinh nhà trường quét dọn sân trường. (Ảnh: NVCC)

Thầy cũng chia sẻ thêm, việc cấp phát tiền mặt cũng không hề dễ dàng, bởi vì người dân địa phương như người Mông đa phần là trồng ngô, còn người Dao cấy ruộng bậc thang một năm chỉ trồng lúa một năm một vụ do không có nước, nên nếu gia đình muốn mua gạo, họ sẽ phải đến trung tâm huyện cách khoảng hơn 40km.

"Việc phát trực tiếp tiền cho học sinh, tôi nhận thấy không khả thi đối với điều kiện ở địa phương.

Đợt vừa qua, nhà trường được cấp phát 40kg gạo/4 tháng/học sinh. Nhà trường đã cân đo lại trừ số gạo được nấu ăn tại trường, số còn lại cấp phát cho các em mang về cho gia đình", thầy Toàn chia sẻ.

Mạnh Đoàn